Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy hại từ rau, thịt bẩn

10:04, 13/04/2015

Trong các buổi chợ chiều ở TP.Biên Hòa, như: chợ K8, chợ KP.5, chợ KP.6 (phường Long Bình), chợ tạm Trảng Dài... vẫn còn bày bán la liệt thịt heo, thịt gà đã có mùi hôi, với ruồi và khói bụi xung quanh... 

Trong các buổi chợ chiều ở những khu chợ tự phát trên địa bàn TP.Biên Hòa, như: chợ K8, chợ KP.5, chợ KP.6 (phường Long Bình), chợ tạm Trảng Dài... vẫn còn bày bán la liệt thịt heo, thịt gà đã có mùi hôi với ruồi và khói bụi xung quanh.  

Vào giờ tan ca, nhiều quầy thịt heo, thịt gà đã có mùi hôi được bày bán tràn lan trên vỉa hè ở chợ tự phát KP.6, phường Long Bình (TP.Biên Hòa).
Vào giờ tan ca, nhiều quầy thịt heo, thịt gà đã có mùi hôi được bày bán tràn lan trên vỉa hè ở chợ tự phát KP.6, phường Long Bình (TP.Biên Hòa).

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), cho biết việc bảo quản thịt ở các chợ, nhất là các chợ tự phát, chợ nông thôn rất kém, lại bán từ sáng đến chiều mà không bảo quản lạnh, trong khi thịt là môi trường vi sinh phát triển rất nhanh nên rất dễ nhiễm khuẩn.

* Rau, thịt không an toàn vẫn lưu hành

Hiện nay, phần lớn các hộ chăn nuôi trên địa bàn đều chấp hành nghiêm việc không sử dụng thuốc cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi như thuốc tăng trọng, hoặc sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để sơ chế phủ tạng động vật nên vẫn còn nguy cơ về mất an toàn thực phẩm.

TS. Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) khuyến cáo để đảm bảo trong sử dụng rau, thịt an toàn, người tiêu dùng cần mua thực phẩm có nguồn gốc tại các siêu thị, các cửa hàng phân phối rau, thịt sạch. Nếu mua thịt ở chợ thì chọn thịt có dấu kiểm dịch, chỗ bán sạch sẽ, thịt không có mùi hôi; chọn rau còn tươi, không dập nát. Người tiêu dùng đừng ham rẻ, gặp đâu mua đó sẽ dễ mua nhầm rau, thịt bẩn có hóa chất không phân hủy được sẽ dễ dàng hấp thu qua người sử dụng, tích tụ lâu ngày sẽ làm khả năng kháng thể ngày càng yếu đi, làm rối loạn chuyển hóa gây bùng phát nhiều bệnh, lâu ngày có thể bị ung thư.

Theo thống kê của Chi cục Thú y Đồng Nai, trong năm 2014 và quý I-2015, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh phát hiện hơn 500 trường hợp vi phạm, trong đó đáng chú ý có 156 cơ sở giết mổ động vật không có giấy phép và không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y; 13 trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; 5 trường hợp cố tình bơm nước vào động vật; 3 trường hợp sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc chế biến phủ tạng động vật... Đồng thời tịch thu, tiêu hủy hơn 11 tấn thịt thối, thịt không rõ nguồn gốc lưu hành ngoài thị trường.

Bên cạnh các sản phẩm từ thịt, những sản phẩm rau, củ, trái cây cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. TS. Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) cho hay qua thanh tra, kiểm tra ở một số hộ sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả nhỏ lẻ cho thấy vẫn tồn dư chất bảo vệ thực vật. Việc quản lý chất lượng rau hiện nay tại các siêu thị, chợ truyền thống còn thực hiện được, riêng các chợ tự phát, chợ nông thôn hầu như còn bỏ ngỏ; một số loại trái cây có sử dụng hóa chất để làm chín hoặc bảo quản tươi lâu nhưng đến nay vẫn chưa xác định được chất được sử dụng là gì để có khuyến cáo cụ thể đến người tiêu dùng.  

* Nguy hại cho sức khỏe

Vào tháng 2 vừa qua, 11 học sinh tiểu học ở huyện Trảng Bom bị ngộ độc do chế biến nước uống tại gia đình với nước củ dền, cà rốt và sữa.

Bác sĩ Khoa tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai khám bệnh cho một bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Bác sĩ Khoa tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai khám bệnh cho một bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, các bệnh về tiêu hóa là một trong những bệnh có số lượng bệnh nhân đông. Trong năm 2014 và quý I-2015 có gần 800 trường hợp điều trị nội trú và hàng ngàn trường hợp điều trị ngoại trú do nhiễm trùng đường ruột, nhiễm độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa. Bác sĩ Đinh Cao Minh, Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viên đa khoa Đồng Nai, cho biết nhiều ca bệnh tiêu hóa do nhiễm ký sinh trùng đường ruột qua đường ăn uống, nhiều nhất là nhiễm amip đường ruột gây tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng. Các nguồn lây thông thường là các loại rau mọc dưới nước, các loại rau sống, rau trồng tưới phân chuồng, phân người... Bên cạnh đó, có một số trường hợp bị nhiễm giun đũa chó, sán lá lớn, sán dải bò do sử dụng thức ăn nấu chưa chín hoặc ăn thịt tái.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), cho biết Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2015 sẽ diễn ra từ ngày 15-4 đến ngày 15-5 trong cả nước, với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Tại Đồng Nai đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, huyện, xã để tập trung thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm rau, thịt tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối; đồng thời sẽ xử lý kịp thời những hành vi vi phạm.

Cũng theo bác sĩ Đinh Cao Minh, sử dụng các loại thịt bẩn, thịt thối, nhất là nội tạng động vật thối khả năng nhiễm khuẩn rất cao. Nguyên nhân là do trong các loại sản phẩm này có chứa nhiều vi khuẩn, chủ yếu là salmonella. Đây là loại vi khuẩn đun sôi ở nhiệt độ thông thường không chết nên khả năng nhiễm khuẩn rất cao, thường gây ra bệnh tiêu chảy, nhưng cũng có thể nhiễm bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm: máu, xương và khớp xương. Ngoài ra, khi ăn thịt heo bị bệnh nhiễm liên cầu khuẩn heo, người ăn có thể nhiễm liên cầu khuẩn heo gây viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.

Đặng Ngọc

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều