Báo Đồng Nai điện tử
En

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)
Đổi mới để xứng đáng với sự nghiệp trồng người

Công Nghĩa
07:05, 20/11/2024

Trong dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2024), tỉnh Đồng Nai vinh dự có 5 nhà giáo được Bộ Giáo dục và đào tạo xét công nhận là Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc. Đây là sự ghi nhận và tôn vinh xứng đáng, đồng thời tạo thêm sức lan tỏa cho Phong trào Thi đua dạy tốt - học tốt.

Những gương mặt nhà giáo tiêu biểu toàn quốc của tỉnh Đồng Nai.
Những gương mặt nhà giáo tiêu biểu toàn quốc của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Sở Giáo dục và đào tạo cung cấp

Năm nhà giáo tiêu biểu của tỉnh được tuyên dương, gồm các cô giáo: Phạm Thị Thêu, Trường trung học phổ thông Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch); Nguyễn Ngọc Thủy, Trường mẫu giáo Thanh An (thành phố Long Khánh); Lê Thị Thương, Trường tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Long Khánh); Phan Thị Đỗ Uyên, Trường trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm (thành phố Biên Hòa) và thầy giáo Võ Văn Lệnh, giảng viên Khoa Dược học, Trường đại học Lạc Hồng.

Dạy học bằng cả tấm lòng

Trong 5 nhà giáo của tỉnh được tuyên dương, cô giáo Lê Thị Thương (công tác tại Trường tiểu học Lý Tự Trọng, thành phố Long Khánh) từng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú vào năm 2023. Cô còn có nhiều danh hiệu khác ở các cuộc thi cấp thành phố và cấp tỉnh về thành tích giáo viên dạy giỏi…

Nhiều thế hệ học trò yêu mến cô Thương, bởi cô đã dành cho các học trò sự quan tâm dạy bảo như một người mẹ hiền. Bằng kiến thức chuyên sâu, nghiệp vụ sư phạm vững vàng, dạy học bằng cả tấm lòng, cô luôn giúp học sinh nắm vững kiến thức, vận dụng kiến thức vào những tình huống thực tế.

Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:

Nhà giáo tiêu biểu làm lan tỏa tinh thần dạy tốt - học tốt

Những nhà giáo của tỉnh được giới thiệu để Bộ Giáo dục và đào tạo xét và tôn vinh là Nhà giáo Tiêu biểu năm 2024 thực sự là những nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm, đồng thời có một quá trình dài không ngừng tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy và học. Được tôn vinh là Nhà giáo Tiêu biểu là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao. Do đó, tôi mong các nhà giáo tiêu biểu sẽ góp phần làm lan tỏa tinh thần dạy tốt - học tốt trong toàn tỉnh.

Cô Thương chia sẻ: “Giáo viên được ví như “kỹ sư tâm hồn”. Nếu mình có kiến thức tốt, kỹ năng vững vàng, lại thêm chút tỉ mỉ và tận tâm với học sinh nữa thì chắc chắn sẽ có thành quả là những lớp học sinh chăm ngoan và học giỏi. Chính những học trò như thế sẽ tạo động lực cho tôi tiếp tục cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa”.

Không chỉ là nhà giáo tận tâm, cô Thương còn được biết đến là người nhiệt huyết và trách nhiệm với hoạt động cộng đồng.

Cô Thương cho hay: “Đến nay, tôi đã có 17 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Mỗi lần hiến máu là một lần tôi muốn lan tỏa tình yêu thương đến với cộng đồng. Hiện tôi đã đăng ký hiến tạng phục vụ cho nghiên cứu khoa học với mong muốn giúp cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”.

Giáo viên tiên phong chuyển đổi số

Nghề giáo được xã hội đánh giá là một trong những nghề cao quý nhưng cũng không kém phần vất vả.

Cô giáo Phan Thị Đỗ Uyên (công tác tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Biên Hòa) chia sẻ: “Là giáo viên dạy tiếng Anh của một trong những trường trung học cơ sở có truyền thống dạy tốt và học tốt của thành phố Biên Hòa và của tỉnh nên tôi luôn cảm thấy có cả động lực lẫn áp lực. Vì vậy, tôi đã liên tục làm mới chính bản thân mình để truyền cảm hứng học tập cho học sinh qua từng giờ học, hoạt động trải nghiệm”.

Cô giáo Đỗ Uyên được đánh giá là một trong những giáo viên đi tiên phong về chuyển đổi số trong dạy và học tiếng Anh của tỉnh. Cô được Sở Giáo dục và đào tạo chọn dạy học trực tiếp trên truyền hình cho học sinh trung học cơ sở toàn tỉnh trong 2 năm học 2020-2021 và 2021-2022 - thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 kéo dài khiến học sinh phải chuyển qua học trực tuyến.

Không dừng lại đó, cô Đỗ Uyên còn là giáo viên năng động trong tham gia xây dựng học liệu điện tử igiaoduc.vn, học liệu điện tử tbdhs.moet.gov.vn và nhiều cuộc thi xây dựng thiết bị dạy học số khác. Nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy và học đã mang lại cho cô nhiều giải thưởng. Cô còn nhiều lần được UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và đào tạo tặng thưởng bằng khen với những thành tích đổi mới trong dạy và học.

Động lực từ một giảng viên trẻ

Từ quê hương Bình Định, chàng trai trẻ Võ Văn Lệnh vào học Khoa Dược học, Trường đại học Lạc Hồng với mục tiêu ra trường sẽ trở thành một dược sĩ giỏi. Nỗ lực học tập và nghiên cứu khoa học trong những năm tháng sinh viên đã giúp anh có những bước tiến xa hơn. Sau khi tốt nghiệp dược sĩ đại học, anh tiếp tục được giữ lại bồi dưỡng để trở thành giảng viên của trường. Hiện anh đã có bằng thạc sĩ Công nghệ dược phẩm và bào chế thuốc, đồng thời đang tiếp tục hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ngành dược học tại Trường đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Ở tuổi 30, giảng viên trẻ Võ Văn Lệnh đã sở hữu những thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học và hỗ trợ cộng đồng rất đáng nể. Trong 5 năm gần đây, anh đã có 10 bài báo nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Anh còn được xem là dược sĩ “mát tay” khi 4 năm liền hướng dẫn sinh viên tham gia Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka và đều đoạt giải cao. Anh cũng là chủ nhân của giải ba Cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2022, cùng nhiều giải thưởng, đề tài khoa học cấp tỉnh. Anh còn có vinh dự được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích lao động sáng tạo và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Vừa trở về từ Hà Nội sau khi tham dự Lễ Tôn vinh Nhà giáo Tiêu biểu toàn quốc và tham dự buổi gặp mặt của Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với cán bộ quản lý và nhà giáo tiêu biểu toàn quốc, giảng viên Võ Văn Lệnh như được tiếp thêm nhiều động lực mới.

Thầy giáo Lệnh chia sẻ: “Trở thành một giảng viên đứng trên giảng đường đại học đã khó, để thành một giảng viên giỏi chắc chắn còn khó hơn gấp bội phần. Bản thân tôi sẽ không ngừng nỗ lực, cố gắng trên con đường mình đã chọn để không chỉ góp phần đào tạo ra những lớp sinh viên mới năng động, sáng tạo, mà còn phải có nhiều công trình khoa học về ngành dược học ứng dụng vào thực tiễn của cuộc sống”.

Công Nghĩa

Nhà giáo tiêu biểu, thạc sĩ PHẠM THỊ THÊU, Trường trung học phổ thông Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch):

Hạnh phúc khi được gắn bó với nghề giáo

Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc với vai trò của một giáo viên dạy môn Lịch sử tại Trường trung học phổ thông Phước Thiền. Tôi đã nỗ lực trau dồi kiến thức, chuyên môn và kỹ năng giảng dạy mới để học sinh của mình luôn cảm thấy từ yêu thích môn Lịch sử đến yêu quý lịch sử vẻ vang của dân tộc. Tôi tin rằng, những nỗ lực của bản thân đưa môn Lịch sử đến gần hơn với học sinh sẽ là hành trang góp phần tạo nên những thế hệ công dân mới luôn giàu lòng yêu nước và khát vọng cống hiến.

Nhà giáo tiêu biểu NGUYỄN NGỌC THỦY, Trường mẫu giáo Thanh An (thành phố Long Khánh):

Nuôi dưỡng thêm tình yêu với trẻ nhỏ

Nghề giáo viên mầm non luôn vất vả và áp lực so với giáo viên các bậc học khác. Nhưng khi thực sự yêu nghề, mến trẻ, giáo viên sẽ luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc cho chính mình. Với tình yêu nghề, mỗi ngày, tôi đều nỗ lực sáng tạo, trách nhiệm để mang đến cho trẻ những không gian tuổi thơ vui tươi, hồn nhiên để trẻ phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Hạnh phúc của tôi là nụ cười của trẻ khi đến lớp và sự hài lòng của phụ huynh khi gửi gắm trẻ
đến trường.

Tin xem nhiều