Trường tiểu học Xuân Đường (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ) được Sở GD-ĐT đánh giá là một trong những trường học có nhiều sáng tạo trong triển khai nhân rộng mô hình Trường học mới Việt Nam (viết tắt là VNEN).
Trường tiểu học Xuân Đường (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ) được Sở GD-ĐT đánh giá là một trong những trường học có nhiều sáng tạo trong triển khai nhân rộng mô hình Trường học mới Việt Nam (viết tắt là VNEN). Không khí những buổi học ở ngôi trường này luôn sôi nổi với sự hăng hái thảo luận của học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Thầy Lê Đức Hiến, Chủ nhiệm lớp 5A2 Trường tiểu học Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ), hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm trong giờ học. Ảnh: C.Nghĩa |
Điều đặc biệt, đây không phải là trường đầu tiên được chọn đầu tư thí điểm mô hình VNEN, mà từ nghiên cứu mô hình này thấy lợi cho học sinh nên ban giám hiệu nhà trường đã tự nguyện xin được triển khai.
Thấy lợi nên quyết tâm làm
Trường tiểu học Xuân Đường áp dụng mô hình VNEN từ năm học 2015-2016 cho học sinh lớp 2 đến lớp 5. Trước đó, ban giám hiệu nhà trường đã cân nhắc rất kỹ, đưa giáo viên đi học tập mô hình này ở nhiều trường khác nhau, tiến hành tập huấn phương pháp giảng dạy theo mô hình mới. Bàn ghế cũng được thay đổi phù hợp với cách học của mô hình mới, đó là học sinh ngồi quay mặt vào với nhau theo từng nhóm để thảo luận nội dung tiết học.
Cô Phí Thị Sáu, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường tiểu học Xuân Đường, cho biết: “Ban đầu cả thầy lẫn trò đều bỡ ngỡ với VNEN, còn phụ huynh nhiều người không nói ra nhưng cũng thể hiện sự hoài nghi về phương pháp của mô hình mang lại cho con em họ. Nhưng mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng tích cực sau hơn 1 học kỳ, và đến hết năm học đầu tiên thì phụ huynh đã yên tâm khi chất lượng học tập, kỹ năng và sự tự tin của học sinh được cải thiện hẳn so với cách dạy truyền thống”.
Từ mô hình VNEN, đã có nhiều giáo viên tự làm mới phương pháp dạy học sáng tạo và chủ động. Cô Trần Thị Thảo Nguyên, giáo viên dạy môn Tiếng Anh, chia sẻ: “Trước đây dạy theo cách truyền thống, học sinh ngồi theo bàn ngang, thứ tự từ trên xuống dưới, cô chỉ đứng trên bảng giảng bài, mời học sinh phát biểu. Còn theo mô hình VNEN thì khác, có khi các em thảo luận giao tiếp trong nhóm, có khi thay đổi theo cách cùng đứng ra giữa lớp nhảy nhót theo lời bài hát tiếng Anh, chơi các trò chơi “đuổi hình bắt chữ” rất vui nhộn, qua đó tiếp thu và nhớ bài được lâu hơn”.
Cô Thảo Nguyên cho biết thêm, với VNEN học sinh sẽ có cơ hội hòa đồng cùng nhau, “trị” được tính nhút nhát và điều vui hơn là học sinh khá giỏi sẽ là hạt nhân quan trọng giúp cho một số bạn học chưa được bằng mình.
Sáng tạo vì học trò
Thầy Lê Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Đường (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ), người mới được Bộ GD-ĐT tuyên dương tại Hà Nội về thành tích ứng dụng mô hình VNEN, đánh giá: “Chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn để chiến thắng nhiều sự hoài nghi. Thành công hẳn thì chưa dám nói, nhưng chúng tôi thấy vui vì kết quả học tập của học sinh tốt hơn, ý thức tự giác hơn, trường học vui vẻ hơn. Mỗi thầy cô giáo đều cảm thấy mình mới hơn: mới trong suy nghĩ, mới trong cách làm, cách tiếp cận với học sinh và nhiệt huyết hơn với nghề”. |
Thầy Lê Đức Hiến, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A2, đã có hơn 30 năm gắn bó với công việc dạy học theo phương pháp truyền thống. Chỉ hơn 2 năm nay thầy mới có dịp chuyển sang phương pháp dạy học mới theo mô hình VNEN. Thầy Hiến cho hay: “Theo phương pháp truyền thống thì giáo viên nhàn hơn nhưng học sinh thụ động, giáo án cũng không phải cải tiến nhiều, chủ yếu truyền đạt kiến thức, trong khi kỹ năng ít được chú trọng. Còn với VNEN thì giáo viên phải thay đổi rất nhiều về phương pháp và kỹ năng”.
Việc triển khai VNEN không chỉ là giúp học trò nâng cao kiến thức, tăng cường kỹ năng mà người thầy còn tự giúp mình thay đổi phương pháp, tư duy dạy học mới, giúp mình trở nên năng động, yêu nghề, trách nhiệm với học trò hơn. Thầy Hiến chia sẻ: “Chúng tôi đã xóa được lo lắng của nhiều phụ huynh khi cho rằng mô hình VNEN chỉ phù hợp với học sinh khá giỏi, ở trường thành phố có điều kiện tốt về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên... Nhờ phương pháp này mà giáo viên có điều kiện tiếp xúc với học sinh nhiều hơn, biết được em nào học yếu để nâng đỡ. Học sinh được tập tự giải quyết các vấn đề của lớp mình, tổ nhóm mình, từ đó ý thức tự giác, sự năng động trong các em được cải thiện đáng kể so với trước”.
Thầy cô ở Trường tiểu học Xuân Đường đã có rất nhiều sáng tạo giúp học sinh và phụ huynh vượt qua được những hoài nghi về mô hình VNEN. Điển hình trong số đó là mô hình đánh giá năng lực học tập qua thẻ, em nào khá giỏi thì sẽ làm được nhiều thẻ, từ đó phát hiện được học sinh gặp khó khăn trong học tập để có hình thức giúp đỡ. Hay thay vì bê “nguyên bản” sách giáo khoa chương trình VNEN vào áp dụng cho học sinh, nhiều giáo viên đã “hợp sức” nghiên cứu cải tiến nội dung cho phù hợp để giúp học sinh tiếp thu bài giảng một cách tốt nhất. Chính vì vậy mà trong 2 năm học gần đây, tỷ lệ học sinh phải ôn tập thêm trong dịp hè của trường giảm hẳn, học sinh ở lại lớp không còn. Số học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện tăng nhiều lần so với trước, nhất là trong các cuộc thi olympic Tiếng Anh, giải Toán trên internet...
Em Trần Thị Thu Thảo, học sinh lớp 5A2, cho biết: “Em đã cảm nhận được sự mới lạ và thú vị hơn từ các tiết học theo chương trình VNEN, giờ học nhẹ nhàng thoải mái, chúng em được giao tiếp, thảo luận và làm việc cùng nhau nhiều hơn, tình bạn được gắn kết thân thiết hơn”.
Công Nghĩa