Báo Đồng Nai điện tử
En

Lo vượt dự toán: Bệnh viện "đẽo chân cho vừa giày"

09:09, 10/09/2019

Nhiều bệnh viện hiện đang lo lắng vì lỡ chi quá số tiền dự chi bảo hiểm y tế cho cả năm. Bệnh viện nào càng đông bệnh nhân, triển khai nhiều kỹ thuật cao sẽ càng lỗ, thậm chí không có tiền trả lương cho y, bác sĩ.

Nhiều bệnh viện hiện đang lo lắng vì lỡ chi quá số tiền dự chi bảo hiểm y tế cho cả năm. Bệnh viện nào càng đông bệnh nhân, triển khai nhiều kỹ thuật cao sẽ càng lỗ, thậm chí không có tiền trả lương cho y, bác sĩ. Từ đó kéo theo thu nhập thấp, bác sĩ lại nghỉ việc.

Bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Hồi sức - tích cực Bệnh viện đa khoa Đồng Nai
Bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Hồi sức - tích cực Bệnh viện đa khoa Đồng Nai

* Thiếu kinh phí, ưu tiên dùng thuốc rẻ

Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, năm 2018, bệnh viện được giao quỹ 569 tỷ đồng, vượt gần 86 tỷ đồng. Nhưng năm 2019, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) lại giao dự toán là 553 tỷ đồng, thấp hơn năm 2018.

Số tiền được giao, bệnh viện phải đảm bảo trả lương đúng ngày để nhân viên có tinh thần làm việc. Bệnh viện phải nợ gối đầu tiền hóa chất, thuốc, vật tư... “Đến nay, bệnh viện đã sử dụng 70% tổng số tiền được giao năm 2019, trong khi đó từ nay đến cuối năm, bệnh nhân lại đông hơn những tháng đầu năm. Trước thực trạng này, cứ 2 tuần chúng tôi phải kiểm kê lại tất cả các chi phí; yêu cầu bác sĩ phải dựa vào tình trạng bệnh nhân để đưa ra chỉ định phù hợp từ cận lâm sàng đến thuốc... để giảm vượt dự toán” - bác sĩ Lê Thị Phương Trâm nói

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ cho biết, ngành Y tế không có quyền can thiệp vào việc giao dự toán hằng năm mà do từ Trung ương phân bổ vào địa phương. Do lo ngại vỡ quỹ bảo hiểm y tế nên giao dự toán thường thấp. Tuy nhiên, các bệnh viện không thể vì lý do này mà giảm chất lượng điều trị cho người bệnh.

Khoa Hồi sức - tích cực Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là nơi tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nặng, thời gian nằm viện kéo dài và sử dụng nhiều dịch vụ y tế.

Trước thực tế vượt dự toán chi bảo hiểm y tế, bác sĩ  Đào Nguyễn Minh Châu, Trưởng khoa cho rằng các bác sĩ của khoa cũng phải cân nhắc, thay đổi thuốc sử dụng cho bệnh nhân. Những bệnh nhân nặng, cần thuốc “xịn”, giá cao vẫn phải sử dụng nhưng sẽ theo chế độ “ưu tiên”. Ví dụ, bệnh nhân cần dùng khoảng 5 loại thuốc, bác sĩ sẽ ưu tiên sử dụng 1-2 loại thuốc ngoại có ảnh hướng lớn nhất đến bệnh nhân. Những loại thuốc sau, ít ảnh hưởng tới bệnh nhân sẽ chuyển sang sử dụng thuốc do Việt Nam sản xuất.

“Hằng ngày, ngoài áp lực tìm cách cứu chữa cho bệnh nhân chúng tôi còn phải đối mặt với tình trạng vượt dự toán chi, sợ xuất toán nên cũng “chùn tay” khi kê đơn thuốc. Chúng tôi phải “cân đo đong đếm” rất kỹ lưỡng vì bảo hiểm y tế còn “soi” luôn cả các xét nghiệm, chụp CT, MRI...” - bác sĩ Minh Châu tâm sự.

Hơn 1 tháng nay, khi nhận được thông báo bệnh viện bị vượt dự toán chi bảo hiểm y tế, các bác sĩ Khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa Thống Nhất “thắt chặt” kê đơn thuốc, sử dụng các dịch vụ cận lâm sàng cho bệnh nhân hơn. Bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng khoa cho hay:  “Chúng tôi phải “co lại” bằng nhiều cách để quỹ không bị vượt quá cao như dùng thuốc rẻ tiền hơn. Chúng tôi không quy chụp thuốc rẻ là thuốc dở nhưng thực tế thuốc tốt không bao giờ có giá rẻ”.

* Nỗi lo vượt dự toán

Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho hay, trong gần 8 tháng, bệnh viện đã sử dụng đến 72% tổng số dự toán chi bảo hiểm y tế của cả năm. Trung bình mỗi tháng bệnh viện phải chi khoảng 35 tỷ đồng, nhưng với số dự toán hiện tại chỉ cho phép bệnh viện được chi 13 tỷ đồng/tháng. Theo tính toán sơ bộ, năm 2019, bệnh viện sẽ vượt khoảng 80 tỷ đồng, cộng thêm 32 tỷ đồng của năm ngoái, trong đó tiền cho thuốc men, vật tư, hóa chất chiếm phần lớn.

Trong xu thế hiện nay, các bệnh viện phải nâng cao chất lượng điều trị, giảm chuyển tuyến, nhất là những ca bệnh nặng phải thở máy, sử dụng kháng sinh liều cao, đắt tiền. Ngoài ra, muốn thu hút bệnh nhân, các bệnh viện phải triển khai nhiều kỹ thuật cao, đa phần đều “tiêu tiền” rất nhiều. “Tình thế này sẽ đẩy các bệnh viện vào khó khăn. Bệnh viện nào càng đông bệnh, càng triển khai nhiều kỹ thuật cao sẽ càng lỗ, thậm chí là không có tiền trả lương cho y, bác sĩ” - bác sĩ Phạm Văn Dũng nói.

Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cũng trong tình trạng bị vượt dự toán chi bảo hiểm y tế. Năm 2018, cơ quan BHXH giao dự toán 169 tỷ đồng với 700 giường bệnh. Bệnh viện hoạt động được 90% công suất giường bệnh và vượt dự toán 30 tỷ đồng. Năm 2019, Sở Y tế giao chỉ tiêu cho bệnh viện là 900 giường bệnh nhưng thực tế, tỷ lệ giường bệnh tăng 130%, kỹ thuật mới triển khai nhiều và khám bệnh ngoại trú cũng tăng.

Bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh chia sẻ: “Chúng tôi chỉ được giao 144 tỷ đồng cho hoạt động của cả năm. Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng, chúng tôi thâm hụt khoảng 8 tỷ đồng”.

* Sức ép từ vượt dự toán

Theo bác sĩ Phan Văn Huyên, việc giao dự toán quá chênh lệch so với thực tế khiến các bệnh viện rơi vào tình thế khó khăn. “Kế toán - tài chính mới báo với tôi rằng, tình hình nguồn quỹ đang rất thiếu. Với tình cảnh này, chỉ 1 tháng nữa, chúng tôi sẽ không có tiền hoạt động” - bác sĩ Huyên bộc bạch.

Hiện nay, 80% lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh đều sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Vì vậy, hoạt động của bệnh viện đều phải dựa vào nguồn quỹ bảo hiểm. Khi vượt dự toán, các bệnh viện sẽ phải giải trình hợp lý các nguyên nhân chủ quan, khách quan để được hoàn lại số tiền vượt này.

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế phân tích, những tháng cuối năm, tình hình vượt dự toán sẽ căng thẳng hơn vì lượng bệnh đông hơn những tháng đầu năm. Nguyên nhân vượt dự toán là do chất lượng dịch vụ tăng, triển khai nhiều kỹ thuật mới. Trước tình hình này, các bệnh viện đều phải cân nhắc để sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm, tránh tình trạng lạm dụng. 

Tại buổi giao ban ngành Y tế mới đây, bác sĩ Nguyễn Thị Quy, Phó giám đốc BHXH tỉnh cho biết, thống kê thanh toán của BHXH năm 2019 cho thấy, các cơ sở y tế thay đổi dịch vụ kỹ thuật mới, mô hình bệnh tật mới là rất ít. Các cơ sở y tế chủ yếu tăng chi phí bình quân lượt điều trị do sử dụng nhiều thuốc và chỉ định rộng rãi các dịch vụ cận lâm sàng. Điển hình, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh trong 6 tháng đầu năm 2019, chi phí bình quân khám ngoại trú tăng 30 ngàn đồng/lượt so với năm 2018, trong khi đó, bệnh viện lại không có dịch vụ mới.

Ngoài các cơ sở y tế công lập, các cơ sở y tế tư nhân cũng vượt dự toán. Chính vì vậy, theo bà Quy, các cơ sở phải tự rà soát lại tất cả các khâu trong hoạt động khám, chữa bệnh của mình. Đến nay, BHXH tỉnh cũng chưa tìm ra cách để thuyết phục phần vượt dự toán này cho BHXH Việt Nam, bởi thực tế, bên cạnh một số cơ sở y tế vượt dự toán hợp lý, vẫn còn những cơ sở vượt dự toán bất hợp lý.

“Các đơn vị phải xem xét nghiêm túc lại các chỉ định của mình. Phần nào rộng rãi cần phải “co lại”, bởi để được thanh toán lại cũng phải chờ rất lâu” - bác sĩ Quy nói.

Khánh Ngọc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích