Báo Đồng Nai điện tử
En

Lao động kỹ thuật cao là tài nguyên, tài sản quý của dân tộc

08:05, 06/05/2019

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại buổi gặp gỡ với 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao đến từ 23 tỉnh, thành trong cả nước ngày 5-5, tại TP. Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại buổi gặp gỡ với 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao đến từ 23 tỉnh, thành trong cả nước ngày 5-5, tại TP. Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao vào ngày 5-5 ở TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Hạnh Dung
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao vào ngày 5-5 ở TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Hạnh Dung

[links()]Thủ tướng Chính phủ cũng nhắn nhủ đến người lao động trong cả nước cần phát huy tính tiên phong của giai cấp công nhân, nỗ lực tự học, phấn đấu, rèn luyện, nâng cao tay nghề, trình độ, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc trong thời đại c uộc cách mạng công nghiệp 4.0.

* Khát vọng xây dựng đất nước phát triển

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ: “Muốn phát triển, chuyển đổi nghề nghiệp, phải tự học, tự rèn, phải học nữa, học mãi, học suốt đời, phấn đấu quyết liệt để có “nghệ tinh” và “thân vinh”.

Có bàn tay vàng, có trình độ, chuyên môn, kỹ năng thì mới có thu nhập cao trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, người lao động cần rèn luyện bản lĩnh, giữ vững lập trường giai cấp, không để bị lôi kéo vào những việc làm sai trái, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương và đất nước”.

Là người đầu tiên phát biểu tại buổi gặp gỡ với Thủ tướng, anh Đinh Đăng Đoàn (Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú, TP.Hồ Chí Minh) kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tháo gỡ thủ tục nhập khẩu các thiết bị kỹ thuật cao, tránh gây phiền hà, lãng phí cho doanh nghiệp. Mặt khác, khi công nhân lao động có sáng kiến cải tiến thì doanh nghiệp phải có chính sách khen thưởng, động viên, khích lệ kịp thời.

Trong khi đó, anh Nguyễn Xuân Quang (Xí nghiệp vật lý giếng khoan - VSP, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam) đề nghị các trường đại học, cao đẳng, trường nghề cần có chương trình đào tạo sát thực tế, hạn chế lý thuyết suông, tăng cường đào tạo thực hành. Đặc biệt, cần có những chủ trương, chính sách thúc đẩy sự gắn kết thực sự giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nhằm đào tạo cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết, có thể điều khiển được máy móc tự động hóa trong dây chuyền sản xuất hiện đại chứ không phải để doanh nghiệp tốn thời gian, chi phí đào tạo lại như hiện nay.

Muốn làm được điều này, anh Quang cho rằng Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo xây dựng các tiêu chí chất lượng và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về năng lực nghề nghiệp hội nhập quốc tế. Đây là một trong những nhóm giải pháp cần được Chính phủ nghiên cứu để phát triển nguồn nhân lực cũng như đào tạo một cách có hệ thống đội ngũ công nhân kỹ thuật cao.

Còn anh Phan Anh Hây (Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam) thì chia sẻ, trong quá trình làm việc, dù gặp khó khăn, vất vả thế nào, công nhân, lao động cũng không nản. Nhưng điều khiến công nhân, lao động kỹ thuật dễ dàng bỏ cuộc nhất chính là cách quản trị của doanh nghiệp. “Do đó, tôi kiến nghị các doanh nghiệp cần thay đổi cách quản trị từ kiểm soát sang hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để công nhân lao động có cơ hội học tập, phát huy năng lực, sáng kiến, sáng tạo. Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc kỹ thuật tiên tiến, dây chuyền công nghệ cao, tuyển dụng công nhân lao động kỹ thuật cao và tổ chức đào tạo để công nhân tiếp cận được dây chuyền sản xuất hiện đại”.

Anh Phan Quang Liền (Công ty cổ phần dệt may 29-3, TP.Đà Nẵng) thì đề nghị Chính phủ cần có cơ chế đặt hàng các doanh nghiệp và lực lượng công nhân kỹ thuật có tay nghề cao nghiên cứu, sản xuất các thiết bị máy móc hiện đại phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nâng cao năng suất lao động góp phần phát triển đất nước.

* Đẩy mạnh liên kết đào tạo

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  nhấn mạnh: “Công nhân, lao động có kỹ thuật cao thì không lo bị robot thay thế, nếu không có công nhân, lao động kỹ thuật cao thì doanh nghiệp và đất nước hội nhập khó thành công”.

Trước những kiến nghị của công nhân lao động, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho biết, Bộ đang tập trung xây dựng đề án đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để dự báo, đào tạo những ngành nghề mà xã hội cần. Bộ đã ban hành các thông tư hỗ trợ công nhân lao động như: miễn hoàn toàn học phí cho những người tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề, những ngành nghề khó tuyển sinh mà xã hội đang cần như cơ khí, kỹ thuật, mỏ, nông nghiệp, chế biến gỗ, môi trường. dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định bắt buộc doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện để công nhân học tập nâng cao trình độ tay nghề, vừa học vừa làm, học trực tuyến để lấy chứng chỉ theo module chứ không nhất thiết phải vào học tại các trường lớp.

“Bộ xem kết nối doanh nghiệp là một trong 3 khâu đột phá trong đào tạo nghề. Đến nay, chúng tôi đã xây dựng khung năng lực cơ bản cho 160 ngành nghề, lĩnh vực cho sinh viên, công nhân tham gia học. Ngoài đào tạo trong nước, Chính phủ cũng hợp tác đào tạo quốc tế, nhập 34 bộ giáo trình quốc tế của Úc, Đức để đào tạo cho hơn 3,7 ngàn lượt cán bộ quản lý, sinh viên; phối hợp với 9 quốc gia để liên thông đào tạo, công nhận chứng chỉ, bằng cấp lẫn nhau” - Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho hay.

Thừa nhận mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường trong công tác đào tạo thời gian qua còn lỏng lẻo, lúng túng, Giám đốc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt đề xuất Chính phủ cần có chính sách liên kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo. Ông Đạt cho rằng việc các trường đại học tiến hành tự chủ sẽ nhanh chóng mở được các ngành nghề mới phù hợp với xu thế hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đại diện các doanh nghiệp có mặt tại buổi gặp gỡ, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng muốn có đội ngũ lao động kỹ thuật lành nghề, trách nhiệm trước tiên là ở khâu hướng nghiệp. Nếu không sẽ diễn ra tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, hiệu quả công việc không cao. Để có thể đứng vững, có thu nhập cao trong thời kỳ hội nhập, ngoài trình độ chuyên môn, công nhân lao động cần trang bị thêm ngoại ngữ, kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài.

Đồng tình với quan điểm cho rằng lao động kỹ thuật cao là vốn quý của doanh nghiệp, song theo Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn, để tăng năng suất lao động, các doanh nghiệp cần đầu tư song song về công cụ lao động. Cụ thể, hằng năm, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chi từ 150 -200 tỷ đồng để đầu tư cho công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng ngang tầm các cảng tiên tiến trên thế giới, triển khai phần mềm cảng điện tử, phần mềm giao hàng điện tử giúp cho doanh nghiệp không cần đến cảng vẫn nhận được hàng.

Về đầu tư cho lực lượng lao động, tổng công ty có 5 giải pháp linh hoạt, trong đó chú trọng đào tạo, đào tạo lại liên tục, coi trọng đào tạo tại chỗ kết hợp với chính sách luân chuyển cán bộ, công nhân viên làm việc ở các vị trí khác nhau. Chi phí dành cho công tác đào tạo lại khoảng 20-25 tỷ đồng mỗi năm.

* Để “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng bản thân người lao động đang lo rất xa cho tương lai của doanh nghiệp và đất nước, kiến nghị những vấn đề rất sát thực. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ: “Các bạn là những tấm gương để thấy rằng giá trị của con người không chỉ ở bằng cấp mà còn ở tính tiên phong của giai cấp công nhân. Các bạn là những người đi đầu tiếp cận công nghệ mới, hình thành văn hóa trong doanh nghiệp, khơi dậy niềm tự hào giai cấp. Để đạt được những kết quả tốt hơn nữa, bản thân người lao động cần phải nỗ lực tự học, tự tìm tòi sáng tạo hơn nữa, khắc phục những điểm mà quốc tế nhận xét chúng ta còn thiếu, yếu là tinh thần làm việc theo nhóm và tác phong công nghiệp”.

Trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trăn trở: “Làm thế nào để có lực lượng công nhân kỹ thuật chất lượng cao nhiều hơn về số lượng, tốt hơn về chất lượng? Bởi thế giới hiện đã chuyển từ tuyển dụng dựa vào bằng cấp sang dựa vào năng lực thực tế của người lao động”.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy mới chỉ có 19% trong hơn 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động/tổng số 53 triệu lao động của cả nước là lao động kỹ thuật cao, còn lại là lao động phổ thông. Do đó, các cấp, các ngành cần nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong thời gian tới. Không thể mãi đi theo con đường lao động giá rẻ mà cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cạnh tranh trên trường quốc tế. Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta đang có ưu thế về dân số vàng, không có lý gì lại không xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao đủ đáp ứng yêu cầu phát triển”.

Để làm được điều đó, Thủ tướng đề nghị tất cả cùng bắt tay để thực hiện các nhiệm vụ sao cho đồng bộ. Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách xây dựng lực lượng đội ngũ công nhân có tay nghề cao, thu hút nhân tài để Việt Nam trở thành “quốc gia khởi nghiệp”, là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm, quyết liệt thực hiện 4 nhóm vấn đề liên quan đến đời sống của công nhân lao động là tiền lương, thu nhập đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu; nhà ở xã hội; môi trường làm việc, điều kiện học tập của công nhân lao động và nơi vui chơi, giải trí cho công nhân lao động. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn cần đổi mới nội dung, cách thức hoạt động nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh cho công nhân lao động, là chỗ dựa tin cậy của người lao động.

Đối với doanh nghiệp, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, trở thành những doanh nghiệp thông minh, cơ sở sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ số. Có chính sách đãi ngộ phù hợp để công nhân lao động kỹ thuật cao trở thành “đầu kéo phát triển” của doanh nghiệp, của địa phương và đất nước.

Đây là lần thứ 4 Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ với công nhân lao động trong cả nước. Tại buổi gặp gỡ ngày 5-5 ở TP.Hồ Chí Minh, đã có 43 kiến nghị và 21 ý kiến trực tiếp của người lao động được chuyển đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 23 công nhân, lao động kỹ thuật cao đại diện cho 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao tiêu biểu đã được nhận bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Hạnh Dung

 

 

Tin xem nhiều