Đang trong thời gian nghỉ hè nhưng ở các trường tiểu học, THCS trong tỉnh vẫn nhộn nhịp. Chỉ khác ở chỗ, học sinh đến trường không phải để học mà để cùng nhau vui chơi, sinh hoạt hè.
Đang trong thời gian nghỉ hè nhưng ở các trường tiểu học, THCS trong tỉnh vẫn nhộn nhịp. Chỉ khác ở chỗ, học sinh đến trường không phải để học mà để cùng nhau vui chơi, sinh hoạt hè.
Bà Trương Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết toàn tỉnh hiện có 475 trường tiểu học, THCS trực thuộc Phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành phố. Kỳ nghỉ hè này hầu hết các trường đều phối hợp với xã, phường, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: tìm hiểu các giá trị truyền thống lịch sử; ôn tập văn hóa; các hoạt động văn hóa, văn nghệ; vui khỏe; rèn luyện nghi thức Đội...
* Sân chơi hè bổ ích
Mặc dù trường đang sơn sửa nhưng vào sáng thứ 2,4,6 hàng tuần, khuôn viên Trường THCS Võ Trường Toản (huyện Vĩnh Cửu) vẫn nhộn nhịp vì hàng ngày có khoảng 60-70 học sinh các khối đến trường tham gia sinh hoạt hè. Chị Lê Thị Thanh Uyên, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Võ Trường Toản, cho biết học sinh không chỉ được tham gia các hoạt động tập thể, như: tập hát múa, thể dục - thể thao, nghe nói chuyện chuyên đề về kỹ năng sống mà còn được đọc sách báo.
Học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (huyện Vĩnh Cửu) đọc sách tại thư viện trong ngày hè. |
Ngồi trong góc của phòng thư viện, em Nguyễn Thanh Vân, học sinh lớp 6/3 Trường THCS Võ Trường Toản, đang chăm chú đọc từng trang của cuốn truyện Thám tử lừng danh Conan. Dừng đọc truyện, Thanh Vân cho biết, cha bận việc ngoài ruộng, mẹ làm công nhân từ sáng tới chiều mới về, nhà lại không có ai chơi cùng. Trong khi đến trường, em được tham gia nhiều hoạt động, khi thì tập múa hát, khi thì đọc sách, tham gia các trò chơi dân gian, như: kéo co, nhảy bao bố, ô ăn quan... nên hầu như ngày nào trường mở cửa, Vân đều có mặt từ rất sớm tới giờ nấu cơm trưa mới về.
Thạc sĩ Lê Minh Công, Phó giám đốc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Sông Phố (Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam), cho rằng mang lại cho trẻ một kỳ nghỉ hè bổ ích không chỉ là trách nhiệm của tổ chức Đội, hay ban chỉ đạo hè địa phương mà đó còn là trách nhiệm của gia đình. Để trẻ có một mùa hè bổ ích, các gia đình cần có kế hoạch cho con, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình có thể cho trẻ du lịch; về quê thăm họ hàng; tham gia các hoạt động ngoại khóa hay các lớp năng khiếu mà trẻ yêu thích. Không nên ép trẻ học quá nhiều hay học thêm liên tục. Tuy nhiên, cũng không nên để trẻ quá thoải mái với những sở thích của mình, như: xem phim hoạt hình, các trò chơi… Việc tạo cho con thoải mái và ý nghĩa trong dịp hè sẽ là động lực để con bước vào năm học mới có nhiều năng lượng và hào hứng hơn. |
Bên cạnh các hoạt động vui chơi, nhiều học sinh đến trường còn để được thầy cô ôn tập kiến thức. Mặc dù đạt thành tích học sinh giỏi trong năm học vừa qua, nhưng em Võ Vũ Minh Tâm, học sinh lớp 6/2 Trường THCS Võ Trường Toản vẫn đến trường để ôn tập kiến thức cùng các bạn. Minh Tâm cho hay, dù là những kiến thức đã học nhưng em muốn ôn lại một lần nữa cho thật chắc chắn để sẵn sàng đón nhận những kiến thức mới trong năm học sắp tới.
Khác hẳn với học sinh ở huyện, hè của học sinh TP. Biên Hòa giống như “học kỳ thứ 3” - các em vừa phải ôn tập kiến thức cũ, vừa học nâng cao, chưa kể có em còn tham gia nhiều lớp năng khiếu khác nên thời gian sinh hoạt hè tại trường còn ít. Em Trần Hồ Bảo Ngọc, học sinh lớp 6/1 Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa) không ngoại lệ. Sau một tuần nghỉ xả hơi, Bảo Ngọc đã đi học thêm. Tuy vậy, em vẫn cố gắng sắp xếp thời gian tập múa hát, đọc sách… để tham gia các hội thi do thành phố tổ chức. Bảo Ngọc bộc bạch, đây cũng chính là thời điểm để em xả căng thẳng sau những giờ “đánh vật” với những con chữ.
* Đổi mới để thu hút học sinh
Với chủ đề “Hè kết nối yêu thương”, hầu hết các trường tiểu học, THCS trong tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động đa dạng cho học sinh, như: đền ơn đáp nghĩa, về nguồn; tìm hiểu truyền thống lịch sử, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình biển Đông. Bên cạnh việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, phụ đạo, các lớp nghi thức Đội, các trường còn tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, phòng chống tai nạn thương tích; các hoạt động vui khỏe, như: bóng đá, bóng bàn, cờ vua, cờ tướng, võ thuật và nhiều trò chơi dân gian khác.
Trẻ em học bơi tại Nhà thiếu nhi tỉnh. |
Tuy nhiên, theo nhận định của bà Trương Thị Kim Huệ, cũng như các giáo viên Tổng phụ trách Đội, các hoạt động này đã cũ, đơn điệu và còn mang tính hình thức, chưa tạo được dấu ấn mạnh đối với các em học sinh. Lý giải điều này, anh Hoàng Anh Tuấn, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hùng Vương
(TP.Biên Hòa) cho rằng, bản thân các thầy cô tổng phụ trách ở các trường cũng muốn tổ chức nhiều hoạt động hay, thu hút học sinh, nhưng “lực bất tòng tâm” khi nguồn kinh phí có hạn. Các hoạt động càng khó thu hút các em hơn khi thời gian dành cho “học kỳ 3”, các lớp năng khiếu tương đối dày khiến học sinh không còn nhiều thời gian sinh hoạt hè.
Để hoạt động hè hấp dẫn, thu hút học sinh, bà Trương Thị Kim Huệ cho rằng bên cạnh việc tính toán lại kinh phí, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao nhằm phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa. Bên cạnh đó, nhất thiết phải đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt mới mong thu hút được đông đảo học sinh tham gia.
Nga Sơn