Trong hai cuộc kháng chiến, Rừng Sác là căn cứ cách mạng vững chắc che chở, nuôi dưỡng những cán bộ cách mạng chiến sĩ đặc công. Trên mảnh rừng này, nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh. Huyện Nhơn Trạch đã xây dựng đền thờ tại xã Long Thọ, ngay cửa ngõ vào di tích Chiến khu Rừng Sác.
Trong hai cuộc kháng chiến, Rừng Sác là căn cứ cách mạng vững chắc che chở, nuôi dưỡng những cán bộ cách mạng chiến sĩ đặc công. Trên mảnh rừng này, nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh. Huyện Nhơn Trạch đã xây dựng đền thờ tại xã Long Thọ, ngay cửa ngõ vào di tích Chiến khu Rừng Sác.
Để những giá trị lịch sử của Rừng Sác được phát huy, Huyện đoàn Nhơn Trạch đang triển khai mô hình du lịch về nguồn tại đây.
* Hấp dẫn ở Rừng Sác
Phó bí thư Huyện đoàn Trần Đình Sự cho biết, tour về nguồn tại Rừng Sác khá hấp dẫn nhờ có sự kết nối các địa điểm tham quan, như: Đền thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch, Khu di tích địa đạo Rừng Sác cùng Nhà truyền thống. Đặc biệt, di tích hệ thống địa đạo Rừng Sác nằm dưới lòng đất sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về sự mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ đặc công Rừng Sác năm xưa. Một điểm tham quan khác là Khu tưởng niệm Ngã ba Giồng Sắn (ấp Bến Đình, xã Phú Đông) cũng được kết nối. Tại đây, ngày 23-10-1965 quân đội Sài Gòn đã gây ra vụ thảm sát khiến 536 dân thường thiệt mạng.
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước kể chuyện truyền thống Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác ngay trên sông Thị Vải. |
Anh Lê Quang Bửu, nhân viên Ban quản lý rừng huyện Long Thành, người thường xuyên điều khiển thuyền máy đưa các đơn vị Đoàn thanh niên đi tham quan Rừng Sác cho biết, hấp dẫn nhất khi du khảo về nguồn tại đây là ngồi trên thuyền chạy tốc độ từ 8 - 10 km/giờ, lượn qua những con rạch chằng chịt, ngắm những cánh rừng ngập mặn nguyên sinh tươi tốt. Khi thủy triều xuống, gốc những cây đước, cây bần lộ ra bộ rễ xum xuê cắm sâu xuống lòng đất, những con còng vội vã tìm chỗ ẩn mình khi thấy thuyền máy chạy qua, tạo thành những con sóng ập vào bờ. Đi trên những con rạch trong Rừng Sác sẽ bắt gặp hình ảnh những đàn cò trắng bay đi kiếm ăn, những chiếc ghe nhỏ của người dân Phước An thả lưới đánh cá để mưu sinh, cảnh những chiếc thuyền lớn chở hàng hóa từ sông Thị Vải về hướng Nhà Bè.
Anh Trần Bình Nam, Bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch: Sẵn sàng hỗ trợ du khảo về nguồn tại Rừng Sác Căn cứ cách mạng rừng Sác chính là niềm tự hào của người dân Nhơn Trạch hôm nay, trong đó có lớp trẻ của huyện. Ngoài việc giáo dục các giá trị lịch sử này cho lớp trẻ của huyện nhà, chúng tôi mong muốn và sẵn sàng hỗ trợ hết mình cho Đoàn thanh niên các đơn vị bạn ở trong và ngoài tỉnh tổ chức du khảo về nguồn tại căn cứ Rừng Sác. |
Theo Bí thư Đoàn xã Phước An Huỳnh Văn Hải, nếu ở Rừng Sác qua đêm, các đoàn có thể tổ chức đốt lửa trại, giao lưu với thanh niên địa phương. Bến cá Phước An thường họp từ 2 giờ đến 5 giờ sáng nên có thể mua được hải sản tươi sống giá rẻ. Hải sản chủ yếu là do người dân làm nghề chài lưới đánh bắt được ở các rạch của Rừng Sác và cửa sông Phước An.
* Quảng bá giá trị Rừng Sác
Anh Trần Đình Sự cho biết thêm, căn cứ Rừng Sác mới chỉ được nhiều bạn trẻ biết đến trên sách báo, thậm chí có đơn vị Đoàn đưa đoàn viên của mình du khảo về nguồn tại Rừng Sác rồi mới vỡ ra rằng đây chính là điểm vừa phù hợp công tác giáo dục truyền thống, đồng thời rất hấp dẫn với du lịch sinh thái. Để quảng bá hình ảnh Rừng Sác, Huyện đoàn Nhơn Trạch từng hỗ trợ tổ chức đoàn dự liên hoan Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác của Đoàn khối Dân chính Đảng cụm miền Đông Nam bộ với trên 300 thành viên tới đây tham quan. Mới đây, 120 đoàn viên Đoàn thanh niên Cục Hải quan Đồng Nai đã tổ chức thành công cuộc du khảo về nguồn tại di tích căn cứ Rừng Sác. Chuyến du khảo hấp dẫn hơn khi có sự tham gia của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước (Bảy Ước), nguyên Trung đoàn trưởng, kiêm Chính ủy Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác.
Bí thư Đoàn thanh niên Cục Hải quan Đồng Nai Nguyễn Quang Văn cho biết, sau chuyến du khảo về nguồn, đoàn viên thanh niên đều cảm nhận được sự thú vị. Đây được coi là giải pháp để thay đổi hình thức sinh hoạt Đoàn vốn chỉ bó hẹp trong các buổi sinh hoạt tại chỗ, nặng về tuyên truyền. Trong khi đó, Bí thư Đoàn phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) Nguyễn Văn Lượng cũng cho biết, trong dịp kỷ niệm 30-4 và 1-5 này sẽ đưa đoàn viên trong phường du khảo về nguồn tại căn cứ cách mạng Rừng Sác.
Công Nghĩa