Báo Đồng Nai điện tử
En

Lợi ích từ sữa học đường

10:10, 06/10/2014

"Các con có biết đây là sữa gì không? - Thưa cô, sữa học đường. Uống sữa học đường để làm gì nào?- Để mắt sáng, dáng cao, năng lượng dồi dào ạ. Vậy các con lắc nhẹ rồi cùng uống nhé".

“Các con có biết đây là sữa gì không? - Thưa cô, sữa học đường. Uống sữa học đường để làm gì nào?- Để mắt sáng, dáng cao, năng lượng dồi dào ạ. Vậy các con lắc nhẹ rồi cùng uống nhé”. Đó là những câu thoại quen thuộc của cô trò Trường mầm non Họa Mi (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) trong giờ uống sữa học đường.

Trẻ mầm non Trường tiểu học Họa Mi, huyện Cẩm Mỹ lần lượt lên nhận sữa để uống.
Trẻ mầm non Trường mầm non Họa Mi, huyện Cẩm Mỹ lần lượt lên nhận sữa để uống.

Cùng với hơn 300 trẻ của Trường mầm non Họa Mi còn có trên 40 ngàn trẻ của 101 trường mầm non (91 trường công lập, 10 trường ngoài công lập) và 45 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tại 5 huyện: Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc; hơn 1 ngàn trẻ của 2 trường: mầm non Thế giới xanh (Công ty Pouchen, TP.Biên Hòa) và mầm non Đông Phương (Tập đoàn Phong Thái, huyện Trảng Bom) được thụ hưởng đề án sữa học đường vừa được triển khai vào tháng 9-2014.

* Tiết kiệm cho phụ huynh

Cô Trần Thị Khánh, Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi, cho biết phụ huynh của trường phần lớn là công nhân, nông dân có điều kiện kinh tế còn khó khăn nên khi biết con sẽ được uống sữa có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh, lại chỉ phải nộp 35% số tiền thì mừng lắm.

Theo đó, từ thứ 2 đến thứ 5, vào lúc 8 giờ 30 đến 9 giờ, mỗi trẻ được uống 1 hộp sữa tươi Vinamilk 180ml. Với trẻ nhà trẻ, do các cháu uống 1 lần không hết nên giáo viên chia ra cho 2 trẻ/hộp buổi sáng và uống tiếp 1 hộp vào buổi chiều.

Đồng Nai là tỉnh thứ 3 trong cả nước sau Bà Rịa- Vũng Tàu và Bắc Ninh thực hiện đề án sữa học đường. Tổng kinh phí thực hiện từ 2014-2020 là hơn 1,3 ngàn tỷ đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước chi 658 tỷ đồng, phụ huynh đóng góp 459 tỷ đồng, công ty sữa hỗ trợ gần 197 tỷ đồng. Với 2 trường mầm non của doanh nghiệp, kinh phí do doanh nghiệp hỗ trợ 50%, phụ huynh đóng 35% và công ty sữa hỗ trợ 15%. Mục tiêu của đề án nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao và trí tuệ của trẻ mầm non, tiểu học.

Chị Hoàng Thị Thùy Trang, có 2 con đang học ở Trường mầm non Long Giao (thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ) vui mừng nói: “Trước đây, mỗi sáng đưa các cháu đi học tôi đều phải mua 2 hộp sữa mang đến lớp gửi cô giáo với giá 6 ngàn đồng/hộp. Nay, tôi không cần phải mua sữa ngoài nữa mà chỉ phải trả 2,1 ngàn đồng/hộp sữa. Như vậy, mỗi tháng vợ chồng tôi tiết kiệm được khoảng 100 ngàn đồng tiền mua sữa cho 2 con”.

Cô Hoàng Thị Liễu, giáo viên Trường mầm non Phú Lộc (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú), chia sẻ: “Từ ngày 8-9, trường cho trẻ uống sữa theo đề án sữa học đường. Trong tháng, mỗi trẻ được uống 12 hộp sữa, phụ huynh chỉ phải đóng 25,2 ngàn đồng nên ai cũng đồng tình hưởng ứng, nộp tiền rất nhanh chóng. Nhiều phụ huynh sợ con mất quyền lợi nên thường xuyên đưa trẻ đến trường hơn, không nghỉ học nhiều như trước đây”.

Để đảm bảo quyền lợi được uống sữa của trẻ, theo quy định của Sở GD-ĐT, trong tháng đó, nếu trẻ nào không đến lớp thì sẽ được uống sữa bù vào ngày hôm sau khi trẻ đến lớp. Tất cả các trường đều có sổ ghi chép đầy đủ.

* Tìm cách xử lý vỏ hộp sữa

Cô Phan Thị Mỹ Hạnh, chuyên viên phụ trách mầm non Phòng GD-ĐT huyện Xuân Lộc, cho biết tháng 9 vừa qua toàn huyện có hơn 9,8 ngàn trẻ từ 1 tuổi đến hết mầm non của 17 trường công lập, 5 trường tư thục và 17 nhóm trẻ có phép được uống sữa học đường. Hầu hết các trường trong huyện đều triển khai tốt, chặt chẽ, có kho chứa sữa đảm bảo quy định. Tuy nhiên, nhiều trường đang vướng mắc ở khâu xử lý vỏ hộp sữa sao cho hợp vệ sinh, đặc biệt là những trường có đông trẻ mầm non.

Tại Trường mầm non Xuân Lộc (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) có 900 trẻ. Trường đã thực hiện tốt các khâu từ nhận sữa, bố trí kho, sổ sách, giấy tờ liên quan, tập huấn cho giáo viên… nhưng gặp khó ở khâu xử lý vỏ hộp sữa. Cô Nguyễn Thị Minh Hương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hàng tháng, trường nhận sữa luôn cho cả 3 nhóm trẻ độc lập trong thị trấn nên đến khi hết tháng, số lượng vỏ sữa rất nhiều. Trường đã tiến hành súc rửa, đóng gói, dán băng keo nhưng nếu số vỏ này để lâu sẽ không có chỗ đựng và khó đảm bảo vệ sinh”.

Đề án sữa học đường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014-2020 dự định thực hiện từ tháng 4- 2014, nhưng tới ngày 8-9-2014 mới được triển khai tại 5 huyện: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu và 2 trường mầm non của doanh nghiệp thuộc huyện Trảng Bom và TP. Biên Hòa. Trong tháng 9-2014, mỗi trẻ từ 1 tuổi đến hết tuổi mầm non được uống 12 hộp sữa tươi Vinamilk 180ml; tháng 10, mỗi trẻ uống 18 hộp. Riêng tháng 11 và 12, trẻ được uống sữa bù của tháng 4 và tháng 5 nên mỗi trẻ được uống 20 hộp sữa, tháng 12 là 23 hộp sữa (tháng 6, 7 và 8 trẻ nghỉ hè nên không thực hiện việc uống sữa của trẻ). Phụ huynh chỉ phải đóng 2,1 ngàn đồng/hộp, còn 3,9 ngàn đồng là do kinh phí Nhà nước và công ty sữa hỗ trợ.

Cô Trần Thị Trang, Hiệu trưởng Trường mầm non Long Giao (huyện Cẩm Mỹ), cho hay mặc dù trường đã tận dụng vỏ hộp để làm đồ chơi, đồ dùng nhưng vẫn còn rất nhiều. Vì thế, đề nghị công ty sữa và Sở GD-ĐT có biện pháp thu gom, xử lý số hộp sữa đã uống để tránh làm mất vệ sinh, giải quyết kho đựng sữa cho nhà trường, hoặc cho phép nhà trường tự xử lý số vỏ hộp sữa đã uống.

Về vấn đề này, bà Chu Như Ý, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT, cho biết: “Mới tháng đầu thực hiện, nhằm đảm bảo nề nếp, tránh lẫn lộn giữa sữa học đường với các loại sữa khác, Sở yêu cầu hiệu trưởng các trường thu hồi vỏ hộp sữa, súc rửa và kiểm tra số vỏ hộp sữa thu vào với số lượng sữa phát ra cho khớp. Sở đã làm việc với công ty sữa và từ tháng 10, công ty sẽ có xe để đi thu gom vỏ hộp sữa từ các trường, mỗi tháng 1 lần để đảm bảo vệ sinh”.

Hạnh Dung

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều