Báo Đồng Nai điện tử
En

Trả lại vị thế môn Lịch sử trong nền giáo dục Việt Nam

09:12, 13/12/2015

Từ trước đến nay, qua các lần cải cách giáo dục, môn Lịch sử cùng với môn Tiếng Việt/ Ngữ văn, Toán đều được coi là những môn học cơ bản và bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam.

Từ trước đến nay, qua các lần cải cách giáo dục, môn Lịch sử cùng với môn Tiếng Việt/ Ngữ văn, Toán đều được coi là những môn học cơ bản và bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Nhưng đến lần đổi mới mới đây, qua dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT, thì môn Lịch sử bị tích hợp vào các môn học khác.

Học sinh các trường THPT trong tỉnh học hỏi những kiến thức lịch sử khi tham quan vườn tượng tại Văn miếu Trấn Biên.
Học sinh các trường THPT trong tỉnh học hỏi những kiến thức lịch sử khi tham quan vườn tượng tại Văn miếu Trấn Biên.

Theo tinh thần đó, môn Lịch sử được tích hợp vào 2 môn “Cuộc sống quanh ta” và “Tìm hiểu xã hội” ở cấp tiểu học là hoàn toàn đúng về phương diện khoa học và tâm lý học sinh. Nhưng đến cấp THCS và THPT mà môn Lịch sử vẫn bị cắt xé, lấy một ít nội dung đem tích hợp với môn khác là không có cơ sở khoa học, và trên thực tế là xóa bỏ môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông.

Môn học Lịch sử là cần thiết

Hơn thế nữa, lịch sử Việt Nam là lịch sử xây dựng và bảo vệ của một quốc gia/dân tộc đất không rộng lắm, người không đông lắm mà phải tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh phải chống ngoại xâm triền miên. Từ cuộc kháng chiến chống Tần năm 214-210 trước Công nguyên đến cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc năm 1979, tính ra dân tộc ta đã tiến hành 17 cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. Đó là chưa tính các cuộc khởi nghĩa giành độc lập trong thời Bắc thuộc hơn ngàn năm (179 Tr.CN-905). Thời gian kháng chiến chống ngoại xâm và đấu tranh chống đô hộ nước ngoài lên đến gần 12 thế kỷ, chiếm quá nửa thời gian lịch sử.

Trên thế giới, không có dân tộc nào phải chống ngoại xâm nhiều về số lượng, thời gian và tần số như thế. Dân tộc ta phải đương đầu với nhiều đế chế hùng mạnh bậc nhất ở phương Đông và trên thế giới. Đó là lịch sử chống ngoại xâm gian nan, đầy thử thách, hy sinh, mất mát nhưng cũng vô cùng oanh liệt. Do vị trí địa - chiến lược của nước ta ở vùng Đông Nam Á và do hoàn cảnh lịch sử sống gần một nước láng giềng khổng lồ có nhiều quan hệ giao lưu văn hóa mật thiết, nhưng thế lực cầm quyền luôn nuôi mộng bành trướng, Việt Nam tồn tại và phát triển trong điều kiện phải chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm, dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Đó là quy luật đặc thù của lịch sử Việt Nam.

Người dân Việt Nam làm ra lịch sử với biết bao công sức lao động và nhiều hy sinh chiến đấu nên rất quý trọng lịch sử của mình, luôn sống trong không gian lịch sử văn hóa vừa huyền ảo, vừa hiện thực với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn vinh các anh hùng dân tộc và những người có công với dân, với nước.

Trả lại vị thế môn Lịch sử

Lịch sử, đó là cội nguồn sức sống của dân tộc, là nền tảng trường tồn của đất nước. Yêu mến lịch sử là một truyền thống quý giá của nhân dân ta. Nay, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục lại xóa bỏ môn Lịch sử.

Nhìn ra thế giới, hầu hết các nước văn minh đều coi Lịch sử là một trong những môn học cơ bản và bắt buộc trong nền giáo dục phổ thông. Kinh nghiệm một số nước trên thế giới và của chính Việt Nam, khẳng định môn Lịch sử phải có vị thế xứng đáng. Môn Lịch sử phải là một môn khoa học với tính toàn diện và hệ thống của nó, phải là một môn học cơ bản hay cốt lõi theo cách diễn đạt trong chương trình đổi mới của Bộ GD-ĐT. Đó là một môn học độc lập bên cạnh các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ. Trong thiết kế chương trình môn học nói chung, từ cấp THCS phải tách ra thành môn độc lập và tiếp tục vị thế đó trong cấp THPT. Khi nói tính độc lập của môn Lịch sử, tôi hoàn toàn không có ý phủ nhận khả năng tích hợp với một số nội dung của môn học khác, trước hết là giữa lịch sử Việt Nam với lịch sử thế giới, giữa lịch sử với địa lý. Với những nội dung, như: các phát kiến địa lý cuối thế kỷ XV, quá trình hình thành và xác lập lãnh thổ quốc gia thống nhất, Biển Đông và chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam… việc tích hợp giữa Lịch sử và Địa lý là rất khoa học.

Sớm cải cách giáo dục lịch sử

Muốn phát huy tác dụng giáo dục của môn Lịch sử, trước hết phải coi trọng và am hiểu nền tảng khoa học của môn Lịch sử và đối xử như một khoa học. Với môn Lịch sử, cần trang bị cho học sinh một hệ thống kiến thức được chọn lọc hết sức chặt chẽ theo hướng cơ bản và tinh giản, xuất phát từ yêu cầu giáo dục của môn Lịch sử đối với từng cấp, từng lớp. Vấn đề căn bản là làm thế nào để học sinh tiếp cận và tiếp thu vốn kiến thức đó một cách hứng thú, chủ động trong tinh thần yêu thích môn học. Trên nền tảng kiến thức có hệ thống, môn Lịch sử có nhiều lợi thế trong giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, niềm tự tôn dân tộc và các truyền thống có giá trị được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Lịch sử dân tộc kết hợp với lịch sử thế giới còn góp phần cho học sinh thấy được vị trí của đất nước trong tiến trình lịch sử, tính đa dạng của văn minh nhân loại và xác định tinh thần tôn trọng thành tựu văn minh của các nước, có trách nhiệm giữ gìn bản sắc dân tộc trong thế giới đa dạng văn hóa.

Đòi trả lại vị thế mà không khắc phục những sa sút, yếu kém hiện nay của môn Lịch sử thì thật là vô nghĩa. Đây là những thiếu sót, hạn chế mang tính hệ thống từ nhận thức về vị thế, yêu cầu, mục tiêu giáo dục của môn học đến chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, đào tạo giáo viên. Chính vì thế, cố gắng cải tiến cách dạy môn Lịch sử của những giáo viên tâm huyết chỉ tạo nên một số kết quả nhất định, không thay đổi được toàn cục. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và một số tổ chức đã có nhiều cố gắng nhằm khích lệ tinh thần yêu lịch sử, nhưng hiệu quả vẫn không thể vượt khỏi những hạn chế chung của môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông hiện nay.

Khi một ít kiến thức Lịch sử bị cắt nhỏ rồi tích hợp tùy tiện vào một số môn khác thì môn Lịch sử đã không còn với vị thế của một môn học trong tính toàn bộ và hệ thống của nó. Lớp trẻ lớn lên trở thành công dân mà chỉ biết lờ mờ về lịch sử dân tộc, không biết cội nguồn tổ tiên, không biết những thành tựu dựng nước và giữ nước hết sức gian truân, hào hùng của ông cha, không kế thừa những truyền thống dân tộc, thì làm sao có thể viết tiếp những trang sử xây dựng và bảo vệ đất nước mai sau.

Nhà giáo nhân dân, GS.Phan Huy Lê

(Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích