Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỹ thuật cao điều trị rối loạn nhịp tim

10:06, 03/06/2019

Sau 2 năm chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cử các bác sĩ, kỹ thuật viên đi học tại Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh, cuối tháng 5 vừa qua Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã chính thức đưa kỹ thuật triệt đốt trong buồng tim bằng sóng cao tần radio vào chữa rối loạn nhịp tim.

Sau 2 năm chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cử các bác sĩ, kỹ thuật viên đi học tại Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh, cuối tháng 5 vừa qua Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã chính thức đưa kỹ thuật triệt đốt trong buồng tim bằng sóng cao tần radio vào chữa rối loạn nhịp tim.

Các bác sĩ dò tìm, triệt đốt ổ loạn nhịp trong buồng tim cho bệnh nhân
Các bác sĩ dò tìm, triệt đốt ổ loạn nhịp trong buồng tim cho bệnh nhân

Kỹ thuật này lần đầu tiên được triển khai tại Đồng Nai, hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân tỉnh nhà.

* Tỷ lệ thành công gần như tuyệt đối

TS-BS.Trương Quang Khanh, Trưởng khoa Nhịp tim Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh cho biết, rối loạn nhịp tim là bệnh lý thường gặp trong các bệnh tim mạch, có thể gây biến chứng nguy hiểm, thường dẫn đến suy tim, hình thành cục máu đông gây tắc mạch dẫn đến đột qụy, đột tử.

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Bệnh viện đa khoa Thống Nhất là bệnh viện đi đầu trong tỉnh về lĩnh vực điều trị tim mạch, từ việc mổ tim hở đến triển khai kỹ thuật triệt đốt trong buồng tim bằng sóng cao tần radio điều trị rối loạn nhịp tim. Lãnh đạo Sở Y tế sẽ tạo mọi điều kiện, hỗ trợ để bệnh viện phát triển thêm nhiều kỹ thuật cao, đặt nền tảng vững bền cho lĩnh vực tim mạch của tỉnh”.

Trước đây, việc điều trị loạn nhịp chủ yếu bằng thuốc nhưng hiện vẫn chưa có loại thuốc chống loạn nhịp nào có thể điều trị triệt căn loạn nhịp tim. Do đó, bệnh nhân phải uống thuốc lâu dài. Việc sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Nói về lý do “mạo hiểm” triển khai kỹ thuật này, TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho biết, đây là kỹ thuật rất khó, đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao, bệnh viện được trang bị đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại, đồng bộ nên hiện chỉ có một số bệnh viện lớn ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội triển khai thường xuyên.

“Khó không có nghĩa là không thể. Bệnh viện đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế về trang thiết bị máy móc, cơ sở vật chất, đồng thời cử ê kíp bác sĩ, kỹ thuật viên đi học tại Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh. Đến nay, ê kíp thực hiện có 3 bác sĩ, 4 điều dưỡng đã được đào tạo bài bản. Các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện quyết tâm thực hiện tốt để kỹ thuật này trở thành thường quy, giúp đỡ được nhiều bệnh nhân trong tỉnh không phải đi xa, tốn nhiều chi phí” - TS-BS.Phạm Văn Dũng bày tỏ quyết tâm.

* Kỹ thuật ít xâm lấn

Trong ngày 29-5, các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh đã trực tiếp vào phòng mổ, hướng dẫn các bác sĩ của Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thực hiện thành công 2 ca triển khai kỹ thuật triệt đốt trong buồng tim bằng sóng cao tần radio chữa loạn nhịp tim cho 2 bệnh nhân.

GS-TS-BS.Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Số lượng bệnh nhân bị loạn nhịp tim được triển khai kỹ thuật triệt đốt tại bệnh viện trong những năm qua tăng rất nhanh. Nếu năm 2013 mới chỉ có 360 bệnh nhân thì đến năm 2017 đã tăng lên 863 bệnh nhân và tăng lên gần 1 ngàn bệnh nhân vào năm 2018. Trong đó, lượng bệnh nhân đến từ Đồng Nai khá đông. Thời gian tới, các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xuống Bệnh viện đa khoa Thống Nhất để “cầm tay chỉ việc” đến khi thực hiện thành thạo kỹ thuật này”.

Đó là bệnh nhân N.T.L. (42 tuổi, ngụ phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) và H.Đ.C. (65 tuổi, ngụ xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Mỗi ca triệt đốt được tiến hành trong 45-60 phút. Ngay sau khi được triển khai kỹ thuật triệt đốt trong phòng mổ, các bệnh nhân được đưa ra nằm nghỉ, hoàn toàn tỉnh táo.

Bệnh nhân N.T.L. cho biết, chị bị rối loạn nhịp tim đã 8 năm, có những thời điểm tim đập rất nhanh lên đến 200 lần/phút. Khoảng 1 năm trở lại đây, các ca loạn nhịp xuất hiện với tần suất ngày càng dày hơn, nhiều lần phải vào bệnh viện cấp cứu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của chị và gia đình. Do bị rối loạn nhịp tim nên chị L. không dám làm việc gì nặng, không dám đi đâu xa vì sợ nếu lên cơn loạn nhịp tim sẽ gặp vấn đề nguy hiểm đến sức khỏe.

“Sau khi được các bác sĩ triệt đốt ổ loạn nhịp, tôi thấy hoàn toàn khỏe mạnh và không cảm thấy đau đớn hay khó chịu gì trong quá trình bác sĩ thực hiện” - chị L. cho hay.

Theo TS-BS.Trương Quang Khanh, kỹ thuật triệt đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần radio là kỹ thuật điều trị ít xâm lấn. Bác sĩ chỉ gây tê ở vùng thực hiện thủ thuật, sau đó luồn các Catheter (ống thông) từ tĩnh mạch bẹn phải vào tim của bệnh nhân để khảo sát, đánh giá các rối loạn nhịp phức tạp. Từ đó phát hiện các ổ loạn nhịp và tiến hành triệt đốt bằng tần số radio, phá hủy các mô đang tạo ra ổ loạn nhịp.

Ngoài việc ít gây đau đớn, ít gây mất máu cho bệnh nhân, kỹ thuật này còn cho tỷ lệ thành công gần như tuyệt đối, không để lại biến chứng cho bệnh nhân.

TS-BS.Trương Quang Khanh cho biết thêm, trung bình để điều trị một ca rối loạn nhịp tim bằng kỹ thuật triệt đốt trong buồng tim tại Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh có chi phí khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã thực hiện thành công kỹ thuật này thì người dân trong tỉnh khi bị bệnh đến đây thực hiện, có bảo hiểm y tế đúng tuyến hoặc được chuyển tuyến đúng chỉ phải đóng khoảng 10 triệu đồng. Kỹ thuật này có thể tiến hành cho những bệnh nhân từ 5 tuổi trở lên, chống chỉ định đối với các trường hợp suy gan hoặc suy thận nặng, rối loạn đông máu. Việc điều trị được thực hiện càng sớm, hiệu quả càng cao.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều