Báo Đồng Nai điện tử
En

Sinh viên thiếu kỹ năng mềm

09:12, 10/12/2012

Bên cạnh các kiến thức chuyên môn, xã hội rất cần nhân lực có thêm những kỹ năng mềm, như: ngoại ngữ, tin học, giao tiếp, ứng xử,  khả năng làm việc theo nhóm... Nhưng với nhiều sinh viên (SV) ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay, những kỹ năng mềm này đang bị bỏ ngỏ.

Bên cạnh các kiến thức chuyên môn, xã hội rất cần nhân lực có thêm những kỹ năng mềm, như: ngoại ngữ, tin học, giao tiếp, ứng xử,  khả năng làm việc theo nhóm... Nhưng với nhiều sinh viên (SV) ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay, những kỹ năng mềm này đang bị bỏ ngỏ.

H.M, SV năm cuối ngành tài chính - ngân hàng của một trường đại học trên địa bàn Đồng Nai, sau khi nhờ mẹ “vận động” xin được một chỗ thực tập tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - chi nhánh Đồng Nai, ngày đến làm thủ tục M. vẫn không đủ tự tin đi một mình mà phải nhờ mẹ “hộ tống”. Đến nơi, thấy trụ sở bề thế hoành tráng, nhân viên làm việc tấp nập, nghiêm túc, M. đâm hoảng, nằng nặc đòi mẹ chở về và xin thực tập ở một ngân hàng khác nhỏ hơn vì không đủ tự tin. 

* Kỹ năng mềm: nơi nào cũng cần

Bà Phạm Thị Thu, Phó giám đốc Sacombank Đồng Nai cho biết, trường hợp thiếu tự tin như M. không hiếm trong số các SV đến thực tập tại ngân hàng hàng năm. Tuy đã học năm cuối đại học, chuẩn bị đặt chân vào ngưỡng cửa cuộc đời nhưng một số SV lại rất rụt rè, ngại giao tiếp, trong khi đó ngân hàng là ngành nghề cung cấp dịch vụ nên rất cần nhân viên có kỹ năng này, nhất là ở bộ phận giao dịch, kinh doanh. Kỹ năng giao tiếp không chỉ là trao đổi, ứng xử, mà còn là khả năng xây dựng và phát triển mối quan hệ với người xung quanh nhằm tạo ra sự đồng cảm, hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc và cả trong cuộc sống. Vì vậy, bà Thu nhấn mạnh đây là một yếu tố không thể thiếu không chỉ đối với nhân viên ngân hàng.

Sinh viên cần tham gia hoạt động giao lưu để tăng cường các kỹ năng mềm. Ảnh: Thanh Thúy
Sinh viên cần tham gia hoạt động giao lưu để tăng cường các kỹ năng mềm. Ảnh: Thanh Thúy

Ông Phan Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Sanko Mold VN (KCN Amata) thì nhận xét, nhiều SV hiện nay dù đã tốt nghiệp nhưng vẫn thiếu kỹ năng rất cần thiết, đó là ngoại ngữ. “Công ty có rất nhiều tài liệu với những thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh, yêu cầu tối thiểu đối với một kỹ sư là phải biết đọc các tài liệu và bản vẽ kỹ thuật, trao đổi với các chuyên gia nước ngoài. Nếu không rành ngoại ngữ, họ không thể làm việc được” - ông Tuấn khẳng định.

Ông Hà Văn Thịnh, Trưởng phòng Hành chính - nhân sự Công ty Jungwoo Textile Vina cũng nhận xét, kỹ năng nghe, nói tiếng Hàn Quốc của một số SV thực tập tại đây chưa được tốt. Do vậy, các em cần chủ động hơn trong việc giao tiếp với người bản địa để trau dồi kiến thức, tăng tự tin. Bên cạnh đó, các trường cũng nên đưa vào chương trình các kỹ năng sử dụng thiết bị văn phòng (máy photocopy, fax), cách soạn thảo văn bản…

Một trong các kỹ năng mà nhiều SV chưa coi trọng, nhưng các doanh nghiệp lại đánh giá cao, đó là kỹ năng làm việc theo nhóm. Sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa các thành viên sẽ giúp tăng hiệu quả công việc rất nhiều, nhưng phần lớn SV chưa được rèn luyện kỹ năng này.

* Mất “điểm” trước nhà tuyển dụng

Bà Phạm Thị Thu cho biết, sức khỏe là một trong những yếu tố mà nhà tuyển dụng nhắm đến khi tuyển chọn SV. Môi trường làm việc chuyên nghiệp thường tạo ra áp lực công việc rất cao, đòi hỏi nhân viên giỏi cần phải có sức khỏe tốt. Thế nhưng, một số trường chỉ quan tâm đến truyền đạt kiến thức chuyên môn, chưa chú trọng đến rèn luyện thể lực, vì thế thời gian qua đã xảy ra tình trạng SV sau khi được nhận vào làm đã không “kham” nổi cường độ lao động tại đơn vị, phải bỏ việc.

“Đã đến lúc các trường và cả nền giáo dục cần chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm cho SV bên cạnh kiến thức chuyên môn. SV cũng cần chủ động trang bị cho mình những lợi thế trên để rút bớt khoảng cách giữa đào tạo và thực tế”, bà Quan Thanh Thủy nhận xét.

Bà Quan Thanh Thủy, Công ty CP Việt Nam thì góp ý, các trường cũng cần huấn luyện cho SV kỹ năng khi tìm việc làm, như đi phỏng vấn. Ngoài những thông tin cơ bản về doanh nghiệp, vị trí dự tuyển, SV cũng cần chú ý đến tác phong, trang phục. Đã có một số SV khi vào phỏng vấn đã “xuề xòa” với chiếc quần jean, áo thun không cổ, đi dép lê, SV nữ trang điểm quá đậm… gây mất “điểm” trước nhà tuyển dụng.

Nam Hà

 

 

 

Tin xem nhiều