Báo Đồng Nai điện tử
En

Ám ảnh nhà vệ sinh trong trường học

10:09, 22/09/2014

Trong số 823 cơ sở giáo dục trong tỉnh vẫn còn nhiều nơi chưa có nhà vệ sinh và nguồn nước sạch đạt chuẩn phục vụ nhu cầu của học sinh và giáo viên.

Trong số 823 cơ sở giáo dục trong tỉnh vẫn còn nhiều nơi chưa có nhà vệ sinh và nguồn nước sạch đạt chuẩn phục vụ nhu cầu của học sinh và giáo viên.

Một học sinh lớp 4 Trường tiểu học T.H.Đ (TP.Biên Hòa) cho biết, nhà vệ sinh trong trường luôn là nỗi ám ảnh của em mỗi khi có nhu cầu. Vì thế, có nhiều hôm em không dám đi vệ sinh vì... sợ. 

* Ám ảnh

Không chỉ với các trường có số lượng học sinh đông, thiếu nhà vệ sinh mà ngay cả những trường THPT có đầy đủ nhà vệ sinh ở mỗi dãy phòng học, nhưng nhà vệ sinh vẫn trở thành nỗi ám ảnh suốt cả năm học. Em T.H., học sinh lớp 11 Trường THPT Nhơn Trạch, bày tỏ: “Trường em có 6 nhà vệ sinh nam, 6 nhà vệ sinh nữ nhưng luôn trong tình trạng  bẩn, hôi vì nhiều bạn đi vệ sinh xong không chịu dội nước. Có nhiều hôm em phải nín tiểu để về nhà, không dám đi ngang qua nhà vệ sinh vì rất nặng mùi, mặc dù có lao công dọn dẹp nhưng vẫn không sạch sẽ được. Nguồn nước rửa tay cũng không được sạch, lần nào rửa xong chúng em cũng phải lấy khăn giấy lau thật khô hoặc lấy nước uống rửa lại. Chúng em chỉ mong sao nhà vệ sinh được thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ và các bạn có ý thức giữ gìn vệ sinh chung”.

Học sinh một trường tiểu học ở TP. Biên Hòa phải xếp hàng đợi nhau để đi vệ sinh do quá đông học sinh.
Học sinh một trường tiểu học ở TP. Biên Hòa phải xếp hàng đợi nhau để đi vệ sinh do quá đông học sinh.

Cuối năm 2013, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế đã tiến hành giám sát công tác vệ sinh học đường tại 692 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh (chiếm 86% tổng số trường). Qua giám sát cho thấy vẫn còn nhiều trường, đặc biệt là các điểm trường lẻ ở vùng sâu, vùng xa thiếu nhà vệ sinh, hoặc đã xuống cấp, bị hư hỏng, không được vệ sinh thường xuyên, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và các lớp học. Nhiều trường thiếu hệ thống cống thoát nước đạt tiêu chuẩn, thiếu vòi rửa tay (hoặc đã bị hư hỏng), thiếu xà phòng rửa tay. Đặc biệt là chất lượng nước sinh hoạt bị nhiễm phèn có ảnh hưởng đến việc vệ sinh của học sinh. Hiện mới chỉ có 78,8% số trường có đủ nước uống cho học sinh.

* Thói quen nhịn tiểu

Với nhiều học sinh, do ở nhà được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, nên khi đến trường thấy nhà vệ sinh có mùi hôi, không chịu được sẽ dẫn đến thói quen nhịn tiểu ở trường để về nhà. Bên cạnh những trường xây dựng nhà vệ sinh ở cuối mỗi dãy phòng học, còn nhiều trường (phần lớn là các trường tiểu học, THCS điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn) vẫn tiến hành xây dựng dãy nhà vệ sinh ở ngoài trời, tách biệt với khối lớp học, gây rất nhiều bất tiện cho học sinh, đặc biệt là những ngày trời mưa gió.

Cô Lưu Thị Vui, Hiệu trưởng Trường tiểu học Liên Sơn (huyện Định Quán), cho biết mặc dù nhà trường đã xây được nhà vệ sinh cho học sinh, nhưng vì nhà vệ sinh đặt ở dưới đất nên gây không ít khó khăn cho những học sinh học ở trên lầu. Mỗi lần muốn đi vệ sinh, các em phải mất thời gian xuống đất, do vậy rất nhiều em đã cố nhịn để chờ đến giờ ra chơi mới đi vệ sinh. Không những thế, do thiếu nhà vệ sinh sạch sẽ, nhiều học sinh đã chọn cách đi vệ sinh bậy ra môi trường, gây mất vệ sinh xung quanh.

Nhà vệ sinh của Trường THCS Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch luôn bị khóa trong giờ học để hạn chế mùi hôi.
Nhà vệ sinh của Trường THCS Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch luôn bị khóa trong giờ học để hạn chế mùi hôi.

Cùng chung cảnh ngộ thiếu nhà vệ sinh trong trường học, cô Nguyễn Thị Huyền, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Đông (huyện Nhơn Trạch), cho biết nhà trường mới chỉ có 5 phòng vệ sinh cho hơn 800 học sinh. Có những lúc ra chơi, học sinh sử dụng nhà vệ sinh quá đông. Nhà trường có nhu cầu xây thêm 5 nhà vệ sinh nữa mới đáp ứng nhu cầu của học sinh nhưng việc huy động xã hội hóa rất khó khăn.

Việc xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, có hệ thống nước rửa tay, xà phòng rửa tay để học sinh sử dụng là vấn đề được các trường quan tâm nhưng lại không có đủ kinh phí để tu sửa, xây mới. Hơn nữa, ý thức của một bộ phận học sinh về việc giữ gìn vệ sinh chung chưa cao; thiếu biên chế nhân viên vệ sinh, dẫn đến nhiều nhà vệ sinh luôn trong tình trạng hôi, bẩn. Do đó, để nhà vệ sinh trong trường học không còn là nỗi ám ảnh, rất cần sự chung tay góp sức từ nhiều phía.

Bác sĩ Trần Thanh Thúy, nguyên Trưởng khoa Tim mạch - thận niệu, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cảnh báo: Thói quen nhịn tiểu rất có hại cho sức khỏe, bởi nước tiểu có đến hàng trăm loại chất thải khác nhau của cơ thể. Khi nhịn tiểu, nước tiểu bị ứ đọng trong bàng quang có thể dẫn đến bị sỏi tiết niệu, sỏi bàng quang, vi khuẩn dễ xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm trùng tiểu, viêm bàng quang, sỏi thận. Nếu bàng quang thường xuyên bị căng tức do nhịn tiểu quá lâu có thể dẫn đến bể bàng quang. Đặc biệt, ở lứa tuổi học sinh, việc phải nhịn tiểu thường xuyên còn có thể gây ra ức chế về tâm lý. Các em sẽ sợ không dám uống nước nữa, điều đó gây mất nước, dẫn đến tình trạng cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, không tập trung học tập hoặc khả năng tiếp thu bài kém...

 

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích