Người dân ấp Láng Lớn (xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) đặt tên cho chương trình thắp sáng các con hẻm trong ấp về đêm là "Ánh sáng dân sinh".
Người dân ấp Láng Lớn (xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) đặt tên cho chương trình thắp sáng các con hẻm trong ấp về đêm là “Ánh sáng dân sinh”.
Trưởng ấp Láng Lớn Phạm Thị Liên và Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Phạm Văn Minh giới thiệu những tuyến đường đi lại trong ấp được thắp sáng điện. |
Nhờ có chương trình này mà mọi sinh hoạt trong ấp hơn 2 năm qua có phần sôi động hơn, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông luôn được giữ vững.
* Vận động dân cùng làm
Người có công đầu trong việc xây dựng mô hình “Ánh sáng dân sinh” ở ấp Láng Lớn là Trưởng ấp Phạm Thị Liên và Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Phạm Văn Minh. Bởi lẽ, bà Liên và ông Minh có những đóng góp rất lớn trong việc vận động dân trong ấp đóng góp kinh phí để lắp đặt bóng đèn điện thắp sáng những con đường đi lại trong ấp về đêm, vừa tạo được văn minh ở vùng nông thôn vừa hạn chế đến mức thấp nhất các vụ phạm pháp.
Bà Liên cho biết ấp Láng Lớn có 868 hộ dân, trên 3,5 ngàn nhân khẩu. Đời sống của người dân nơi đây còn nghèo, chủ yếu là làm công nhân cho Nông trường cao su Cẩm Mỹ, số còn lại làm nghề buôn bán, dịch vụ. Mang tên là ấp trung tâm của xã nhưng nhiều năm qua, các con hẻm trong ấp lại thiếu ánh điện, đến tối người dân rất ngại ra đường vì sợ tai nạn giao thông và bọn tội phạm, tệ nạn xã hội.
Mấy năm gần đây, cùng với nhân dân trong xã, dân ấp Láng Lớn cùng chung tay đóng góp tích cực vào việc thực hiện xây dựng nông thôn mới và tạo ra những đổi thay rõ nét cho bộ mặt nông thôn mới của địa phương.
Từ ngày xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hệ thống giao thông trong xã, ấp phần lớn được nhựa hóa nên việc đi lại của người dân được thuận lợi, thoải mái. Vì là đường dân sinh nông thôn, do dân tự đóng góp xây dựng nên các tuyến đường trong ấp không có điện chiếu sáng về đêm. Điều này sẽ rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đặc biệt là công nhân cao su khai thác mủ phải thường xuyên đi lại trong đêm. Do đó, Chi bộ ấp Láng Lớn đã ra nghị quyết giao cho Ban ấp và Ban công tác Mặt trận ấp tập trung xây dựng mô hình “Ánh sáng dân sinh”, vận động dân đóng góp kinh phí để thắp sáng các tuyến đường đi lại trong ấp.
Thấy đây là việc làm hết sức thiết thực nên bà Liên, ông Minh cùng các thành viên trong Mặt trận ấp tích cực bắt tay vào cuộc vận động.
* Đầu đường, cuối hẻm đều có đèn điện
Ông Phạm Văn Minh cho biết từ năm 2015, cuộc vận động xây dựng mô hình “Ánh sáng dân sinh” ở ấp Láng Lớn bắt đầu được triển khai. Ban đầu ấp chọn 5 tổ thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng ra toàn ấp. Qua các bước vận động, giải thích, thuyết phục, người dân thấy đây là việc làm thiết thực nên đã hưởng ứng, đóng góp kinh phí để lắp đặt bóng đèn thắp sáng các tuyến đường về đêm.
Ban đầu ban ấp vận động 4 hộ dân liền kề 2 bên đường đóng góp 300 ngàn đồng mắc 1 bóng đèn điện, bình quân mỗi hộ dân đóng góp 75 ngàn đồng mua bóng đèn, dây điện, thuê nhân công… và mỗi tháng bà con chỉ phải đóng thêm 10 ngàn đồng tiền sử dụng điện, được giao cho tổ trưởng dân cư ở khu vực đó chi trả, kể cả việc quản lý bóng đèn và đường dây điện.
Từ khi lắp các bóng đèn ở các tuyến đường thí điểm, nạn trộm cắp chó, tụ tập hút chích ma túy… đã được kéo giảm, đặc biệt là đã thu hút được người dân trong các tổ tham gia tập trung sinh hoạt và vui chơi; trẻ em có điều kiện đi lại học thêm về đêm, khiến cho không khí sinh hoạt trong ấp vui nhộn, văn minh hẳn lên. Với kinh nghiệm này, liên tiếp sau đó, Mặt trận ấp Láng Lớn tiếp tục vận động dân mắc bóng đèn đường ở các tổ còn lại, góp phần tạo ra bộ mặt văn minh nông thôn. Tính đến nay, số bóng đèn được lắp đặt là 68 chiếc, trên tổng chiều dài các tuyến đường là 2,5km.
Với thành công ban đầu của mô hình “Ánh sáng dân sinh”, hy vọng ấp Láng Lớn sẽ triển khai rộng mô hình ở các tổ nhân dân còn lại trong thời gian tới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong ấp, đóng góp đắc lực vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đức Việt