Báo Đồng Nai điện tử
En

Xóa bỏ bạo lực, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái

Ly Na
08:19, 26/11/2024

Ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những vấn đề được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn Đồng Nai quan tâm hàng đầu.

Huyện Thống Nhất xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024. Ảnh: L.Na
Huyện Thống Nhất xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024. Ảnh: L.Na

Thời gian qua, Đồng Nai đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, kêu gọi cộng đồng và xã hội cùng chung tay góp phần đem lại môi trường sống tốt nhất cho phụ nữ và trẻ em.

Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

Trưởng phòng Văn hóa và thông tin thành phố Biên Hòa Võ Thị Huỳnh Mai cho biết, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới luôn được địa phương quan tâm. Để công tác này được nhân rộng, lan tỏa, thành phố Biên Hòa đã triển khai nhiều mô hình với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, trong đó có nam giới và những người có uy tín trong cộng đồng, có khả năng tuyên truyền, thuyết phục cao.

Chỉ với 20 Câu lạc bộ (CLB) Gia đình phát triển bền vững thành lập năm 2005, đến nay thành phố đã nhân rộng 155 CLB với gần 4 ngàn hộ gia đình tham gia. Bên cạnh đó, thành phố đã thành lập và duy trì hơn 200 tổ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), hơn 200 đường dây nóng tại các ấp, khu phố, hoạt động liên tục; 200 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng với hơn 1 ngàn thành viên. Các mô hình góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các định kiến về giới, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em bị BLGĐ.

Đồng Nai hiện có hơn 3 ngàn mô hình phòng, chống BLGĐ với hàng ngàn cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia. Đặc biệt, mô hình CLB Nam giới nói không với BLGĐ được triển khai, nhân rộng, thu hút đông đảo nam giới chung tay, nâng cao trách nhiệm của nam giới nói riêng, cộng đồng, xã hội nói chung trong việc bảo vệ, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc.

Tân Phú là một trong những huyện vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhằm nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xóa bỏ định kiến về giới, địa phương đã chú trọng nhân rộng các mô hình. Đến nay, toàn huyện có 70 CLB các loại hình: Gia đình phát triển bền vững, Gia đình Công giáo hạnh phúc, Gia đình dân tộc hạnh phúc, Không sinh con thứ 3. Riêng các xã, thị trấn đã xây dựng 200 nhóm phòng, chống BLGĐ và đường dây nóng tại cộng đồng, 113 địa chỉ tin cậy, tham gia hòa giải các vụ bạo lực, bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Nhờ vậy, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn huyện hàng năm đạt trên 98%.

Hưởng ứng Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với Sở Lao động, thương binh và xã hội tổ chức lễ phát động; đồng thời, thực hiện treo cờ và băng-rôn trên các tuyến đường tuyên truyền nhiều thông điệp như: Đừng im lặng, hãy chia sẻ khi bạn bị BLGĐ; Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; Giới tính không quyết định năng lực và trình độ; Ưu tiên nguồn lực cho phụ nữ và trẻ em gái; Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em...

Cộng đồng và xã hội chung tay

Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng các vụ BLGĐ là nguy cơ tiềm ẩn phá vỡ các giá trị tốt đẹp của gia đình, gây ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý, sức khỏe, cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái. Đây là hành vi đáng bị lên án và cần được sớm đẩy lùi trong xã hội hiện đại.

Các địa phương trong tỉnh tuyên truyền thúc đẩy bình đẳng giới (năm 2024) trên các tuyến đường chính của thành phố Biên Hòa.
Các địa phương trong tỉnh tuyên truyền thúc đẩy bình đẳng giới (năm 2024) trên các tuyến đường chính của thành phố Biên Hòa.

“Bình đẳng giới là chìa khóa xóa bỏ bạo lực. Điều quan trọng là cần huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, cộng đồng và xã hội, trong đó nam giới phải cùng hành động để chấm dứt bạo lực. Mỗi một cá nhân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái, cần trang bị cho mình kỹ năng tự bảo vệ, kiến thức pháp luật, dấu hiệu nhận biết BLGĐ để chủ động lên tiếng và có biện pháp giải quyết kịp thời; bởi im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và người bị xâm hại” - tiến sĩ Tô Nhi A chia sẻ.

Để pháp luật về bình đẳng giới ngày càng có hiệu lực, hiệu quả và đi vào cuộc sống, Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giúp mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội hiểu được trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới. Tổ chức các lớp tập huấn về công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ; xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.

Bà Mộng Bình nhấn mạnh: “Hiện nay, các mô hình phòng, chống BLGĐ đã và đang hoạt động khá hiệu quả tại 11 huyện, thành phố. Cùng với các mô hình, ngành tiếp tục tạo điều kiện để xây dựng tủ sách có liên quan đến phòng, chống BLGĐ ở cơ sở; đồng thời, chú trọng công tác nêu gương tốt, điển hình trong thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tạo dư luận xã hội”.             

Ly Na

Tin xem nhiều