Đồng Nai có nhiều khu dân cư được hình thành trên các lòng hồ, ven sông và ven rừng. Đời sống người dân tại những nơi này đa phần là khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi so với những khu dân cư khác.
![]() |
Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên làng bè xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) nhận quà từ mạnh thường quân do Hội Chữ thập đỏ tỉnh kết nối. Ảnh:V.Truyên |
Cùng với các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước, người dân sinh sống tại những khu vực này còn nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ cộng đồng.
Đưa ánh sáng đến nhà bè
Anh Nguyễn Văn Lợi về xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) từ Campuchia vào năm 2007. Hiện anh đã có gia đình riêng và định cư ở nhà bè trên lòng hồ Trị An thuộc xã Phú Lý.
Anh Lợi cho hay, khi trở về, anh được Nhà nước tạo điều kiện để hoàn thiện các loại giấy tờ liên quan. Sau thời gian làm nghề đánh cá, làm thuê cho các gia đình có vườn trái cây trên bờ, anh tích lũy và có nhà bè để làm nơi ở cho gia đình.
“Cuộc sống trên nhà bè thiếu thốn hơn trên đất liền, nhất là điện dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Các thiết bị gia đình đều xài bằng bình ắc quy. Để giải quyết khó khăn này, nhiều gia đình có điều kiện đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, còn những gia đình còn khó khăn như tôi chưa làm được điều này. Nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng, gia đình tôi được tặng một bộ pin năng lượng mặt trời để tạo năng lượng sử dụng tại nhà”.
Đồng Nai có 24 xã thuộc xã khu vực I vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, tỉnh còn có 58 ấp dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 43 xã được công nhận theo Quyết định số 479/QĐ-UBDT ngày 30-7-2024. Số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hiện còn 1,75 ngàn hộ.
Gia đình anh Lợi là một trong số rất nhiều hộ sống trên các nhà bè khu vực lòng hồ Trị An được hỗ trợ hệ thống năng lượng mặt trời sử dụng trong sinh hoạt gia đình.
Cách nhà bè của anh Lợi không xa, lớp học tình thương tại khu vực nhà bè xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) đang có 30 trẻ em theo học. Trẻ đến lớp ngoài được học văn hóa, còn được lo ăn trưa miễn phí. Ngoài ra, để việc học của các em thuận tiện hơn, nhiều nhà hảo tâm đã giúp xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời ngay tại nhà bè. Nhờ có nguồn năng lượng này mà quạt máy và đèn chiếu sáng được bật xuyên suốt thời gian trẻ em học tập trung tại nhà bè. Ngoài ra, tivi cũng được trang bị để trẻ em trong làng bè tìm đến cùng xem phim hoạt hình, phim thiếu nhi.
Em Nguyễn Thúy Diễm (đang theo học chương trình lớp 2 tại lớp học tình thương trên khu vực làng bè xã Thanh Sơn) cho hay, chiều cao của nhà bè rất thấp và mái thường bằng tôn nên buổi trưa trên nhà bè rất oi bức. Khi nhà bè có điện năng lượng mặt trời, các cô chú lắp thêm máy quạt nên cả lớp học rất mát mẻ.
Địa chỉ ưu tiên của hoạt động nhân đạo
Theo Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nguyễn Thị Phương Anh, thông qua Chương trình An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn, hội đã vận động nhà hảo tâm tặng quà, tiền hỗ trợ sinh kế cho 16 hộ ngư dân nghèo và 200 phần quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn sinh sống ven lòng hồ Trị An thuộc xã La Ngà (huyện Định Quán) và khu vực ven sông Đồng Nai thuộc xã Tà Lài (huyện Tân Phú) với tổng trị giá 145 triệu đồng. Riêng trong quá trình triển khai Chương trình Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật, hội đã phối hợp với các nhà tài trợ trao tặng quà, học bổng, sữa bột... cho 19 ngàn trẻ em, trị giá trên 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều đoàn từ thiện, cơ sở tôn giáo đều quan tâm đến đồng bào sinh sống ở những khu vực khó khăn này. Như ngày 1-3, đại đức Thích Nguyên Thông, Phó trưởng ban Từ thiện xã hội Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, cùng các mạnh thường quân đã tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn sinh sống trên các làng bè, người dân là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số hoàn cảnh khó khăn tại các xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu).
Theo đại đức Thích Nguyên Thông, qua nắm bắt thông tin từ các chức sắc Phật giáo tại địa phương, ông được biết hoàn cảnh bà con nơi đây còn nhiều khó khăn. Từ đó, ông vận động phật tử chung tay đóng góp để tổ chức tặng quà giúp đỡ bà con.
Phó chủ tịch UBND xã Phú Lý Đặng Thị Lương cho hay, xã còn nhiều trường hợp khó khăn cần hỗ trợ. Cùng với các chính sách của Nhà nước, thời gian qua, nhân dân trong xã nhận được sự chia sẻ của các nhà hảo tâm, nhờ vậy mà cuộc sống của bà con giảm bớt nhiều khó khăn.
Tương tự, thời gian qua, giáo xứ Xuân Trường (ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) cũng đã tổ chức hoạt động từ thiện nhân đạo trợ giúp bà con địa phương. Một trong số đó là đều đặn 2 tháng/lần, giáo xứ trao tặng 100 phần quà là thực phẩm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, để giúp trẻ em và cả người lớn có nơi giải trí, giáo xứ lắp đặt xích đu, cầu trượt, nhà hơi, nhà banh cho trẻ chơi miễn phí.
Hay Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh còn huy động nguồn lực phi chính phủ nước ngoài để trợ giúp cho bà con. Trong đó, năm 2024, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh hợp tác với 30 lượt tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các nhà tài trợ khác triển khai 30 khoản viện trợ với tổng giá trị cam kết tài trợ trên 91,7 tỷ đồng. Phần lớn nguồn viện trợ này được sử dụng để xây dựng nhà ở, lắp đặt hệ thống nước sạch hộ gia đình và ở trường học, hỗ trợ học bổng… cho học sinh ở các xã còn gặp nhiều khó khăn, xã tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Văn Truyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin