Báo Đồng Nai điện tử
En

Cô Lâm từ thiện

An Nhơn
08:17, 08/11/2024

Xuất phát từ tấm lòng nhân ái, bà Ngô Thị Lâm (thường gọi là Cô Lâm từ thiện, 65 tuổi, ngụ ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) miệt mài làm việc thiện từ nhiều năm nay. Tấm lòng vì mọi người của cô Lâm được người dân địa phương hết mực trân quý và cảm phục.

Tất cả đồ đạc, quần áo của các nhà hảo tâm mang tới đều được cô Ngô Thị Lâm lựa chọn cẩn thận rồi giặt, ủi phẳng phiu, sạch sẽ trước khi đem trao tặng người nghèo khó. Ảnh: A.Nhơn

Xin người có, cho người khó

Những ngày qua, cô Lâm thường xuyên bận rộn chuẩn bị cho chuyến đi làm từ thiện khoảng 10 ngày tại các tỉnh phía Bắc để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Biết chương trình ý nghĩa này, nhiều “tấm lòng vàng” từ nhiều nơi tự nguyện chở những chuyến hàng (đồ đạc, quần áo, mùng mền, giày dép, sách vở…) đến hỗ trợ cô Lâm với số lượng lớn.

“Của cho không bằng cách cho”, những đồ đạc của mạnh thường quân mang tới sẽ được cô Lâm lựa chọn kỹ càng, chỉ lấy những quần áo còn tương đối mới, đẹp, lành lặn rồi đem đi giặt, ủi cho sạch sẽ. Sau đó, cô Lâm mới phân loại áo quần, đồ đạc theo từng độ tuổi (trẻ em, phụ nữ, đàn ông, người già) cho phù hợp rồi xếp ngay ngắn vào các túi ny-lông (mỗi túi nặng 10kg) và bỏ vào các bao lớn. Cách làm cẩn thận này đã nâng giá trị phần quà và được người dân trân trọng đón nhận, sử dụng.

“Công việc quá nhiều trong những ngày qua, thậm chí có những hôm tôi phải làm việc đến tận khuya, có lúc rất mệt... Nhưng rồi nghĩ đến những hoàn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc đang rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ thì mọi sự mệt nhọc đều tan biến và thay vào đó là niềm vui, là động lực để tôi tiếp tục với công việc ý nghĩa này” - cô Lâm bộc bạch.

Cô Lâm cho biết, cô sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hải Dương. Từ lúc lên 8 tuổi, cô đã biết giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.

“Điều kiện kinh tế gia đình tôi lúc bấy giờ chỉ ở mức trung bình chứ không khá giả, nhưng mỗi khi thấy những người ăn xin, cơ nhỡ đi ngang qua nhà là tôi lấy gạo đem cho họ. Còn khi đến trường, tôi thường chia sẻ cho các bạn bằng việc san sẻ củ khoai, củ sắn… Vì vậy, tôi thường được thầy cô trong trường tuyên dương vì có tấm lòng yêu thương, hay giúp đỡ bạn bè cùng trang lứa” - cô Lâm nhớ lại.

Vì điều kiện gia đình nên cô Lâm đã cùng người thân rời quê hương Hải Dương vào vùng đất Đồng Nai sinh sống từ năm 1997 cho đến nay. Gia đình đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu tại nơi ở mới, vì các con còn nhỏ, trong khi công việc chưa ổn định. Tuy nhiên, vợ chồng cô Lâm vẫn lạc quan và luôn tìm mọi cách để vươn lên.

“Dù cuộc sống lúc bấy giờ còn nhiều bộn bề lo toan nhưng tôi luôn khuyên dặn các con ở nhà khi nào thấy những trường hợp ăn xin, cơ nhỡ thì nhớ lấy ít gạo đem san sẻ cho người ta…” - cô Lâm kể.

Theo cô Lâm, trong thời gian đầu vào Đồng Nai sinh sống, do chưa có công việc ổn định nên vợ chồng cô đã phải đi làm thuê, làm mướn. Sau một thời gian, cô Lâm đã dành dụm được một số tiền và dùng vào việc buôn bán trái cây. Đến khoảng năm 2014, gia đình cô đã đầu tư xây dựng dãy phòng trọ hơn 20 phòng để cho thuê. Nhờ làm ăn thuận lợi đã giúp cuộc sống gia đình ngày càng phát triển.

