Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình hình sức khỏe của 30 người tiếp xúc với những con hổ chết tại Khu du lịch Vườn Xoài ra sao?

Hạnh Dung
09:50, 02/10/2024

(ĐN) - Ngày 2-10, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin về nhiều con hổ ở Khu du lịch Vườn Xoài chết, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan để điều tra nguyên nhân. Đồng thời, theo dõi sức khỏe những người đã tiếp xúc với những con hổ này.

Hổ Bengal ở Khu du lịch Vườn Xoài, phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa. Ảnh: V.X
Hổ Bengal ở Khu du lịch Vườn Xoài, phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa. Ảnh: V.X

Theo đó, qua điều tra có tổng cộng 30 người đã tiếp xúc với những con hổ chết. Hiện nay, những người này có sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận ai có triệu chứng viêm đường hô hấp. Lực lượng thú y cũng đã lấy mẫu 2 cá thể hổ chết để làm xét nghiệm cúm A/H5N1. Khi nào có kết quả chính xác, ngành y tế sẽ thông báo sau.

Như Báo Đồng Nai đã đưa tin, trong vòng 3 tuần, tính đến ngày 1-10, đã có 17 con hổ và 1 con báo đen ở Khu du lịch Vườn Xoài đã bị chết chưa xác định nguyên nhân chính thức, bước đầu ghi nhận một số con hổ bị viêm phổi. Hiện tại khu du lịch này còn 35 con hổ Bengal còn sống, đang được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt.

Trước đó, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có thông báo về việc ghi nhận 27 con hổ ở vườn thú Mỹ Quỳnh (tỉnh Long An) chết trong khoảng thời gian từ tháng 8-2024 đến ngày 16-9-2024. Mẫu xét nghiệm những con hổ này cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N1. Đáng lưu ý, trong số 27 con hổ này có 3 con được nhập về từ Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (Đồng Nai) ngày 6-9-2024.

H5N1 là một loại virus cúm A có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm, chính vì thế mà H5N1 còn có tên là cúm gia cầm. Cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người. Khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%.

Virus H5N1 có thể lây nhiễm và phát bệnh ở người khi chúng ta có tiếp xúc với gia cầm mang bệnh mà không có biện pháp bảo vệ. Một số việc làm có thể khiến con người bị nhiễm bệnh như: tiếp xúc, đụng chạm vào gia cầm bị bệnh; chạm hoặc hít phải các chất tiết gia cầm bị bệnh; tiếp xúc (giết mổ, chế biến với nguồn thịt bị nhiễm bệnh; ăn thịt gia cầm hoặc trứng không nấu chín.

Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như chưa có vaccine phòng bệnh.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều