Báo Đồng Nai điện tử
En

Đem ánh sáng đến với người mù nghèo

09:06, 03/06/2019

Sau ca phẫu thuật mắt miễn phí, bà Nguyễn Thị Thanh (82 tuổi, ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) đã nhìn thấy rõ mọi vật xung quanh thay vì chỉ lờ mờ như trước đây.

Sau ca phẫu thuật mắt miễn phí, bà Nguyễn Thị Thanh (82 tuổi, ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) đã nhìn thấy rõ mọi vật xung quanh thay vì chỉ lờ mờ như trước đây.

Bác sĩ Võ Nguyễn Mân (giữa) làm việc tại Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn (quận 12, TP.Hồ Chí Minh) khám mắt cho một người bị đục thủy tinh thể trước khi thực hiện phẫu thuật mắt miễn phí
Bác sĩ Võ Nguyễn Mân (giữa) làm việc tại Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn (quận 12, TP.Hồ Chí Minh) khám mắt cho một người bị đục thủy tinh thể trước khi thực hiện phẫu thuật mắt miễn phí

Bà Thanh có được niềm vui này chính là nhờ vào sự hỗ trợ của các y, bác sĩ và những nhà tài trợ đã tạo điều kiện để tổ chức các chương trình phẫu thuật mắt miễn phí.

* Niềm vui “tìm lại ánh sáng”

Ông Từ Thọ Tân (dân tộc Hoa, 65 tuổi, ngụ xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) cũng là người may mắn được phẫu thuật miễn phí thành công để tìm lại ánh sáng.

Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, từ năm 2018 đến nay thông qua thực hiện chương trình Đem lại ánh sáng cho người mù nghèo, toàn tỉnh đã có khoảng 2 ngàn người được khám sàng lọc bệnh về mắt, trong đó có trên 1,8 ngàn người được phẫu thuật mắt miễn phí.

Ông Tân kể, cách đây 3 năm ông bắt đầu thấy mắt bị mờ, hay chảy nước mắt và thấy xót. Ông tự ra tiệm mua thuốc về điều trị nhưng không khá hơn. Một thời gian sau ông đi khám thì được biết 2 mắt bị đục thủy tinh thể (cườm khô). Bác sĩ khuyên ông Tân nên mổ sớm để đảm bảo thị lực. Nhưng chi phí phẫu thuật hết 13 triệu đồng, cộng với tiền ăn uống, đi lại cho mình và người thân là quá lớn đối với người nông dân nên ông Tân chần chừ chưa đi điều trị.

Hay như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồng (77 tuổi, ngụ phường Xuân Tân, TP.Long Khánh), do tuổi cao nên mắt của bà bị mờ. Trước đây gần 10 năm bà từng mổ đục thủy tinh thể một lần nhưng hiện mắt nhìn mọi vật lại lờ mờ. Vừa sợ phẫu thuật nhiều tiền vượt quá khả năng, vừa ngại đường sá xa xôi mệt mỏi từ Long Khánh đến bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh nên bà không đi chữa mắt.

Riêng với vợ chồng bà Nguyễn Kim Lương (65 tuổi) và ông Phạm Văn Dương (67 tuổi) ngụ xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc) đều bị bệnh cườm mắt nhưng không có khả năng chữa trị. “Tôi bị cườm mắt bên phải. Chồng tôi bị cườm cả 2 mắt. Nhưng do gia đình khó khăn nên 2 năm rồi mà chúng tôi chưa đi mổ được” - bà Kim Lương nói.

Nắm bắt được nhu cầu của người dân cần được điều trị đục thủy tinh thể nên nhiều mạnh thường quân đã chủ động liên hệ với các tổ chức đoàn thể ở xã, phường lập danh sách người cần điều trị để hỗ trợ miễn phí. Nhờ đó mà rất nhiều trường hợp người bệnh về mắt đã được điều trị tìm lại ánh sáng.

* Góp sức đem ánh sáng đến người mù nghèo

Đằng sau niềm vui, nụ cười của những người tìm được ánh sáng là cả một quá trình đóng góp của các mạnh thường quân, y, bác sĩ tham gia công việc thiện nguyện.

Một ca phẫu thuật mắt miễn phí được thực hiện cho người dân ở huyện Cẩm Mỹ
Một ca phẫu thuật mắt miễn phí được thực hiện cho người dân ở huyện Cẩm Mỹ

Tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, bác sĩ Võ Nguyễn Mân làm việc tại Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn (quận 12, TP.Hồ Chí Minh) có mặt từ rất sớm tại Bệnh viện đa khoa Xuân Lộc để thăm khám và tiến hành phẫu thuật cho những người bị đục thủy tinh thể đang ngồi chờ.

Bác sĩ Mân cho biết: “Mỗi năm tôi có từ 3-4 đợt cùng các mạnh thường quân tham gia chương trình mổ mắt từ thiện cho người dân ở các huyện ở Đồng Nai. Để không ảnh hưởng đến công việc ở bệnh viện, mỗi chuyến đi đều thực hiện vào ngày cuối tuần. Ngoài mổ mắt, tôi còn tư vấn cho bà con, nhất là người lớn tuổi về cách chăm sóc mắt, trả lời thắc mắc về các triệu chứng mà mọi người thường gặp phải”.

Từ đầu năm 2019 đến nay, bác sĩ Võ Nguyễn Mân cùng các cộng sự, mạnh thường quân đã thực hiện 3 đợt phẫu thuật mắt miễn phí cho người dân tại 2 huyện Trảng Bom, Xuân Lộc. Để có kinh phí thực hiện các ca mổ và tặng kiếng đeo mắt sau phẫu thuật cho người dân, không thể không kể đến đóng góp của các mạnh thường quân. Trong số này có ông Nguyễn Lộc (Việt kiều Mỹ, ngụ huyện Trảng Bom). Mỗi năm, ông Lộc đều tranh thủ thời gian về Việt Nam thăm quê để cùng các y, bác sĩ tổ chức từ 2-3 chuyến mổ mắt từ thiện cho người dân. Mỗi chuyến mổ mắt có từ 100-150 người được phẫu thuật.

“Tôi ở bên Mỹ cũng chỉ là thợ lót sàn gỗ cho các công trình xây dựng. 2 đầu gối tôi chai sần vì thường xuyên làm việc ở tư thế quỳ để lót sàn. Thu nhập kiếm được từ công việc giúp tôi đảm bảo cuộc sống và có chút dư dả. Vậy nên mỗi lần về Việt Nam tôi dùng số tiền tiết kiệm khi làm việc ở xứ người giúp người dân nghèo tìm lại ánh sáng” - ông Lộc bộc bạch.

Sông Thao

Tin xem nhiều