Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng nghiệp

09:12, 10/12/2012

Trong lễ khai giảng tại một trường cao đẳng nghề, một giảng viên người Đức nhận xét: “Không hiểu vì sao ở Việt Nam, các bậc cha mẹ và ngay cả học sinh lại chỉ muốn học đại học, không thích học nghề”.

Trong lễ khai giảng tại một trường cao đẳng nghề, một giảng viên người Đức nhận xét: “Không hiểu vì sao ở Việt Nam, các bậc cha mẹ và ngay cả học sinh lại chỉ muốn học đại học, không thích học nghề”. Ông cho biết, ở Đức, trong số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có đến 60-70% chọn vào các trường nghề, số còn lại là những học sinh thật sự giỏi mới quyết định vào học tại các trường đại học, cao đẳng. Sự lựa chọn này rất nhẹ nhàng, cha mẹ tôn trọng quyết định của con cái, không ép; học sinh chọn trường nghề cũng không mặc cảm tự ti.

Câu chuyện này lại làm nhớ đến chuyện chỉ tiêu phân luồng 35% học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường nghề của Bộ GD-ĐT. Nếu so với tỷ lệ mà vị giảng viên người Đức đã nêu, thì chỉ tiêu này chỉ bằng một nửa. Rõ ràng, tư tưởng “trọng thầy hơn trọng thợ” vẫn còn ăn quá sâu trong suy nghĩ, nhận thức của xã hội Việt Nam, từ đó, vì mong muốn cho con vào đại học nên tìm cách nhồi nhét kiến thức bằng cách “chạy sô” học thêm hết môn này đến môn khác. Nhưng công bằng mà xét, thì việc học sinh không muốn vào trường nghề, còn do mức thu nhập, đãi ngộ, trọng dụng của xã hội đối với lao động kỹ thuật chưa thỏa đáng so với nhu cầu. Mất 2-3 năm miệt mài trong trường nghề, nhưng thu nhập không hơn được lao động phổ thông bao nhiêu, rõ ràng bài toán đầu tư này chưa có hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo một số trường nghề hiện nay vẫn còn khoảng cách so với nhu cầu của doanh nghiệp.

Như vậy, để giải bài toán định hướng nghề nghiệp, rõ ràng không thể chỉ “ấn” chỉ tiêu, mà phải có sự nỗ lực từ nhiều phía, từ thay đổi nhận thức xã hội đến nâng cao chất lượng đào tạo của các trường nghề. Điều này nếu thực hiện được sẽ còn góp phần làm giảm nhiều áp lực cho ngành GD-ĐT lẫn xã hội.

Hà Lam

 

 

Tin xem nhiều