Báo Đồng Nai điện tử
En

Thích nghi với quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông mới

Công Nghĩa
07:25, 30/12/2024

Sau nhiều ý kiến đóng góp, Bộ Giáo dục và đào tạo đã chốt và ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025 với mục tiêu hướng đến một kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh.

Học sinh lớp 12 Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn (thành phố Biên Hòa) trong giờ học môn Ngữ văn.
Học sinh lớp 12 Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn (thành phố Biên Hòa) trong giờ học môn Ngữ văn. Ảnh:Tuấn Anh

Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có những điểm mới như giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi, đồng thời điểm xét tốt nghiệp cũng có nhiều thay đổi khi tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30 lên 50%, chứng chỉ ngoại ngữ không được quy đổi thành điểm 10, thí sinh có chứng chỉ nghề sẽ không còn được cộng điểm…

Quy chế thi đã giảm áp lực?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ là kỳ thi đầu tiên thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, vì vậy quy chế thi mới được cả thí sinh, nhà trường và phụ huynh quan tâm. Hiệu trưởng nhiều trường THPT cho rằng, quy chế thi mới đã có sự kế thừa những điểm tích cực của quy chế thi những năm gần đây, giảm được số ngày thi và môn thi, từ đó giảm áp lực cho học sinh, địa phương trong quá trình tổ chức thi. Kỳ thi hướng đến đánh giá thực chất chất lượng dạy và học.

Không học chương trình giáo dục phổ thông mới, thí sinh thi ra sao?

Với những thí sinh không học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mà học chương trình giáo dục phổ thông trước đây sẽ được dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình cũ. Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ xây dựng 2 bộ đề thi (1 bộ đề thi theo chương trình cũ và 1 bộ đề thi theo chương trình 2018) để phù hợp với từng “thế hệ” thí sinh.

Với quy chế thi mới, nhiều thí sinh tỏ ra phấn khởi khi cơ cấu điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2025 có lợi cho thí sinh có học lực từ khá trở lên. Điểm học bạ quá trình học THPT sẽ tăng từ 30% lên 50% khi xét tốt nghiệp, 50% tỷ lệ điểm còn lại là kết quả thi tốt nghiệp THPT. Do đó, với thí sinh có kết quả học bạ khá, giỏi, nếu có kết quả thi tốt nghiệp THPT cao nữa sẽ có được kết quả xét tốt nghiệp trọn vẹn, đồng thời thuận lợi hơn khi xét tuyển vào các trường đại học. Ngược lại với những thí sinh chỉ có kết quả học bạ trung bình, áp lực ở kỳ thi sắp tới càng tăng lên.

Ngoài những thay đổi có tác động lớn đến kết quả tốt nghiệp của học sinh nói trên, có 2 thay đổi nhỏ sẽ có tác động nhất định đến quá trình xét tốt nghiệp THPT của thí sinh. Đó là từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, nếu đủ điều kiện và có nguyện vọng sẽ được miễn thi môn này, tuy nhiên sẽ không còn được quy đổi thành điểm 10 ở môn Ngoại ngữ như các năm trước. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã quyết định bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả thí sinh.

Sẽ đánh giá năng lực thí sinh sát hơn

Hiệu trưởng Trường THPT Long Khánh (thành phố Long Khánh) Nguyễn Duy Bằng cho rằng, vì mục tiêu kép của kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được giữ nguyên nên thí sinh muốn có kết quả thi THPT cao, nhất là muốn dùng để xét tuyển vào đại học thì phải nỗ lực. Thậm chí áp lực xét tuyển vào đại học năm nay còn cao hơn khi nhiều trường đại học, đặc biệt là những trường đại học tốp trên ở Thành phố Hồ Chí Minh đã từ chối xét tuyển học bạ THPT mà chủ yếu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực và điểm thi tốt nghiệp THPT.

Còn Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (thành phố Biên Hòa) Phạm Thị Ngọc Lý cho rằng, nhiều điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 là hợp lý và khoa học. Đơn cử như việc điều chỉnh tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình học sẽ đánh giá sát hơn năng lực học tập của học sinh sau 3 năm học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, khi gia tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình học sẽ khuyến khích học sinh chuyên cần học tập hơn.

Em Nguyễn Tường Vy, học sinh lớp 12 Trường THPT Trấn Biên (thành phố Biên Hòa), cho biết em không lo lắng quá cho mục tiêu đậu tốt nghiệp THPT nhưng lại áp lực với mục tiêu xét tuyển đại học. Lý do là đề thi cho kỳ thi THPT từ năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đề thi sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, có sự liên hệ giữa kiến thức sách vở và cuộc sống đời thường.

Bên cạnh đó, nhiều thí sinh bắt đầu cảm thấy áp lực với môn Ngữ văn, là một trong 2 môn thi bắt buộc. Em Phạm Minh Hùng, học sinh Trường THPT Ngô Sĩ Liên (huyện Trảng Bom), cho hay: “Em khá hồi hộp khi biết đề môn Ngữ văn có thể không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội, vì vậy em sẽ phải quan tâm nhiều hơn, tiếp nhận thông tin từ sách, báo, mạng xã hội để có thể làm bài thi môn Ngữ văn được tốt hơn”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều