Báo Đồng Nai điện tử
En

Bình đẳng cho giới tính thứ ba?

09:08, 20/08/2013

Thời gian qua, tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, các hội thảo, diễn đàn về vấn đề hôn nhân đồng giới đã được tổ chức...

Thời gian qua, tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, các hội thảo, diễn đàn về vấn đề hôn nhân đồng giới đã được tổ chức...

T.T., 36 tuổi, ở phường Quyết Thắng (TP. Biên Hòa) đã lên TP.Hồ Chí Minh để dự hội thảo “Người đồng tính, song tính và chuyển giới - Quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng” - do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường Việt Nam (ISEE) tổ chức ngày 30-7 vừa qua. T. cho biết: “Em là “gay” và em không muốn phải sống khác với con người thực của mình!”.

* Kỳ thị, phân biệt đối xử: vẫn còn phổ biến

Chia sẻ với chúng tôi, T.T. cho rằng: “Không may mắn như những người có giới tính rõ ràng, những người đồng tính như em cũng rất khổ tâm khi mình không được nhìn nhận như một con người bình thường. Trên thực tế, dù là đồng tính hay lưỡng tính, họ cũng lao động, học tập, đóng góp cho xã hội nên cần được xã hội và cộng đồng nhìn nhận như một người bình thường...”.

Một bạn đồng tính nam động viên bạn của mình khi xăm hình.
Một bạn đồng tính nam động viên bạn của mình khi xăm hình.

Tại hội thảo trên, TS.Lê Quang Bình, Viện trưởng ISEE, đưa ra ước tính số người LGBT (viết tắt của cụm từ lesbian, gay, bisexual và transgender - bao gồm người  đồng giới, lưỡng tính và chuyển giới) tại Việt Nam là khoảng 1,65 triệu người, tương đương với 2% dân số.

Từ năm 1990 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xóa bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các bệnh tâm thần. Tháng 3-2011, Liên hợp quốc đưa ra bản Tuyên bố chung về chấm dứt bạo lực và các vi phạm nhân quyền dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới do 85 quốc gia và vùng lãnh thổ ký kết, trong đó kêu gọi các quốc gia hành động chống lại bạo lực và việc tội phạm hóa, phân biệt đối xử với các cá nhân dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ.

Theo kết quả nghiên cứu này tại Hà Nội, Hà Nam, TP. Hồ Chí Minh và An Giang, thái độ kỳ thị, phân biệt và hiếu kỳ với người đồng tính ở nước ta còn phổ biến. Cụ thể, khi bị phát hiện là người đồng tính, 20% người đồng tính mất bạn, 15% bị gia đình chửi mắng hoặc đánh đập. Nghiêm trọng hơn, 4,5% đã từng bị tấn công; 1,5% bị đuổi học; 4,1% bị đuổi ra khỏi chỗ ở và 6,5% bị mất việc. Kết quả nghiên cứu của ISEE về hiểu biết của xã hội về đồng tính cũng cho thấy, phần lớn người dân có kiến thức sai về đồng tính hoặc có thái độ tiêu cực về đồng tính khi có tới 48% số người được hỏi cho rằng đồng tính có thể chữa được; 77% thất vọng nếu con là đồng tính, 58% ngăn cản con chơi với người đồng tính...

T.T., cũng cho rằng: “Việc cộng đồng kỳ thị và phân biệt đối xử với những người đồng tính cũng là điều dễ hiểu. Bởi nó khác với những gì là truyền thống, là chuẩn mực xã hội. Nếu một chàng thanh niên yêu và cưới một cô gái là bình thường, nhưng 2 chàng hoặc 2 nàng cứ “tay trong tay” thì rõ ràng trong mắt mọi người nó không bình thường. Và đặc biệt là xu hướng tình dục của giới đồng tính tụi em khác với cách thông thường... Điều này làm tăng thêm thái độ định kiến và kỳ thị với những người đồng tính”.

Theo T.T., chính thái độ định kiến và phân biệt đối xử từ trong gia đình, trường học và ngoài xã hội khiến nhóm người LGBT phải chịu nhiều thiệt thòi. Không ít người bị bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần, ít cơ hội tìm được việc làm để bảo đảm cuộc sống bản thân cũng như đóng góp cho xã hội.

* Cần có cái nhìn công bằng...

Chưa bao giờ những vấn đề của nhóm giới LGBT lại được bàn luận nhiều như hiện nay. Bên cạnh những ý kiến phản đối, coi hôn nhân đồng tính là một việc làm phá hỏng các giá trị đạo đức, cũng có những ý kiến ủng hộ việc phải có một cách đối xử công bằng hơn với những người thuộc giới tính thứ ba.

Ảnh minh họa: Maika Elan
Ảnh minh họa: Maika Elan

Tại hội thảo trên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang đưa ra 3 lý do có thể thừa nhận hôn nhân đồng giới. Đó là  người đồng giới sinh ra đã không may mắn có được một giới tính rõ ràng thì họ cũng có quyền được sống thật với giới tính của mình, được yêu, được hưởng hạnh phúc. Hai là, nếu họ vẫn yêu nhau, ở với nhau và phát sinh tài sản như một gia đình bình thường mà pháp luật không thừa nhận thì sẽ để lại hậu quả khó giải quyết. Ba là, khi hôn nhân đồng giới không được công khai, họ phải giấu giếm, từ đó sẽ tạo ra một thế giới ngầm với rất nhiều hệ lụy...

Tháng 3 vừa qua, Chính phủ Australia đã tài trợ 99.600 AUD (tương đương với 2 tỷ đồng Việt Nam) cho dự án Giáo dục cộng đồng nhằm giảm phân biệt đối xử với nhóm đối tượng LGBT. Dự án do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường Việt Nam thực hiện. Thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; tập huấn cho cán bộ quản lý, tư vấn pháp luật cho những người thuộc đối tượng LGBT đang là nạn nhân của tình trạng phân biệt đối xử... nhằm nâng cao nhận thức về quyền của người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới. Mục tiêu của dự án là mong muốn trực tiếp tác động tới khoảng 20 ngàn sinh viên và cộng đồng, 200 người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới, 500 cha mẹ và bạn của nhóm đối tượng trên, 75 công chức nhà nước và cán bộ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ông Quang cũng nói thêm, con người không có khả năng lựa chọn giới tính của mình khi sinh ra, mà do bẩm sinh. Những người đồng tính không có lỗi trong xu hướng yêu, kết hôn và quan hệ tình dục của mình. Vì thế, họ cần được thông cảm, giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, xã hội, cần được bảo vệ của pháp luật với những quyền con người tự nhiên của mình. Tuy nhiên, việc thừa nhận hôn nhân đồng tính cần phải được xem xét kỹ lưỡng... Bởi ngoài những người đồng tính thật, còn có những người đồng tính giả.

Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều