Dù các ngành chức năng của TP.Biên Hòa đã có nhiều nỗ lực trong quản lý nhưng trên thực tế việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là bài toán nan giải.
Dù các ngành chức năng của TP.Biên Hòa đã có nhiều nỗ lực trong quản lý nhưng trên thực tế việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là bài toán nan giải.
Chỉ tính trong 2 tháng cao điểm trước, trong và sau Tết vừa qua, ngành chức năng TP.Biên Hòa đã phối hợp với các đơn vị và địa phương tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh - an toàn thực phẩm (VS-ATTP) tại 1.300 trên tổng số hơn 4.200 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các mặt hàng thực phẩm. Qua đó, các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý gần 100 trường hợp vi phạm về các điều kiện đảm bảo VS-ATTP. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: Vệ sinh môi trường xung quanh còn bẩn; nhiều nguyên liệu sản xuất không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; công nhân tham gia sản xuất chưa được trang bị kiến thức, chưa có bảo hộ lao động; gian lận trong nhãn mác và quảng cáo thực phẩm…
Hàng rong bày bán ở khu vực trước cổng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: K.THIẾT |
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Trai, Phó giám đốc Trung tâm y tế TP.Biên Hòa, việc kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm còn nhiều hạn chế. Việc kiểm tra cũng chỉ tập trung được vào những thời gian cao điểm theo mùa như tết, trung thu, hay khi các cơ quan liên quan phát hiện, nghi ngờ sản phẩm không đảm bảo VS-ATTP. Đó là chưa kể năng lực kiểm tra của các đoàn kiểm tra cấp phường, xã còn hạn chế về chuyên môn, chưa phát hiện được những gian dối che giấu hành vi, vi phạm rất tinh vi của các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm.
Trong khi đó, thức ăn đường phố, nhất là hàng rong được xác định là một trong những nguyên nhân chính phát sinh nhiều dịch bệnh nguy hiểm vẫn tiếp tục diễn ra rất phức tạp và chưa có biện pháp hữu hiệu để hạn chế. Hàng trăm gánh hàng rong và điểm bán thức ăn đường phố với đủ các loại món ăn, như: bún rêu, bánh mì, bánh canh, hủ tiếu, nước giải khát, chè phẩm màu các loại được chế biến một cách đơn giản lại bảo quản trong những vật dụng thô sơ vẫn hiên ngang bày bán công khai hàng ngày trên nhiều tuyến đường của TP.Biên Hòa.
Theo ngành y tế Biên Hòa, trên địa bàn thành phố hiện có trên 2.500 cơ sở, điểm bán thức ăn đường phố. Con số này nhiều hơn cả tổng số điểm bán thức ăn đường phố của các huyện, thị trong toàn tỉnh cộng lại. Ngành y tế thành phố đã nhiều lần lên phương án quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố nhưng thực tế chưa thể kiểm soát nổi về chức năng đảm bảo VS-ATTP.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Trai, hiện nay mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở là chính chứ chưa áp dụng được các biện pháp chế tài vì những người tham gia bán thức ăn đường phố là những người nghèo kiếm sống hàng ngày, rất khó xử lý. Đồng thời, nhân lực quản lý của ngành chức năng và địa phương vẫn còn hạn chế so với quy mô thức ăn đường phố hiện nay; một bộ phận người dân vẫn dễ dãi trước thức ăn đường phố. Trong tình hình hiện nay, điều quan trọng là mỗi người dân cần nâng cao ý thức về VS-ATTP nhằm đảm bảo sức khỏe cho chính mình và gia đình mình...
Khắc Thiết