Báo Đồng Nai điện tử
En

Biến đam mê thành hiện thực

09:01, 06/01/2013

“Khi bạn có ý tưởng hay nung nấu một đề tài khoa học nào đó có thể đem lại lợi ích cho nhiều người, đừng ngần ngại, hãy mạnh dạn thực hiện nó bằng cả tài năng, đam mê và lòng nhiệt huyết”.

“Khi bạn có ý tưởng hay nung nấu một đề tài khoa học nào đó có thể đem lại lợi ích cho nhiều người, đừng ngần ngại, hãy mạnh dạn thực hiện nó bằng cả tài năng, đam mê và lòng nhiệt huyết”.

Đây là lời khuyên chân thành mà Nhà giáo nhân dân TS. Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng căn dặn các sinh viên (SV) trong buổi lễ trao thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” được tổ chức tại Đồng Nai ngày 5-1-2013.

* Đưa khoa học vào cuộc sống

Với mục đích giảm áp lực giá thành của sản phẩm mà vẫn giữ nguyên được chất lượng, Phạm Thế Hiếu, SV năm cuối Khoa công nghệ hóa thực phẩm, Trường  đại học Lạc Hồng đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu cách nhiệt Polyrethane (PU) tỷ trọng thấp gia cường bằng hạt Nano SiO2”.

Sinh viên Trần Thái Hòa (phải, Trường đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ với phóng viên.  Ảnh: H. DUNG
Sinh viên Trần Thái Hòa (phải, Trường đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ với phóng viên. Ảnh: H. DUNG

Qua 6 tháng mày mò tìm hiểu, nghiên cứu, làm thí nghiệm gia cường hạt Nano vào sản phẩm để cho ra những thông số hợp lý, Hiếu đã đi đến đích. Đề tài đã được Công ty cách nhiệt Sài Gòn đánh giá chất lượng là hoàn toàn phù hợp với các thông số sản phẩm mà công ty đề ra.

Phạm Thế Hiếu cho biết: “Vì đây là đề tài đầu tiên của Việt Nam làm PU có gia cường hạt Nano SiO2 nên có rất ít tài liệu, việc tiếp cận vì thế mà gặp khó khăn. Nhưng nếu thật sự đam mê, đặt vấn đề một cách nghiêm túc thì ắt sẽ vượt qua được những rào cản ấy”. Giải nhất “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” 2012 là minh chứng cho thành công, nỗ lực mong muốn đưa khoa học vào thực tiễn cuộc sống của Phạm Thế Hiếu.

Với Chương Minh Luân (SV ngành tài chính doanh nghiệp, Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, người ở huyện Tân Phú - Đồng Nai), mong muốn đem đề tài của mình ứng dụng tại các ngân hàng ở Đồng Nai và trên toàn quốc, Chương Minh Luân, cùng nhóm bạn của mình thực hiện đề tài “Ứng dụng mô hình DEA và hồi quy POOLED OLS kiểm định các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam”. Hiện, Luân đang thử việc ở một ngân hàng - đây là điều kiện, cơ hội để Luân tiếp cận nhiều hơn với thực tế và phục vụ hữu ích cho công việc sau này.

Không được may mắn như những SV bình thường, nhóm sinh viên khiếm thị Trần Thái Hòa, Quang Thục Hảo (Khoa tâm lý giáo dục, Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh) đã làm nên kỳ tích khi đoạt giải nhì đề tài “Xây dựng đĩa CD hỗ trợ giáo dục giới tính dành cho học sinh mù hoàn toàn từ 12- 18 tuổi tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.Hồ Chí Minh”. Hòa tự tin chia sẻ mục đích: “Bản thân mình là người khiếm thị, nên mình hiểu được người khiếm thị cần gì, mong muốn gì. Hơn nữa, thực trạng người khiếm thị bị xâm hại ở Việt Nam ngày một gia tăng, mà tài liệu, sách báo giúp đỡ họ vượt qua lại rất ít. Mình muốn những câu chuyện kể, các trò chơi…trong CD có thể giúp các bạn nâng cao kiến thức ứng xử, phòng chống nạn xâm hại, bảo vệ bản thân và bạn bè xung quanh khi rơi vào tình huống nguy hiểm”.

* Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Đông đảo sinh viên của các Trường đại học An ninh nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Học viện Cảnh sát nhân dân mạnh dạn thực hiện các đề tài liên quan đến vấn đề biển đảo. Trong đó, Nguyễn Minh Thắng, Hoàng Phi Hải thực hiện đề tài “Nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của công dân Việt Nam trong tình hình hiện nay”.  Thắng cho biết: “Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy nhận thức của một bộ phận công dân về vấn đề biển đảo chưa đầy đủ, mức độ quan tâm đến các thông tin về biển đảo chưa sâu. Để giải quyết những vấn đề trên, chúng tôi đưa ra các giải pháp, như: đầu tư nâng cấp các trung tâm nghiên cứu về biển đảo từ Trung ương đến địa phương; xây dựng các website về biển đảo; thiết lập kênh truyền hình chuyên biệt về biển đảo; đưa nội dung về biển đảo vào sách giáo khoa ở các bậc học, tăng cường xuất bản sách tham khảo có nội dung trên”.

Mỗi người trẻ một ước mơ, nhiều người trẻ, nhiều hoài bão đang mang trong mình lòng nhiệt huyết về chủ quyền dân tộc, sự phát triển vững chắc của nền kinh tế và một xã hội công bằng, tốt đẹp hơn.

SV khiếm thị Trần Thái Hòa, Trường đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Người khuyết tật có rất nhiều khó khăn khi bắt tay vào thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Nhưng chúng tôi không nản lòng, ra sức thực hiện bằng chính tâm huyết, khát khao đem lại những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Và không ai khác, chính các thầy cô, bạn bè, các chuyên gia đã luôn bên cạnh chúng tôi, kề vai sát cánh giúp chúng tôi vượt qua khó khăn”.

Hạnh Dung

 

 

 

Tin xem nhiều