Được thực hiện thí điểm tại 82 trường tiểu học (TH) trong toàn tỉnh từ năm học 2011-2012, bước vào năm thứ hai, chương trình tiếng Anh tiểu học mới đã bộc lộ nhiều bất cập do thiếu sự đồng bộ.
Được thực hiện thí điểm tại 82 trường tiểu học (TH) trong toàn tỉnh từ năm học 2011-2012, bước vào năm thứ hai, chương trình tiếng Anh tiểu học mới đã bộc lộ nhiều bất cập do thiếu sự đồng bộ.
Một tiết học Tiếng Anh mới ở Trường tiểu học Tân Phong B (TP. Biên Hòa). Ảnh: T. Thúy |
Cô Nguyễn Thị Thu Định, cán bộ Phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa nhận xét, sau khi triển khai giảng dạy tại 21 trường TH trên địa bàn, chương trình đã có một số tác động tích cực trong việc giảng dạy tiếng Anh cho học sinh. So với chương trình cũ, chương trình mới nhẹ nhàng, phù hợp với đối tượng học sinh lớp 3 bởi vận dụng nhiều phương pháp trực quan sinh động, như: tranh ảnh, xem phim, nghe bài hát, chơi trò chơi. Với chương trình này, học sinh được tăng cường các kỹ năng nghe, nói, được luyện cách phát âm chuẩn - vốn là điểm yếu từ trước đến nay trong việc học tiếng Anh. Tuy nhiên, chương trình này lại đang bị hạn chế bởi thiếu giáo viên (GV) đạt chuẩn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cần thiết cho việc giảng dạy.
* Vác máy cassette chạy vòng
Cô Huỳnh Thị Thu Trang, GV tiếng Anh tại Trường TH Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, để giảng dạy theo chương trình mới cần phải có phòng bộ môn Tiếng Anh để GV có thể linh động biến lớp học thành nơi chơi mà học. Song song đó, cần phải có các trang thiết bị tối thiểu, như: màn hình LCD, máy chiếu (projector), máy nghe đĩa CD, máy vi tính có trang bị tai nghe, bảng tương tác… Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai tại trường, các trang thiết bị đó vẫn còn “trong mơ”, kể cả phòng bộ môn. Giờ dạy môn Tiếng Anh của cô Trang hiện nay vẫn thực hiện ở các lớp học. Trang thiết bị duy nhất mà cô được sử dụng để giảng dạy là chiếc máy cassette đời cũ. “Suốt cả năm qua, đến giờ dạy là tôi xách cái máy cassette chạy lòng vòng các lớp. Giờ, tôi cũng không dám mơ ước gì nhiều, chỉ ước có cái màn hình LCD thôi cũng được để tôi có thể kết nối với laptop, giảng dạy cho học sinh được sinh động hơn”, cô Trang thổ lộ.
Năm học 2011-2012, chương trình tiếng Anh TH mới triển khai tại 82 trường với 357 lớp 3 cho 12.659 học sinh. Do những khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, bước vào năm học 2012-2013, dù nhiều GV vẫn đánh giá rằng chương trình mới hữu dụng, hiệu quả hơn, nhưng tiến độ áp dụng giảng dạy chương trình mới tại các trường đã có dấu hiệu sụt giảm. Hiện, ở khối lớp 3 theo học chương trình mới chỉ còn 340 lớp với 11.769 học sinh (có 37 lớp với 1.079 học sinh đã trở về học chương trình cũ). Địa phương có nhiều trường trở về chương trình cũ là Trảng Bom và Nhơn Trạch. |
Ở huyện Vĩnh Cửu, trong 6 trường TH giảng dạy theo chương trình mới, chỉ có 4 trường có phòng bộ môn. Với 38 lớp đang theo học chương trình mới (19 lớp 3, 19 lớp 4), các trường chỉ có 9 máy nghe đĩa CD, 6 máy chiếu, 4 màn hình LCD. Tương tự, ở huyện Cẩm Mỹ, Phó trưởng phòng GD-ĐT Bùi Thị Vinh cho biết, trong 2 trường triển khai chương trình thì chỉ Trường TH Xuân Đường có phòng bộ môn, còn Trường TH Long Giao vẫn phải linh động vác máy cassette chạy lòng vòng. “Đầu năm học mới, Trường TH Long Giao được cấp cho 30 bộ tai nghe để học Tiếng Anh, nhưng có tai nghe mà không có phòng máy, học sinh cắm vào đâu để nghe? Đành cất vào kho, nhưng chúng tôi cảm thấy rất tiếc”, cô Vinh băn khoăn.
Ngay tại TP. Biên Hòa, tình trạng cũng tương tự. Cô Phan Mỹ Dung, GV Trường TH Lê Thị Vân cho biết, trường có phòng dành cho bộ môn Tiếng Anh nhưng… trống trơn. Cả trường có 1 máy chiếu nhưng các bộ môn khác cũng dùng chung nên không thể đặt cố định, mỗi lần có tiết dạy cô lại phải mượn máy mang đến, dạy xong phải vác đi trả. Theo thống kê, 21 trường trên địa bàn TP. Biên Hòa dạy chương trình Tiếng Anh TH mới hiện chỉ có 3 màn hình LCD.
* Chỉ có 7,7% giáo viên đạt chuẩn
Theo ông Nguyễn Đạt, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT), tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường giảng dạy thí điểm chương trình rất đáng báo động. Trong 82 trường chỉ có 38 trường có phòng bộ môn Tiếng Anh, trong đó nhiều phòng “có vỏ mà không có ruột” như trường hợp Trường TH Lê Thị Vân. Ngay đô thị lớn như TP. Biên Hòa lại càng thiếu phòng bộ môn Tiếng Anh, cả thành phố chỉ có duy nhất 1 phòng. Các trang thiết bị khác cũng rất thiếu, như màn hình LCD chỉ có 37 cái, không đủ cho mỗi trường một cái; máy nghe đĩa CD được 112 cái, chưa đủ cho GV mỗi người một máy; máy chiếu được 83 cái (gồm 2 loại projector và O.H) nhưng nhiều máy đã bị hư, chất lượng rất kém không thể sử dụng được.
Về nguồn nhân lực để thực hiện chương trình, trình độ nhiều GV dạy tiếng Anh vẫn chưa đạt chuẩn theo yêu cầu. Qua khảo sát trong 182 GV giảng dạy chương trình mới, số GV đạt trình độ B2 trở lên (trình độ chuẩn) chỉ chiếm 7,7%. Nếu tính luôn số GV có trình độ “tiệm cận” chuẩn (B1), tỷ lệ này cũng chỉ đạt 43,4%, còn lại mới dừng ở trình độ A1, A2. Số GV đạt trình độ C chỉ có 2 người. “Ở các trường TH hiện nay rất ít GV dạy Tiếng Anh, không đủ thành lập tổ bộ môn nên các GV khó tổ chức dự giờ, trao đổi về chuyên môn để nâng cao tay nghề. Hơn nữa, hầu hết các GV đều được đào tạo để giảng dạy ở bậc THCS nên chưa nắm bắt được đặc điểm tâm sinh lý của học sinh TH, do đó còn nhiều lúng túng trong việc lựa chọn phương pháp phù hợp”, cô Thu Trang, GV Trường TH Tân Triều nhận xét.
Thanh Thúy