Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả từ báo động đỏ bệnh viện

08:12, 21/12/2017

Liên tiếp trong thời gian gần đây, một số ca tai nạn rất nặng, nguy cơ tử vong cao, sự sống của bệnh nhân được tính bằng phút đã được các bệnh viện tuyến tỉnh cứu sống nhờ thực hiện quy trình báo động đỏ trong cấp cứu.

Liên tiếp trong thời gian gần đây, một số ca tai nạn rất nặng, nguy cơ tử vong cao, sự sống của bệnh nhân được tính bằng phút đã được các bệnh viện tuyến tỉnh cứu sống nhờ thực hiện quy trình báo động đỏ trong cấp cứu.

Bác sĩ Bùi Văn Linh, Phó trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, khám bệnh cho bệnh nhân bị đa chấn thương, vỡ đa tạng do tai nạn giao thông được cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ.Ảnh: Đ.Ngọc
Bác sĩ Bùi Văn Linh, Phó trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, khám bệnh cho bệnh nhân bị đa chấn thương, vỡ đa tạng do tai nạn giao thông được cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ.Ảnh: Đ.Ngọc

Gần đây nhất là một trường hợp rất nguy kịch vì bị xe tải cán làm giập nát 2 chân làm bệnh nhân sốc nặng, lơ mơ do mất quá nhiều máu đã được Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cứu sống. Trước tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” của bệnh nhân, quy trình báo động đỏ được kích hoạt, thông báo cho tất cả các bác sĩ liên quan để tập trung mọi nguồn lực cứu sống bệnh nhân.

* Cứu người như cứu hỏa

 
Báo động đỏ là rất khẩn cấp

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng chia sẻ cứu người như cứu hỏa. Khi nói đến quy trình báo động đỏ là rất khẩn cấp, khi đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, các bác sĩ liên quan được điều động vào hết, bất kể ngày hay đêm, huy động mọi nguồn lực để cứu sống bệnh nhân. Nhờ quy trình báo động đỏ đã kịp thời cấp cứu một số ca đa chấn thương, tai biến sản khoa tại bệnh viện rất hiệu quả.

Bác sĩ Lê Ngân, Trưởng khoa Ngoại chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, nhớ lại lúc nghe tin báo có ca bệnh rất nặng, ông đang phẫu thuật trong phòng mổ nên vội bàn giao công việc còn lại cho ê - kíp để xuống cấp cứu cho bệnh nhân. Lúc này các bác sĩ trưởng, phó khoa liên quan đã được huy động. Trước tình trạng bệnh nhân bị chấn thương nặng giập nát lộ cơ, xương, không nối được nên các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ 2 chân để cầm máu, cứu sống bệnh nhân.

 “Chỉ trong vòng 7 phút các bác sĩ trưởng, phó khoa liên quan đã được bệnh viện huy động đến để cấp cứu cho bệnh nhân. Các bác sĩ vừa hồi sức vừa phẫu thuật và truyền hơn 9 lít máu. Trường hợp này nếu không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong cao do mất rất nhiều máu” - bác sĩ Lê Ngân cho biết.

Trước đó vào ngày 12-12, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng cứu sống một ca tai nạn giao thông đa chấn thương nặng. Đối với vết thương hở ngực, rách ngoài màng tim nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, vỡ tim và nguy cơ tử vong cao. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị vỡ tạng ở phần bụng, các bác sĩ đã phải tiến hành song song vừa phẫu thuật khâu màng tim vừa khám và khâu những tổn thương khác, như: vỡ lách, vỡ gan, vỡ đại tràng cho bệnh nhân...

Bác sĩ Bùi Văn Linh, Phó trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết: “Lúc đó tôi đang ở nhà thì nghe điện thoại bác sĩ trực gọi nên cấp tốc chạy vào. Chỉ khoảng 10 phút, tôi có mặt ở bệnh viện thì bệnh nhân đã được đưa lên phòng mổ rồi. Ca này bị đa chấn thương nặng, nếu không huy động các chuyên khoa xử lý cấp cứu, phẫu thuật, hồi sức cùng lúc kịp thời. Nếu không bỏ qua các thủ tục hành chính thông thường thì bệnh nhân khó qua khỏi, vì lúc đó bệnh nhân không có thân nhân”.

* Triển khai nội viện và ngoại viện

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết quy trình báo động đỏ nội viện vừa được bệnh viện triển khai trong tháng 12-2017, chỉ áp dụng cho những trường hợp khẩn cấp, chấn thương nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, không thể chuyển viện. Đây là mô hình học tập từ các bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh - nơi triển khai mô hình này đầu tiên trong cả nước và rất hiệu quả. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ triển khai hệ thống thông tin thông báo cùng một lúc để tiến độ kết nối nhanh hơn. Bệnh viện cũng sẽ diễn tập nhiều lần, triển khai đến từng bác sĩ nội, ngoại, sản, kể cả phòng mổ và các khoa cận lâm sàng: huyết học, xét nghiệm… để tất cả cùng phối hợp nhuần nhuyễn hơn trong cấp cứu bệnh nhân.

 Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết thời gian qua bệnh viện đã triển khai quy trình báo động đỏ trong cấp cứu nội viện và ngoại viện khá hiệu quả. Thực ra, trước đây khi gặp những ca nặng bệnh viện thường tiến hành hội chẩn toàn viện, hội chẩn liên khoa để cấp cứu, tuy nhiên khi nói hội chẩn chưa mang tính chất khẩn cấp lắm. Quy trình báo động đỏ nội viện là mức độ báo động cao nhất trong cấp cứu đối với những ca bệnh đặc biệt nghiêm trọng, như: đa chấn thương, tai biến sản khoa, đột quỵ… Riêng quy trình báo động đỏ ngoại viện cũng đã được Bệnh viện đa khoa Thống Nhất triển khai thực hiện khi  các bệnh viện tuyến huyện có ca bệnh nặng cần hỗ trợ.

Trong khi đó, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà cho biết bệnh viện cũng đã thực hiện quy trình báo động đỏ trong cấp cứu nội viện gần 1 năm nay và đã huy động nguồn lực kịp thời cứu sống một số ca nguy kịch do tai nạn giao thông. Bệnh viện liên tục cập nhật, hoàn thiện quy trình báo động đỏ nội viện với mục đích cuối cùng là cứu sống được bệnh nhân, đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều