Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi đau sau tai nạn lao động

10:03, 30/03/2015

Sau những vụ tai nạn lao động, nhiều người còn cơ hội sống sót nhưng phải mang di tật, gần như không còn khả năng lao động, thậm chí có người phải sống cuộc sống thực vật cho đến cuối đời.

 

Sau những vụ tai nạn lao động, nhiều người còn cơ hội sống sót nhưng phải mang di tật, gần như không còn khả năng lao động, thậm chí có người phải sống cuộc sống thực vật cho đến cuối đời.

Anh Vũ Ngọc Dũng (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) nằm liệt gần 3 năm nay do bị điện giật trong quá trình làm việc tại Công ty Tân Đồng Hiệp.
Anh Vũ Ngọc Dũng (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) nằm liệt gần 3 năm nay do bị điện giật trong quá trình làm việc tại Công ty Tân Đồng Hiệp.

Cách đây gần 3 năm, anh Vũ Ngọc Dũng (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) bị một tai nạn lao động khủng khiếp tại Công ty Tân Đồng Hiệp (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa). Từ đó đến nay, anh Dũng phải sống cuộc đời thực vật, thường xuyên co giật, dù gia đình đã tốn rất nhiều tiền bạc để điều trị nhưng không có dấu hiệu phục hồi.

* Ám ảnh cả cuộc đời

Bà Phạm Thị Thanh, mẹ của anh Dũng, cho hay từ lúc anh Dũng bị tai nạn, cuộc sống gia đình đảo lộn. Vợ chồng bà đã phải đóng cửa tiệm may và người con trai đầu cũng phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc cho anh Dũng. Do bị liệt toàn thân nên anh Dũng không thể ăn bằng đường miệng như bình thường, mà thức ăn phải nghiền nát, đưa qua đường ống dẫn trực tiếp vào dạ dày. Anh Dũng thường xuyên lên cơn co giật, phun nước miếng, ban đêm thì la hét. “Ước gì có một phép màu nào đó để con tôi trở lại là một thanh niên tuổi 19 khỏe mạnh, cường tráng và tiếp tục thực hiện ước mơ học hành còn dang dở” - bà Thanh nghẹn ngào nói.

Ý thức của nhiều doanh nghiệp còn kém

Vừa qua, UBND tỉnh đã thành lập 7 đoàn đi kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại hơn 150 doanh nghiệp. Qua kiểm tra cho thấy, còn nhiều doanh nghiệp ý thức chấp hành các quy định còn kém, trong đó có không ít doanh nghiệp bị đưa vào danh sách cần phải thanh tra chuyên ngành toàn diện về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy, việc quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ còn hạn chế, có doanh nghiệp dù đã giải thể từ lâu nhưng đơn vị đề xuất kiểm tra không hề biết.

Người con gái út 17 tuổi qua đời vào cuối năm 2013, thì đến giữa năm 2014, ông Nguyễn Văn Hồng (thị trấn Long Thành) lại bị một tai nạn lao động bất ngờ ập đến. Ông Hồng cho hay, ông đang làm việc tại Công ty Posco E&C (Khu công nghiệp Nhơn Trạch) thì một chiếc xe tải xô đổ 2 thanh sắt, ập lên người khiến ông bất tỉnh. Xương sống của ông bị gãy, phải dùng nẹp inox cố định cho đến cuối đời. Vụ tai nạn cũng khiến 2 chân ông bị teo dần và liệt hoàn toàn.  Sau vụ tai nạn kinh hoàng đó, ông Hồng không còn khả năng tự đi lại. Mọi sinh hoạt của ông hàng ngày đều phụ thuộc vào vợ con. Ông Hồng chia sẻ trong nước mắt: “Tôi đang khỏe mạnh, trụ cột của cả gia đình, vậy mà giờ phải ngồi đây là gánh nặng cho vợ con, đúng là không còn gì bất hạnh bằng”.

Còn với anh Nguyễn Ngọc Hạnh (phường An Bình, TP.Biên Hòa), vụ tai nạn lao động đến với anh tại Công ty cổ phần gạch men Thanh Thanh (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) xảy ra vào cuối năm 2013, cho đến nay vẫn chưa thể vơi bớt ám ảnh. Anh kể lại, trong lúc anh đang xúc đất rơi vãi dưới nền xưởng đổ lên băng chuyền để nghiền thì bất ngờ tay áo của anh bị cuốn vào tua-bin. Cánh tay trái của anh gần như bị đứt lìa làm đôi. Rất may, nhờ kỹ thuật cao của bác sĩ đã giúp anh nối lại cánh tay, tuy nhiên từ đó đến nay cánh tay anh không còn hoạt động được. Cuộc sống của anh Hiệp gần 2 năm nay là ở nhà phụ vợ những công việc vặt, trong khi đó những lúc trái gió trở trời, cánh tay của anh lại đau buốt.

* Thanh tra không xuể

Tai nạn lao động luôn gây bất hạnh, kể cả khi may mắn sống sót. Các trường hợp bị tai nạn lao động đều có hoàn cảnh rất khó khăn, là trụ cột lao động chính trong gia đình. Có nhiều trường hợp bị tai nạn lao động đã không được công ty hỗ trợ, đền bù hậu quả. Bà Nguyễn Thị Xuyến, cán bộ Ban Bảo hộ lao động thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết: “Có doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động, khi chúng tôi liên hệ để cùng đến thăm hỏi nạn nhân từng là công nhân của họ, nhưng doanh nghiệp từ chối, không muốn chịu trách nhiệm”.

Năm 2014 mới chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp thực hiện đầy đủ báo cáo về tai nạn lao động xảy ra. Nếu số doanh nghiệp báo cáo đầy đủ, thì chắc chắn số vụ và nạn nhân còn lớn hơn nhiều.

Năm 2014, toàn tỉnh đã xảy ra 1.506 vụ tai nạn lao động với 1.557 người, trong đó có 22 người chết. Ước tính thiệt hại trong chi phí điều trị thuốc men là gần 6,5 tỷ đồng. Bà Mai Thị Tuyết, Chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết những vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn bị thương nặng đều có nguyên nhân là các quy định, quy trình về bảo hộ lao động hiện nay ở các doanh nghiệp còn rất yếu. Doanh nghiệp luôn muốn cắt giảm tối đa các chi phí cho bảo hộ lao động, trong khi đó ý thức của người lao động về phòng chống tai nạn lao động còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc thanh kiểm tra không xuể vì số lượng doanh nghiệp là rất lớn.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều