Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), không chỉ đơn thuần là vấn đề về sức khỏe, mang thai ở tuổi vị thành niên còn làm mất đi tiềm năng của các em gái, rút ngắn cơ hội học hành, hạn chế nhiều lựa chọn trong cuộc sống…
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), không chỉ đơn thuần là vấn đề về sức khỏe, mang thai ở tuổi vị thành niên còn làm mất đi tiềm năng của các em gái, rút ngắn cơ hội học hành, hạn chế nhiều lựa chọn trong cuộc sống…
Tại khu vực kế hoạch hóa gia đình của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, không khó gặp những cô bé 16-17 tuổi chờ tới lượt mình được tư vấn trước khi chỉ định sử dụng phương pháp phá thai...
* Quen mặt
Được gọi tên vào phòng tư vấn, một cô bé chừng 16 tuổi nói với nữ hộ sinh: “Cháu có quan hệ với bạn trai cùng lớp. Cháu thử thai có rồi ạ. Cô cho cháu… uống thuốc bỏ”. Chị Mai Thị Tiên, nữ hộ sinh phụ trách công tác tư vấn vị thành niên, hỏi: “Đây là lần có thai thứ mấy?” - “Dạ, thứ nhất ạ” - cô bé trả lời ngay. Chị Tiên nghiêm nét mặt: “Nói thiệt đi, trước đã đến đây rồi phải không? Cô thấy em quen lắm! Nói thiệt để cô biết mà lường”. Lúc này cô bé mới lí nhí: “Dạ, đây là lần hai ạ”.
Học sinh THPT tham gia giao lưu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên do Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh tổ chức. |
Sau khi cho cô bé siêu âm, biết có thể sử dụng thuốc phá thai nội khoa được, chị Tiên yêu cầu cô bé về mời mẹ lên. Nghe thế, cô bé giãy nảy: “Cô ơi cứu cháu, mẹ cháu mà biết chắc đánh cháu chết mất”. Chị Tiên giải thích: “Phải có mẹ cháu ký vào cam kết thì mới có thể phá thai cho cháu được. Dù đây là thủ thuật tương đối đơn giản, nhưng vẫn có những biến chứng khó lường”. Cô bé líu ríu ra về. Theo chị Tiên, mỗi ngày có gần 10 ca nạo phá thai cần tư vấn, trong đó có từ 3-4 ca là ở độ tuổi teen.
* Hậu quả lớn…
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa sản 1 (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai), cho biết: “Trẻ vị thành niên yêu và quan hệ tình dục sớm là một thực trạng xã hội. Đáng lo ngại, các em hễ cứ yêu là quan hệ tình dục, nhưng lại không có kiến thức về phòng tránh thai. Có em một năm phá thai đến vài ba lần”.
Thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 ngàn ca nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên, trong đó 60-70% là học sinh. Còn theo Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, 10 năm trở lại đây, dù tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam có giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên lại có dấu hiệu gia tăng - chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai. Tại Đồng Nai, chỉ riêng thống kê của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, trong năm 2012 đã tiếp nhận và làm thủ thuật nạo phá thai cho 2.829 ca, trong đó số ca vị thành niên gần 600 ca. 6 tháng đầu năm nay, đã có 224 ca vị thành niên nạo phá thai trong số 1.492 ca đi bỏ thai.
Theo bác sĩ Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, trẻ vị thành niên cơ thể và tử cung chưa phát triển hoàn chỉnh. Khi phá thai, dù ở những cơ sở y tế an toàn vẫn phải chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra, như: băng huyết, sót nhau, rách, thủng cổ tử cung, dính buồng trứng, nhiễm trùng dẫn đến vô sinh hoặc phải cắt bỏ hoàn toàn tử cung, nhiễm trùng toàn thân dẫn đến nhiễm trùng máu... Những em đã trải qua phá thai, không chỉ ảnh hướng đến sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng rất lớn về tâm lý, khó có thể theo đuổi tiếp việc học hành. Việc kết hôn và sinh nở sau này dễ gặp biến chứng hơn những người khác. |
Phá thai là một biện pháp can thiệp nguy hiểm. Việc cảnh báo về thực trạng này đã từ rất lâu nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Điều đáng nói là hiện nay, các em có quá nhiều thông tin về vấn đề giới tính và tình dục, nhưng lại thiếu định hướng của gia đình và nhà trường.
Đã đến lúc cần nhìn nhận một thực tế: Việc giáo dục đạo đức và xây dựng nhân cách cho trẻ em từ gia đình đến xã hội cần phải được quan tâm hơn nữa. Môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, một nếp nhà truyền thống được duy trì mà trong đó, cha mẹ phải là những người thầy đầu tiên dạy cho con em mình biết giữ gìn bản thân.
17 tuổi, cái tuổi đang đẹp của cuộc đời thì em T.T., ở TP. Biên Hòa đã phải bỏ trường, bỏ lớp, xa bạn bè, thầy cô để… sinh con. Gầy gò, tiều tụy, miếng ăn hàng ngày phụ thuộc vào tiền công làm mướn của mẹ, nghĩ về tương lai, T. chỉ biết khóc... T. bảo: “Em cũng chẳng biết vì sao em lại dại dột như thế. Lúc đó chỉ thấy thích nhau… mà chẳng nghĩ hậu quả như hôm nay. Có lúc em chỉ muốn chết cho mẹ em đỡ khổ. Nhưng em chết rồi, mẹ em chắc sẽ càng khổ hơn vì phải vất vả nuôi con em…”. |
Phương Liễu