Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầm lặng bên những học trò đặc biệt

10:11, 18/11/2018

Có những thầy cô giáo đã và đang âm thầm nâng bước cho hàng trăm học sinh đặc biệt phát triển bình thường. Đó là những thầy cô đảm nhận nhiệm vụ nuôi dạy những học sinh khuyết tật, bị bỏ rơi.

Có những thầy cô giáo đã và đang âm thầm nâng bước cho hàng trăm học sinh đặc biệt phát triển bình thường. Đó là những thầy cô đảm nhận nhiệm vụ nuôi dạy những học sinh khuyết tật, bị bỏ rơi.

Giáo viên một trung tâm hỗ trợ chăm sóc trẻ tự kỷ hướng trẻ làm quen với việc học. Ảnh: T.Nam
Giáo viên một trung tâm hỗ trợ chăm sóc trẻ tự kỷ hướng trẻ làm quen với việc học. Ảnh: T.Nam

Cô Vũ Thị Ngoan đã có hơn 17 năm công tác tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai (thuộc Sở GD-ĐT) với vai trò là giáo viên nuôi dạy những học trò bị câm điếc. Lớp học của cô Ngoan gần như vô thanh, giao tiếp giữa cô và các học trò đều là ngôn ngữ ký hiệu được thể hiện bằng đôi bàn tay và hình thể. Mỗi lần học trò ra dấu đã hiểu bài, cô Ngoan lại ra ký hiệu bằng ánh mắt, những cái gật đầu và kèm theo nụ cười tươi để động viên tinh thần các em. Cô Ngoan chia sẻ: “Là giáo viên của những học sinh phát triển bình thường đã vất vả, dạy những học trò không may bị câm điếc thì áp lực đặt lên vai của giáo viên còn nặng nề hơn”.

Động lực để cô Ngoan có thể gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ khuyết tật chính là tình yêu thương chân thành dành cho các em. Mỗi bước trưởng thành về nhận thức và kiến thức của học trò đều mang lại niềm khích lệ lớn lao để cô thêm yêu công việc. Cô Ngoan chia sẻ thêm, các học sinh mà cô từng dạy tuy đôi tai mất đi chức năng nghe, miệng không thể nói bằng lời nhưng đổi lại sống tình cảm, chân thành. Các em luôn coi cô như người mẹ thứ 2 yêu thương hết mực và những điều vui buồn hay những khó khăn trở ngại tuy không thể nói bằng lời nhưng qua ngôn ngữ cử chỉ, cô và học trò của mình đều hiểu, thông cảm và chia sẻ cùng nhau.

Tốt nghiệp Khoa Công tác xã hội của Trường đại học khoa học (Đại học Huế), cơ duyên đã khiến cô Ngô Thị Xuân Trang gắn bó với một công việc vất vả, đó là chăm sóc những em nhỏ bị hội chứng tự kỷ tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Mỗi em vào trung tâm là một biểu hiện hội chứng tự kỷ khác nhau như: ít nói, ngại giao tiếp, thích ngồi một mình, tiếp thu chậm, có em đang chơi đùa bình thường bất ngờ quay sang đánh bạn ngồi bên cạnh…

Cô Trang cho biết, chăm sóc trẻ tự kỷ không hề đơn giản, nếu không có phương pháp, đặc biệt là tình yêu thương và tính kiên nhẫn thì khó lòng theo đuổi nghề này. Nhiều lần cô bị học trò cắn vào tay, tát vào mặt, có em đang vui vẻ bình thường bất ngờ vơ đồ ném vào cô và các bạn cùng lớp rôi tự lăn ra ăn vạ khóc thét lên. “Những ngày đầu bước vào công việc chăm sóc trẻ tự kỷ, nhiều lần tôi cảm thấy bị căng thẳng và mệt mỏi, nhưng ánh mắt ngây thơ của trẻ đã giúp tôi lấy lại tinh thần để tiếp tục gắn bó với nghề. Phần thưởng lớn nhất với tôi chính là nhiều em đã có sự tiến bộ và có thể hòa nhập với cuộc sống học tập bình thường” - cô Trang nói.

 Trong khi đó cô Vũ Thị Thêu, Giám đốc Trung tâm huấn nghệ cô nhi Biên Hòa cho biết, từ lâu trung tâm đã trở thành mái ấm gia đình cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Hiện tại ở trung tâm có 61 em từ sơ sinh đến 19 tuổi. Có em bị cha mẹ bỏ rơi từ khi mới chào đời, có em đi lang thang, không còn cha mẹ. Chính bàn tay của các cán bộ, nhân viên của trung tâm đã xoa dịu đi những bất hạnh của các em.

Cô Thêu cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng để các em có hoàn cảnh khó khăn hiểu rằng chúng đang được che chở trong ngôi nhà thân yêu của mình. Ở đây cán bộ, nhân viên vừa là cha mẹ, vừa là thầy cô hết mực yêu thương các em”.              

Thành Nam

 

Tin xem nhiều