Ngày 4-12, Báo Đồng Nai sẽ tổ chức trao học bổng Vượt khó vì tương lai (VKVTL) lần thứ 22 năm học 2024-2025, do Công ty CP Tập đoàn Trường Hải tài trợ.
Em Trần Đỗ Phương Linh (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) chăm chỉ học tập trên lớp. Ảnh: H.Yến |
Năm nay, Chương trình Học bổng VKVTL tiếp tục trao học bổng cho 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên trong học tập. Các em đều là những học sinh chăm ngoan, dù sống trong điều kiện khó khăn, phải chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần so với bạn bè đồng trang lứa nhưng đều tự tin hướng tới tương lai.
Ước mơ giản dị
Em Trần Đỗ Phương Linh, lớp 4A2, Trường tiểu học Mạc Đĩnh Chi (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc), là cô học trò nhỏ nhắn, đáng yêu. Nếu chỉ tiếp xúc sơ qua, không ai có thể ngờ rằng, cô học trò có gương mặt sáng này lại mang trong mình nhiều căn bệnh: tim bẩm sinh (thông liên thất đã phẫu thuật), xẹp phổi, thalassaemia. Những căn bệnh này khiến Phương Linh phải thường xuyên đi tái khám, thậm chí phải nằm viện điều trị. Tuy vậy, em vẫn học tập rất chăm chỉ và đạt thành tích học tập tốt.
Chị Trần Thị Hoài Thương (ấp Suối Cát 1, xã Suối Cát), mẹ của Phương Linh, kể: “Bé rất ham học. Mới đợt kiểm tra giữa học kỳ vừa rồi bé bị sốt, vợ chồng tôi bảo con nghỉ thi để đi khám bệnh rồi về xin cô cho thi sau mà bé không chịu. Vậy là vợ chồng tôi đưa cháu lên trường, chồng thì đứng đợi ở cổng trước, vợ thì đứng đợi ở cổng sau. Canh con vừa làm bài xong là tức tốc chở con đi bệnh viện”.
Hơn 20 năm qua, các suất học bổng VKVTL đã giúp nối dài ước mơ học tập cho hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh.
Cũng chỉ cách đây chưa đầy 1 tháng, do sốt cao cộng với thiếu máu, Phương Linh bị ngất xỉu khi đang chơi ở nhà. Phương Linh được nhập viện, truyền 2 bịch máu và nằm điều trị 1 tuần. Dù vậy, sau khi xuất viện, Phương Linh vẫn theo kịp bài vở với bạn bè trên lớp.
Cô Bùi Thị Sáu, giáo viên chủ nhiệm của Phương Linh, nhận xét: “Phương Linh mặc dù bệnh nhưng rất có tinh thần vượt khó, học tập chăm chỉ. Em luôn chủ động chuẩn bị bài mới, tích cực phát biểu trong giờ học, hiểu bài nhanh, tương tác tốt với bạn bè. Với thầy cô thì Phương Linh biết kính trọng, lễ phép”.
Em Trần Đỗ Phương Linh (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) thường lên thư viện đọc sách vào giờ ra chơi. Ảnh: HẢI YẾN |
Không chỉ mang nhiều căn bệnh trong người, hoàn cảnh kinh tế gia đình của cô học trò nhỏ này cũng khá khó khăn. Hiện nay cả gia đình Linh gồm cha, mẹ, Linh và em gái đang ở cùng bà ngoại trong căn nhà tình nghĩa của bà ngoại. Bà ngoại và mẹ của Linh làm công nhân còn cha của em làm thợ cưa cây, công việc không ổn định. Linh lại thường xuyên đau ốm, những lần đi tái khám, nằm viện thì cha là người đồng hành cùng em.
Linh chia sẻ thêm, những lúc phải đi bệnh viện, em không sợ mà chỉ thấy buồn vì không có bạn chơi cùng. Những lúc ấy, em ước mình khỏe lại để được đi học, được gặp bạn bè, thầy cô. Ở trường, do sức khỏe yếu, Linh không tham gia được các trò chơi vận động cùng bạn bè mà chỉ ngồi chơi trong lớp. Những khi các bạn ra chơi hết, phải ở trong lớp 1 mình thì cô học trò nhỏ lại đưa sách vở ra học bài hoặc lên thư viện đọc sách. “Em thích nhất là truyện Cô bé lọ lem vì những cô công chúa trong truyện rất xinh đẹp và hiền”, Linh vui vẻ bày tỏ.
Khi được hỏi về ước mơ, cô học trò nhỏ mân mê đôi bàn tay vẫn còn vết thẹo của những lần lấy ven, truyền máu rồi nói: “Điều mong ước lớn nhất là em có thật nhiều sức khỏe, học thật tốt để cha mẹ vui”.
Nối dài ước mơ của những học trò nhỏ
Cũng như Phương Linh, Đinh Vũ Phúc Lộc, học sinh lớp 4B, Trường tiểu học Đức Trí (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), không may mắn vì ngay từ khi còn trong bụng mẹ đã được xác định mang căn bệnh thận ứ nước. 6 tháng tuổi, Phúc Lộc đã phải phẫu thuật, bị nhiễm trùng phải điều trị dài ngày. Đến khi được 1 năm tuổi, cậu bé lại phải phẫu thuật lần thứ 2.
Chị Vũ Ngọc Huyền (ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3), mẹ của Lộc, tâm sự: “Tính đến nay, Lộc đã phẫu thuật tổng cộng 3 lần, bị cắt mất 1 bên thận và bên thận còn lại vẫn còn bị ứ nước, cứ 6 tháng phải đi tái khám 1 lần ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh)”.
Em Đinh Vũ Phúc Lộc học bài tại nhà. |
Hoàn cảnh gia đình chị Huyền rất khó khăn: chồng mất sớm, bản thân chị đang phải điều trị bệnh ung thư vú, đau đầu. Hiện chị Huyền nuôi 2 con trai và chăm sóc người mẹ chồng đã già yếu. Nguồn thu nhập để nuôi sống 3 mẹ con chị đều nhờ vào việc chị túc tắc may, sửa quần áo nên cuộc sống khá chật vật.
Do bị bệnh thận và điều kiện sức khỏe yếu nên Phúc Lộc thường xuyên đau ốm. Cậu bé học lớp 4 người nhỏ thó so với các bạn. Tuy vậy, Lộc vẫn khá năng động, thích tham gia các trò chơi vận động cùng bạn bè trong giờ ra chơi.
Cô Cao Thị Tâm, chủ nhiệm lớp 4B, Trường tiểu học Đức Trí, cho biết: “Lộc là học sinh ngoan, chăm chỉ. Em luôn cố gắng học và hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, tham gia đầy đủ hoạt động phong trào của lớp”.
Chia sẻ về ước muốn, chị Huyền cho hay: “Bây giờ tôi may vá được đồng nào hay đồng đó. May mắn là Phúc Lộc đi học cũng được thầy cô, nhà trường quan tâm, giúp đỡ. Tôi chỉ cầu mong cho con được mạnh khỏe, không bị suy thận vì thấy cảnh suy thận phải lọc máu tôi rất sợ”.
100 học sinh được nhận học bổng VKVTL là 100 hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Trong đó, nhiều học sinh bị bệnh hiểm nghèo hoặc bị khuyết tật. Như em Nguyễn Lê Phương Anh, lớp 5/5, Trường tiểu học Sông Mây (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu). Phương Anh bị bệnh hàng tháng phải truyền máu, cha làm tự do và không có nhà, cả gia đình đang phải ở trọ.
Hay như em Nguyễn Phan Nhật Hưng, lớp 8/2, Trường trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp (thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom). Hưng bị khuyết tật 2 tay, mẹ bỏ đi khi Hưng còn nhỏ, công việc của cha thì không ổn định. Em hiện sống cùng ông bà nội đã già yếu, nguồn kinh tế chủ yếu dựa vào lương hưu của bà nên cuộc sống rất vất vả.
Nhiều em không chỉ thiệt thòi về điều kiện sống mà còn chịu thua thiệt cả về tinh thần. Nhiều trường hợp mồ côi cha, mẹ, mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc cha, mẹ bỏ đi, không quan tâm con cái.
Đó là trường hợp của em Nguyễn Minh Quân, lớp 9/2, Trường trung học cơ sở Hồ Thị Hương (phường Xuân An, thành phố Long Khánh). Mẹ Quân bỏ em khi em mới sinh, cha cũng không nuôi dưỡng em. Em được bà nội đón về nuôi nấng, chăm sóc. Đến nay bà nội đã 76 tuổi, già yếu không làm việc được nên 2 bà cháu phải nương tựa vào cô, chú.
Em Nguyễn Thị Ý Như, lớp 4/4, Trường tiểu học Kim Đồng (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu), gia đình thuộc diện hộ nghèo, cha mất sớm, mẹ bỏ đi. Hiện nay Ý Như sống với bà và anh hai đang đi học. Trong khi đó, bà nội đã già yếu, không còn khả năng lao động nên cuộc sống của mấy bà cháu rất chật vật.
Trường hợp của em Trần Quốc Đạt, lớp 4A, Trường tiểu học Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) cũng rất khó khăn khi cha mẹ ly hôn, em sống với mẹ. Mẹ của Đạt bán hàng rong để nuôi các con ăn học…
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin