(ĐN)- Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cho bệnh nhân Đ.T.V. (57 tuổi, ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) bị nhồi máu cơ tim nặng. Đây là kỹ thuật rất khó thực hiện, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ tay nghề cao.
Bác sĩ khám sức khỏe cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật thành công |
Ông V. cho biết, năm 2006, ông từng bị nhồi máu cơ tim nhưng chỉ uống thuốc điều trị, không can thiệp. Cách đây ít ngày, ông V. đi ngủ thì thấy người vã mồ hôi, mắt mờ dần, đau ngực dữ dội, mệt lả, được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.
TS-BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, tại Khoa Tim mạch can thiệp, bệnh nhân được chụp mạch vành và được chẩn đoán bị hẹp 3 nhánh mạch vành mức độ nặng, cần phẫu thuật.
Hội đồng mổ tim của bệnh viện sau đó đã hội chẩn và quyết định thực hiện phẫu thuật bắc cầu mạch vành cho bệnh nhân. Do bệnh nhân có nguy cơ cao (chức năng co bóp cơ tim khá kém, bị đái tháo đường không được kiểm soát tốt, hút thuốc lá nhiều) nên bệnh viện đã mời các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy xuống Đồng Nai cùng thực hiện ca phẫu thuật.
Trong khoảng 4 giờ đồng hồ, bác sĩ phẫu thuật đã mở ngực đường giữa xương ức của bệnh nhân, 1 ê kíp lấy những động mạch ở trong thành ngực bệnh nhân, 1 ê kíp khác lấy tĩnh mạch chân của bệnh nhân để làm cầu nối vào trong các điểm mạch vành, đảm bảo tái tưới máu cơ tim tốt nhất cho bệnh nhân. Các bác sĩ cũng không sử dụng máy tim phổi nhân tạo để giúp bệnh nhân hồi phục tốt hơn, nhanh hơn, tiết kiệm chi phí.
Do bệnh nhân có nguy cơ cao nên quá trình gây mê rất khó, phải sử dụng thuốc gây mê sao cho bệnh nhân không bị tụt huyết áp, nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp. Vì vậy, theo BS Tuấn Anh, vai trò của ekip gây mê là rất quan trọng trong suốt quá trình phẫu thuật. Đến sáng 19-9, bệnh nhân không còn đau ngực, ăn uống, đi lại bình thường và tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin