Báo Đồng Nai điện tử
En

Giờ ra chơi không điện thoại

Hải Yến
07:15, 11/01/2025

Hiện nay, nhiều trường trung học phổ thông (THPT) đã đề ra quy định không cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường học, trừ khi giáo viên cho phép sử dụng trong tiết học cụ thể hoặc khi có việc gấp cần liên hệ với gia đình. Nhờ đó, những giờ ra chơi không điện thoại đã thu hút học sinh tham gia các trò chơi, phong trào chung của trường, lớp.

Giáo viên và học sinh Trường trung học phổ thông Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) chơi trò múa sạp trong giờ ra chơi.
Giáo viên và học sinh Trường trung học phổ thông Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) chơi trò múa sạp trong giờ ra chơi. Ảnh: NTCC

Giờ ra chơi không điện thoại đang là mô hình được lan tỏa ở các trường THPT. Nhiều ý tưởng, cách làm hay đã được áp dụng để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh.

Trang bị tủ đựng điện thoại cho học sinh

Ngày 15-9-2020, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, trong đó quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Theo quy định này, việc sử dụng điện thoại trong lớp học về cơ bản là hành vi bị cấm.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) Vũ Ngọc Cường, nhà trường không thể cấm học sinh mang điện thoại lên trường, mà cấm học sinh sử dụng điện thoại bằng cách trang bị tủ đựng điện thoại cho học sinh. Mỗi lớp học được trang bị một tủ điện thoại gồm gần 50 ngăn và có khóa tủ, mỗi học sinh để điện thoại trong một ngăn riêng. Người thiết kế và làm tủ đựng điện thoại này chính là cựu học sinh của trường. Khi đến trường, học sinh sẽ cất điện thoại vào tủ, lớp có phân công người giữ chìa khóa. Chỉ khi giáo viên cho phép dùng điện thoại vào mục đích học tập hoặc học sinh có việc gấp cần liên hệ với gia đình thì mới được lấy điện thoại ra. 

Cách làm này của Trường THPT Xuân Thọ đã được một số trường THPT học hỏi, thực hiện theo và nhận được sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh học sinh.

Tăng kết nối, tăng cảm xúc

Khi không được sử dụng điện thoại trên trường, giờ ra chơi của học sinh trở nên vui vẻ, nhộn nhịp, hào hứng và gắn kết hơn. Để tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh, Trường THPT Xuân Thọ đã phát động chơi các trò chơi vận động, trò chơi dân gian, trong đó có nhảy sạp, nhảy dây tập thể.

Cô Đặng Ngọc Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A8, Trường THPT Xuân Thọ, cho biết lớp 10A8 có 45 học sinh. Khi nhà trường triển khai các trò chơi dân gian vào giờ ra chơi để tạo không khí, tinh thần đoàn kết thì lớp rất vui, hồ hởi và nhiệt tình hưởng ứng, nhất là trò nhảy sạp.

Cấm học sinh sử dụng điện thoại khi ở trường được xem là giải pháp giúp học sinh tập trung hơn trong học tập, ghi nhớ bài giảng và kết nối với thầy cô, bạn bè, mang lại hiệu quả cao hơn cho việc học tập và sinh hoạt ngoại khóa.

“Nhà trường chuẩn bị 2 cây sạp chính, còn lớp tự chuẩn bị các cây sạp nhỏ. Khi giáo viên chủ nhiệm nhắn thông tin này lên nhóm Zalo của phụ huynh trong lớp thì lập tức có một phụ huynh tài trợ bộ nhảy sạp cho lớp và lớp 10A8 là lớp đầu tiên chơi trò nhảy sạp trong giờ ra chơi” - cô Hà kể.

Theo cô Hà, để khuyến khích học sinh tham gia trò chơi, cô trực tiếp hướng dẫn học sinh cách chơi và chơi cùng các em. Giáo viên và học sinh các lớp khác thấy vui nên cùng tham gia. Ngoài trò nhảy sạp, học sinh của lớp cô Hà cũng rất thích trò chơi nhảy dây tập thể. Trò này không chỉ thu hút học sinh nữ, mà các nam sinh cũng tham gia.

Để học sinh hào hứng hơn, Trường THPT Xuân Thọ dự định tổ chức cuộc thi các trò chơi liên hợp để các lớp thi đua trong đợt Hội trại Mùa xuân. Trước thông tin này, các học sinh càng tích cực tham gia các trò chơi dân gian nhiều hơn.

Tại Trường THPT Định Quán (huyện Định Quán), nhà trường trang bị cho mỗi lớp 1 bộ cờ vua, 1 bộ cờ tướng, 1 quả cầu để học sinh chơi. Ngoài ra, ở sân trường còn có các trò chơi nhảy dây, bóng chuyền…

Em Trịnh Thị Kim Ngọc, học sinh lớp 12A1, bày tỏ: “Em cảm thấy giờ ra chơi không điện thoại rất bổ ích vì có thể kết nối với bạn bè, cùng chơi các trò chơi dân gian. Chúng em tâm sự cùng nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn. Đối với học sinh cuối cấp, chúng em sẽ có thêm nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi học trò. Không biết các bạn khác thế nào chứ với riêng em, nhờ không dùng điện thoại ở trường nên em đã hình thành thói quen ít sử dụng điện thoại hơn. Ở nhà em cũng ít cầm điện thoại mà trò chuyện với người thân nhiều hơn và tập trung vào việc học hơn”.

Kim Ngọc chia sẻ thêm, lớp của em đang tích cực luyện tập môn bóng đá để thi đấu với các lớp khác. Những bạn không tham gia đá bóng vẫn theo chân các bạn đi cổ vũ cho các buổi tập luyện.

Trường THPT Trị An (huyện Vĩnh Cửu) mới triển khai giờ ra chơi không điện thoại được 3 tuần. Trường có 1,3 ngàn học sinh, sân trường có nhiều cây xanh và khá rộng rãi nên có thể đảm bảo không gian vui chơi cho học sinh. Nhà trường đã trang bị cầu lông, bóng chuyền, cầu mây… để học sinh chơi. Tất cả những đồ dùng, đồ chơi này được để trong Văn phòng Đoàn trường và Phòng Quản sinh. Học sinh chủ động mượn vào giờ ra chơi và trả lại sau khi chơi xong.

Hải Yến

Từ khóa:

sử dụng điện

Tin xem nhiều