Câu chuyện lạm thu lại “nóng” khi các trường học bắt đầu triển khai các khoản thu đầu năm học, đặc biệt là các khoản thu có tính chất “tự nguyện”.
Học sinh Trường tiểu học Bình Đa (thành phố Biên Hòa) được sử dụng bữa ăn bán trú tại trường nhờ nhà trường vận dụng Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 30-7-2021 của HĐND tỉnh và phụ huynh đồng tình ủng hộ. Ảnh:.Công Nghĩa |
Bên cạnh vấn đề thu thì ở một số trường cũng nổi lên tình trạng chi không đúng quy định, dẫn đến hiệu trưởng và những người liên quan phải chịu hình thức kiểm điểm, thậm chí có thể chuyển sang cơ quan điều tra nếu vi phạm ở mức nghiêm trọng.
Nhiều bài học đắt giá
Vào tháng 7 vừa qua, Thanh tra huyện Trảng Bom đã ban hành kết luận về việc quản lý, sử dụng tài chính tại Trường tiểu học Nam Cao (xã Tây Hòa) và Ban Đại diện cha mẹ học sinh nhà trường. Theo đó, hơn 320 triệu đồng từ quỹ của Ban Đại diện cha mẹ học sinh đã được chi sửa chữa cơ sở vật chất, hỗ trợ và chi liên hoan cho giáo viên các dịp lễ, Tết nhưng không đúng theo quy định. Nhà trường còn vận động mua ti vi với số tiền hơn 30 triệu đồng, mua cây xanh 38 triệu đồng đều không đúng quy định.
Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để phát sinh thu, chi không đúng quy định
Trong văn bản chấn chỉnh thực hiện các khoản thu trong nhà trường năm học 2024-2025, lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo đã yêu cầu các trường công lập công khai khoản thu bắt buộc và tự nguyện, rà soát các khoản thu đang triển khai. Hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để phát sinh các khoản thu, chi không đúng quy định tại đơn vị. Cần giãn thời gian thực hiện các khoản thu, đồng thời không tăng mức thu các khoản phục vụ, dịch vụ học tập.
Trong các năm học 2020-2021, 2022-2023 và 2023-2024, Trường tiểu học Nam Cao đã thu tổng cộng hơn 3,2 tỷ đồng tiền trông giữ học sinh tiểu học ngoài giờ học chính khóa. Việc trông giữ trẻ ngoài giờ và mức thu được thực hiện theo thỏa thuận với phụ huynh nhằm hỗ trợ cho phụ huynh không có điều kiện trông giữ con. Tuy nhiên, nhà trường đã không thực hiện trích lại để chi trả tiền điện và cơ sở vật chất theo quy định, vì cho rằng không có quy định cụ thể cho nội dung này.
Kết luận của Thanh tra huyện Trảng Bom còn xác định Trường tiểu học Nam Cao thực hiện không đủ, không đúng, có dấu hiệu cố ý làm trái như: không đưa vào theo dõi trên hệ thống sổ sách kế toán của đơn vị, có năm chưa được Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Trảng Bom phê duyệt nhưng vẫn tổ chức thực hiện việc trông giữ học sinh ngoài giờ chính khóa. Vi phạm này là nghiêm trọng và trách nhiệm chính đối với vi phạm này thuộc về hiệu trưởng, kế toán và ban giám hiệu cùng một số cá nhân.
Hay mới đây, Thanh tra thành phố Biên Hòa đề nghị kiểm điểm trách nhiệm hiệu trưởng, kế toán Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức. Lý do là để xảy ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thu chi. Cụ thể, hiệu trưởng nhà trường đã có những hạn chế trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2023. Trường còn ký hợp đồng và thanh toán tiền cung cấp phần mềm ứng dụng quản lý hồ sơ điện tử cho giáo dục nhưng không có văn bản chấp thuận chủ trương của cấp có thẩm quyền. Trường sử dụng nguồn kinh phí hoạt động (nguồn tự chủ của đơn vị), thực hiện chi số tiền 16,8 triệu đồng cho công tác phổ cập giáo dục năm 2023 là sai quy định…
Thận trọng khi xã hội hóa các khoản thu
Để các trường thực hiện thu, chi đúng theo quy định, trước thời điểm khai giảng năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và đào tạo đã có Văn bản số 3646/SGDĐT-KHTC về hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong nhà trường và các chính sách hỗ trợ đối với người học ở năm học này.
Tuy nhiên, ngay trong tháng đầu tiên của năm học mới 2024-2025, ở một số trường trên địa bàn tỉnh đã “nóng” câu chuyện thu, chi. Đơn cử như Trường TH-THCS-THPT Hồng Bàng (huyện Xuân Lộc) triển khai thu phí bảo trì ti vi là 100 ngàn đồng/học sinh/năm học khiến phụ huynh bức xúc. Sở Giáo dục và đào tạo đã “tuýt còi”, buộc trường phải dừng thu.
Hay tại thành phố Biên Hòa, hiện một số cơ sở giáo dục công lập, nhất là ở bậc tiểu học, đã bắt đầu triển khai đồng loạt các khoản thu, trong đó có những khoản được cho là có sự “thỏa thuận” giữa phụ huynh và ban đại diện cha mẹ học sinh như: quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, quỹ lớp, tiền mua ti vi, máy lạnh, rèm cửa…
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại thành phố Biên Hòa phân trần: “Kinh phí chi thường xuyên được ngân sách cấp được tính trên đầu giáo viên là 30 triệu đồng/năm (chưa kể phải tiết kiệm chi 15%) là không thể nào đảm bảo đủ cho các hoạt động của nhà trường nên buộc phải huy động các nguồn xã hội hóa từ phụ huynh”.
Tại huyện Nhơn Trạch, mới đây phụ huynh phản ánh ban đại diện cha mẹ học sinh của trường đã thu 450 ngàn đồng/học sinh lớp 10 để mua ti vi và lắp đặt internet cho các lớp thuộc khối 10. Nhiều phụ huynh đồng tình vì muốn chia sẻ khó khăn với nhà trường, tuy nhiên cũng có những phụ huynh phản ứng cho rằng việc thu gây khó khăn cho những phụ huynh không có điều kiện.
Theo quy định, muốn thu các khoản xã hội hóa, tiếp nhận tài trợ, các trường phải có tờ trình và cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được thực hiện. Khi tiếp nhận tài trợ, nhà trường phải đưa vào quản lý như tài sản của nhà trường chứ không phải phụ huynh muốn thì mua sắm đến lớp lắp đặt, hay khi không dùng đến nữa thì có quyền tháo mang về. Thậm chí với những khoản xã hội hóa từ việc huy động mua sắm lớn do phụ huynh đóng góp, các trường còn phải thực hiện đấu thầu mua sắm công khai.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin