Công tác tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế, làm tốn thời gian, chi phí, gây áp lực lớn cho các trường THPT vì trùng với thời điểm thi tốt nghiệp, nhiều trường THPT ngoài công lập dù đã tuyển "vét" nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu…
Công tác tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế, làm tốn thời gian, chi phí, gây áp lực lớn cho các trường THPT vì trùng với thời điểm thi tốt nghiệp, nhiều trường THPT ngoài công lập dù đã tuyển “vét” nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu…
Nhằm giảm bớt áp lực trong khâu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT vừa tiến hành lấy ý kiến các trường THPT, THCS, các phòng GD-ĐT trong tỉnh để xây dựng một phương án tuyển sinh vừa gọn gàng, hiệu quả lại đảm bảo tính công bằng cho cả học sinh và các trường THPT.
* 3 phương án
Sở GD-ĐT đã đưa ra 3 phương án để lấy ý kiến. Phương án 1 là vẫn giữ nguyên hình thức tuyển sinh cũ, tức là thi tuyển kết hợp xét tuyển. Học sinh sẽ thi vào trường chuyên tỉnh, sau đó thi vào các trường trọng điểm, tiến hành xét tuyển vào các trường THPT công lập không thi tuyển rồi mới xét tuyển vào các trường THPT ngoài công lập.
Học sinh lớp 9 ôn tập thi tuyển vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh năm học 2014-2015. |
Phương án 2, sẽ tuyển sinh bằng 2 hình thức là thi tuyển và xét tuyển. Theo đó, kỳ thi vào trường THPT chuyên tỉnh và các trường THPT trọng điểm chỉ tổ chức một lần. Học sinh có hai nguyện vọng để được tuyển sinh vào lớp 10. Thứ nhất, nếu đăng ký nguyện vọng vào trường chuyên, thí sinh dự thi 3 môn bắt buộc và 1 môn chuyên. Nếu không trúng tuyển vào trường chuyên sẽ được xét nguyện vọng 2. Điểm xét nguyện vọng 2 là tổng điểm 3 môn thi bắt buộc cộng với điểm ưu tiên khuyến khích (nếu có); hoặc học sinh thi 3 môn bắt buộc, đăng ký vào trường THPT nào sẽ tính điểm từ cao xuống thấp để tính điểm chuẩn của trường đó. Việc xét tuyển chia làm 2 đợt, đợt 1 cho các trường THPT công lập, đợt 2 cho các trường THPT ngoài công lập.
Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Sở sẽ tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân về 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10, đồng thời tổ chức thí điểm thi tuyển kỳ thi chung theo phương án 3 đối với tất cả các trường THPT công lập ở một số địa bàn có áp lực học sinh lớn như TP.Biên Hòa trong năm học 2015-2016. Từ đó, đề ra lộ trình thực hiện để có phương án tuyển sinh tốt nhất cho tất cả các địa phương vào những năm học sau”. |
Phương án 3 là tuyển sinh bằng 2 hình thức thi tuyển và xét tuyển. Tất cả các trường THPT công lập, kể cả trường chuyên chỉ tổ chức chung 1 kỳ thi. Học sinh đăng ký nguyện vọng vào trường THPT chuyên tỉnh sẽ thi 3 môn bắt buộc và 1 môn chuyên, đối với học sinh còn lại sẽ thi 3 môn bắt buộc. Học sinh tham gia thi tuyển sẽ được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng: tại trường THPT đăng ký dự thi và 2 nguyện vọng vào trường THPT khác trường đăng ký dự thi đóng tại địa bàn mình sinh sống. Sau đó tiến hành xét tuyển cho các trường THPT ngoài công lập.
Một trong những nguyên tắc xét tuyển theo phương án này là học sinh ở những địa bàn chỉ tổ chức một hình thức tuyển sinh là thi tuyển, nếu không tham dự kỳ thi tuyển sinh sẽ không được xét vào học lớp 10 THPT công lập.
* Đơn giản, hiệu quả, hợp lý
Đó là mục tiêu tuyển sinh mà tất cả các trường THPT, THCS đều hướng tới. Trong số 40 đơn vị phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến về phương án tuyển sinh vào lớp 10 do Sở GD-ĐT tổ chức mới đây, có 6 đơn vị chọn phương án 1, 6 đơn vị chọn phương án 2, 26 đơn vị chọn phương án 3 và 2 đơn vị đề nghị thi tuyển đối với tất cả các trường THPT công lập, ngoài công lập.
Ông Đỗ Huy Khánh, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) đề nghị giữ nguyên phương thức tuyển sinh cũ, hoặc nếu tiến hành 1 kỳ thi chung thì Trường THPT Xuân Mỹ vẫn xin xét tuyển. Bởi, Cẩm Mỹ có số lượng học sinh không đông, nhà học sinh lại ở xa trường học, việc đi lại thi cử gây khó khăn, tốn kém cho các em. Mặt khác, nếu không tham gia dự thi như phương án 3 thì các em không được học ở các trường THPT công lập. Điều đó có nghĩa là các em sẽ phải đăng ký học ở các trường ngoài công lập, như vậy nhà trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Thí sinh trao đổi bài sau kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm học 2014-2015 tại hội đồng thi Trường THPT Ngô Quyền. |
Nhất trí với phương án 2, ông Nguyễn Quang Khánh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Trảng Bom), cho rằng phương án này sẽ rút ngắn được thời gian tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập chủ động tuyển dụng, thỉnh giảng giáo viên. Tuy nhiên, Sở chỉ nên giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường công lập, để các trường ngoài công lập chủ động tuyển sinh tùy vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, khi giao chỉ tiêu cần cân đối giữa các trường THPT trên địa bàn, xác định số lượng học sinh vào lớp 10 dựa trên tổng số học sinh lớp 9, có tính đến phân luồng học sinh. Bởi, trên thực tế nhiều năm qua, trường không tuyển đủ chỉ tiêu vì không còn học sinh để tuyển.
Nhận thấy phương án 3 tương tự với kỳ thi quốc gia chung mà Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức vào năm 2015, mở ra nhiều cơ hội cho học sinh, giảm được chi phí, áp lực thi cử cho cả học sinh, nhà trường, phụ huynh, ông Trần Nghĩa Dũng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, TP. Biên Hòa, cho rằng việc thi chung sẽ giảm được áp lực thí sinh và hồ sơ ảo cho các trường THPT trọng điểm. Mặt khác, để các trường THCS nâng cao hơn nữa việc dạy - học - đánh giá thực chất, đề nghị các trường THCS sẽ thực hiện phần hồ sơ, thủ tục dự thi cho thí sinh để phụ huynh đỡ phải đi lại. Đề thi do Sở ra chung. Sau khi có kết quả thi, Sở sẽ gửi danh sách xuống cả trường THPT lẫn THCS để các trường nắm được kết quả. Các trường THPT nếu không đủ chỉ tiêu, báo cáo Sở để có kế hoạch sớm. Các trường ngoài công lập dựa vào kết quả thi này và điểm học bạ THCS để xét tuyển.
* Nhà giáo nhân dân Trần Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh: Là đơn vị đặc thù, trường nhận thấy thực hiện 1 kỳ thi chung có nhiều điểm thuận lợi. Nếu tổ chức 1 kỳ thi chung mà đảm bảo được điểm chuẩn tuyển sinh, chất lượng đề thi, điều kiện dự tuyển thì trường hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên, kỳ thi chung này phải được tổ chức sớm, nếu không, trường sẽ bị cạnh tranh gay gắt với các trường chuyên tại TP.Hồ Chí Minh, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thí sinh đầu vào của trường chuyên duy nhất trong tỉnh. * Em Nguyễn Lê Thanh THảO, lớp 10 chuyên Anh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh: Khi thi vào trường chuyên xong, chưa biết kết quả, em vẫn tiếp tục phải ôn bài để nếu không đậu sẽ thi vào Trường THPT Ngô Quyền, rất áp lực và mệt mỏi. Nay nếu chỉ thi 1 lần mà xét được vào trường chuyên và các trường THPT công lập khác thì sẽ rất thuận lợi cho học sinh lớp 9, vì các em không phải lo lắng làm nhiều bộ hồ sơ, ôn bài nhiều lần, có thời gian rảnh để vui chơi... * Bà Lưu Thị Hoa, có con đang học lớp 9 Trường THCS Lê Quang Định, TP.Biên Hòa: Tôi mong kỳ thi diễn ra gọn nhẹ, nhanh chóng, hợp lý để học sinh đỡ vất vả. Tuy nhiên, tùy vào lực học của từng học sinh chứ không nên bắt buộc là phải tham dự kỳ thi chung mới được học các trường THPT công lập. Bởi vì nếu trước đây, các cháu không tham gia thi vào Trường THPT Ngô Quyền, Trấn Biên... thì có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường THPT Tam Hiệp, hợp với năng lực của cháu. Nếu bây giờ cháu không dự thi thì lại không được vào học Trường THPT Tam Hiệp nữa, mà học trường tư thì gia đình không có đủ điều kiện. An Yên (ghi) |
Hạnh Dung