Trong tổng số trên 30 ngàn chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011-2012, chỉ có gần 20 ngàn em vào học các trường công lập, chiếm gần 72%, số còn lại sẽ có lựa chọn khác để học phổ thông.
Trong tổng số trên 30 ngàn chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011-2012, chỉ có gần 20 ngàn em vào học các trường công lập, chiếm gần 72%, số còn lại sẽ có lựa chọn khác để học phổ thông.
Ông Nguyễn Thiệp, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Còn nhiều mô hình trường lớp để những em này có thể học lớp 10, như: các trường dân lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp chuyên nghiệp… Tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình cũng như trình độ học vấn của từng học sinh mà các em tự chọn cho mình chương trình học phù hợp. Dù học theo hình thức nào, nếu các em có động cơ tốt thì sẽ gặt hái được thành công”.
* Lựa chọn nhiều cơ hội
Theo tin từ Sở GD-ĐT, năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 63 trường THPT công lập và trường ngoài công lập; 12 trung tâm giáo dục thường xuyên (1 trung tâm tuyến tỉnh và 11 trung tâm thuộc 11 huyện, thị, thành trong tỉnh) và 18 trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, các trường cao đẳng, đại học nhận học sinh lớp 10.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại hội đồng thi Trường THPT Ngô Quyền. Ảnh: B. Hường
Có trường tuyển đầu vào học sinh với điều kiện khá gắt gao. Chẳng hạn như Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, học sinh dự thi phải đảm bảo các điều kiện sau: năm lớp 9 có hạnh kiểm tốt, đạt học tập loại khá trở lên; điểm tổng kết bộ môn thi chuyên các môn khoa học tự nhiên phải đạt từ 8,0 trở lên và 7,0 trở lên đối với các môn khoa học xã hội. Học sinh thi vào lớp chuyên tin học, môn thi chuyên là môn toán, điểm tổng kết môn toán năm lớp 9 đạt từ 8,0 trở lên. Tiếp đến là 10 trường THPT công lập trọng điểm trong tỉnh có tổ chức thi tuyển. Tỷ lệ chọi của các trường đều khá cao. Tham dự vào các trường này hầu hết là những học sinh có học lực khá, giỏi.
Tuy nhiên, nếu học sinh sau khi tham dự 2 kỳ thi vào Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh và 10 trường THPT công lập không đạt còn có sự lựa chọn khác là nộp đơn xét tuyển vào các trường THPT công lập còn lại và các trường THPT ngoài công lập. Tùy theo từng điều kiện cụ thể gia đình sẽ lựa chọn hình thức học cho phù hợp.
* Phù hợp hoàn cảnh
Những gia đình có điều kiện về kinh tế thường lựa chọn cho con em mình vào học các trường ngoài công lập. Với những gia đình hạn hẹp về tài chính, học sinh phải vừa học vừa làm thì hệ giáo dục thường xuyên là một lựa chọn khả thi. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại lo lắng về chất lượng giảng dạy cũng như nề nếp kỷ luật ở hệ này. Về vấn đề này, ông Huỳnh Như Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT) cho biết: “Trong số 12 trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh hiện nay có 8 trung tâm được xây mới khang trang, 3 cơ sở chưa được xây mới. Tuy nhiên, các trung tâm đều đảm bảo đủ các điều kiện dạy và học. Học sinh có nhu cầu học đều được đáp ứng, không yêu cầu về hộ khẩu thường trú nên học sinh có thể tự do đăng ký vào học nơi nào có uy tín. Học phí hệ này được áp dụng chung với mức 50 ngàn đồng/tháng”. Ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, cho biết: “Một số học sinh của trường sau khi tốt nghiệp đã thi đậu vào các trường đại học chính quy và trở thành giáo viên hiện giảng dạy tại một số trường THPT công lập trọng điểm của tỉnh”.
Ngoài ra, các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng hoặc đại học cũng là những địa chỉ tiếp nhận học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 năm nay. Theo học tại các trường này, sau khi tốt nghiệp, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT để có thể thi đại học, cao đẳng nếu có khả năng, vừa có trong tay bằng nghề…
Bích Hường