Năm 2017, khi kinh tế gia đình ổn định và lo cho các con được đàng hoàng, cô Lâm chính thức thực hiện nguyện vọng làm từ thiện nhằm chia sẻ yêu thương với những hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Cô đã thực hiện phương châm “xin người có, cho người khó” bằng việc hàng ngày đến các cửa hàng, shop quần áo xin những đồ đạc, mùng mền, quần áo cũ… rồi thu gom chở về nhà. Sau đó, cô dành thời gian phân loại, lựa ra những bộ đồ còn tốt đem đi giặt, ủi cho ngay thẳng, sạch sẽ trước khi mang đến tặng những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Ngoài ra, khi biết địa phương có những người đau ốm, bệnh tật, cô Lâm cũng sẵn sàng trích tiền túi để đến thăm hỏi, động viện và tặng quà cho bà con.

Chị Dương Thị Phượng (công nhân ở trọ tại ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc) cho biết, vợ chồng chị thuê phòng trọ của gia đình cô Lâm ở để đi làm công nhân được 6 năm nay. Thời gian gần đây, công ty thường xuyên hết đơn hàng, dẫn đến công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh; trong khi vợ chồng chị phải nuôi 3 con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn. Cô Lâm biết chuyện của vợ chồng chị Phượng nên thường lui tới hỏi thăm, động viên và tặng các nhu yếu phẩm. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị Phượng cải thiện hơn trước.

Chung tay giúp đỡ người nghèo khó

“Tiếng lành đồn xa”, thấy được việc làm ý nghĩa của cô Lâm, nhiều người có tấm lòng nhân ái đã tình nguyện tham gia để chung tay giúp đỡ người nghèo khó. Từ đó, cô Lâm đã thành lập nhóm thiện nguyện với tên gọi “Nhóm thiện nguyện cô Lâm” và đưa vào hoạt động từ năm 2018 cho đến nay (do cô làm nhóm trưởng).

Thời gian qua, Nhóm thiện nguyện Cô Lâm thường xuyên tổ chức nhiều chương trình từ thiện chăm lo cho người nghèo khó, hoàn cảnh bất hạnh. Chẳng hạn, cô thường tổ chức nấu cơm từ thiện rồi trao tặng cho người đi đường hoặc tại các chợ, bệnh viện cho người dân, công nhân còn nhiều khó khăn. Tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà tại các trại trẻ mồ côi, trại dưỡng lão ở khu vực miền Nam. Ngoài ra, cô Lâm còn tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn ở các khu vực miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên.

Cô Ngô Thị Lâm (thứ 2, từ phải qua) đến thăm hỏi, động viên gia đình công nhân Dương Thị Phượng (ở trọ tại ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất).

Theo cô Lâm, trước khi muốn tặng quà ở đâu, cô đều đi khảo sát thực tế và liên hệ với chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ, giới thiệu danh sách những người có hoàn cảnh khó khăn thực sự. Sau khi xác định đúng đối tượng thì đoàn của cô mới tổ chức chuyến đi thăm hỏi, tặng quà. Tùy theo từng đối tượng khó khăn mà Nhóm thiện nguyện Cô Lâm sẽ tặng những phần quà phù hợp. Chẳng hạn, đối với người dân khó khăn, thiếu thốn thì phần quà gồm: thùng mì gói, 10kg gạo, dầu ăn, bột ngọt, bánh và tặng kèm theo áo quần, mùng mền... Còn với trẻ em, học sinh nghèo vượt khó thì phần quà gồm: 10 cuốn vở, bút, sách, sữa, bánh, kèm theo bịch áo quần, đồng phục, giày dép…

Với cách làm chặt chẽ và uy tín, cô Lâm đã tạo được sự tin tưởng cho các thành viên trong nhóm thiện nguyện cũng như các nhà hảo tâm gần, xa. Nhờ đó, công việc của Nhóm thiện nguyện Cô Lâm ngày càng lan tỏa và số lượng thành viên tham gia đông hơn.

“Hiện số lượng thành viên có khoảng 100 người; trong đó số thành viên thường xuyên tham gia hoạt động thiện nguyện khoảng 50 người. Từ đó, tôi đã xây dựng thêm các nhóm trưởng phụ trách ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước… nhằm hỗ trợ cùng tôi triển khai việc thiện nguyện hiệu quả” - cô Lâm cho hay.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) Phan Thị Bích Tuyền nhận xét, cô Lâm hiện là hội viên tiêu biểu của Hội Liên hiệp phụ nữ xã và tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Đặc biệt, cô Lâm có tấm lòng thương người và thường xuyên tổ chức các chương trình từ thiện, nhân đạo để chăm lo, giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, cô còn quan tâm, chăm lo, tặng quà cho những công nhân xa quê còn nhiều khó khăn trong cuộc sống…

An Nhơn

Tin xem nhiều