Báo Đồng Nai điện tử
En

Bước tiến mới của ngành y tế Đồng Nai (bài 1)

Hạnh Dung
08:32, 25/10/2024

Với đội ngũ bác sĩ (BS) có tay nghề chuyên môn cao cùng hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, các bệnh viện trong tỉnh đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, cứu sống nhiều người bị bệnh nặng, nguy kịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần được tháo gỡ để người bệnh tỉnh nhà thật sự được hưởng lợi.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bị sét đánh trước khi bệnh nhân được xuất viện. Ảnh: Bảo Lộc

 Bài 1: Cứu nhiều ca bệnh nặng

Thời gian qua, nhiều bệnh nhân bị tai nạn, bị bệnh nặng dẫn đến ngưng tim, ngưng thở trong thời gian dài đã được y, BS của các bệnh viện trong tỉnh kịp thời cứu sống ngoạn mục.

Không chỉ triển khai thành thạo nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao mà các bệnh viện lớn trong tỉnh đang tiến tới thực hiện những kỹ thuật mà trước đây chỉ có những bệnh viện tuyến trung ương mới làm được.

Đưa bệnh nhân từ “cửa tử” trở về

Mới đây, bệnh nhân D.T.V. (13 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) bị sét đánh và bệnh nhân T.N.T.T. (15 tuổi, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) bị điện giật dẫn đến ngưng tim, ngưng thở ngoại viện 20 phút đã được các y, BS của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất cứu sống ngoạn mục. Cả 2 bệnh nhân đều được điều trị bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy.

ThS-BS Phạm Thị Kiều Trang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho hay phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy là phương pháp sử dụng các kỹ thuật làm lạnh để kiểm soát thân nhiệt bệnh nhân một cách chủ động. Nhiệt độ cơ thể bệnh nhân sẽ xuống dưới mức nhiệt độ sinh lý bình thường, tức là sẽ ở mức 33-360C trong vòng 24-72 tiếng. Mục đích nhằm giảm tỷ lệ tử vong và di chứng thần kinh sau ngưng tuần hoàn cho bệnh nhân.

Tháng 4-2024, BVĐK Đồng Nai là bệnh viện tuyến tỉnh thứ 2 trong toàn quốc được trao Chứng nhận Kim cương trong điều trị đột quỵ do Hội Đột quỵ thế giới trao tặng.

Theo BS Trang, những bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở dù được cứu sống nhưng thường để lại các di chứng tổn thương não rất nặng nề như: mất trí nhớ, co giật, liệt nửa người, nặng hơn có thể liệt toàn thân, hôn mê sống đời sống thực vật. Việc hạ thân nhiệt chỉ huy sẽ giúp não bệnh nhân bớt phù, bớt viêm, giúp tưới máu và cung cấp oxy não tốt hơn. Hạ thân nhiệt chỉ huy giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội sống sót, phục hồi ý thức và vận động tốt hơn.

Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện phối hợp cấp cứu và điều trị thành công ngoài mong đợi cho bệnh nhân bị sét đánh nghiêm trọng. Bởi lẽ, hầu hết các trường hợp bị sét đánh đều không qua khỏi, luồng điện rất mạnh chạy qua cơ thể sẽ gây tổn thương, ngưng tim ngay lập tức. Ngưng tim kéo dài thường để lại những di chứng rất nguy hiểm. Còn trường hợp bệnh nhân V. đã xuất viện và không để lại di chứng gì.

Trước đó, bệnh nhân H.D.N. (34 tuổi, ngụ xã An Phước, huyện Long Thành) bị đột tử (ngưng tim, ngưng thở) 2 lần trong vòng 3 tiếng đã được các BS BVĐK Đồng Nai kịp thời cứu sống.

BS chuyên khoa I Nguyễn Văn Tới, Khoa Can thiệp tim mạch, BVĐK Đồng Nai, cho hay đây là ca bệnh rất đặc biệt và hiếm gặp. Nếu bệnh nhân đột tử ở bên ngoài và không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong. Các BS đã cấp cứu và đặt máy tạo nhịp khử rung tim cho bệnh nhân. Máy khử rung tim là thiết bị điện tử, được cấy dưới vùng ngực của bệnh nhân, có các sợi điện cực để kết nối vào trong các cơ của trái tim. Đây là trường hợp thứ 2 được đặt máy khử rung tim tại BVĐK Đồng Nai, trường hợp đầu tiên cách đây 7 năm.

Còn tại BVĐK Thống Nhất, hồi tháng 5-2024, đã điều trị thành công cho bệnh nhân Đỗ Xuân Thanh, 34 tuổi, người bị thương nghiêm trọng nhất trong vụ nổ lò hơi ở một công ty tại huyện Vĩnh Cửu.

Bệnh nhân Thanh được chẩn đoán đa chấn thương, gãy đa xương sườn hai bên, bị tổn thương gan độ 4, chấn thương thận độ 4, tràn máu màng phổi... Ngay sau khi tiếp nhận, các BS đã khẩn trương cứu chữa cho bệnh nhân. Đồng thời, thực hiện kỹ thuật chuyên sâu là nút mạch cầm máu để điều trị chấn thương gan, thận cho bệnh nhân.

BS chuyên khoa II Trần Minh Thành, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, BVĐK Thống Nhất, cho biết khi bị tổn thương động mạch hoặc các tạng như: gan, thận, lách, bệnh nhân sẽ có nguy cơ mất máu nhiều kéo theo hàng loạt biến chứng nguy hiểm như rối loạn đông máu, suy phủ tạng, thậm chí tử vong. Với kỹ thuật nút mạch cầm máu, bệnh nhân sẽ không phải trải qua những cuộc đại phẫu cắt gan, thận, lách. Từ đó tránh được các biến chứng nguy hiểm tiềm ẩn trong và sau phẫu thuật. Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả, được ứng dụng sâu rộng trên thế giới và chưa có nhiều bệnh viện tuyến tỉnh ở Việt Nam làm được. Kỹ thuật này cũng giúp bảo tồn tối đa cơ quan nội tạng bị tổn thương, rút ngắn thời gian nằm viện và điều trị cho bệnh nhân.

Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG nhấn mạnh, việc các bệnh viện trong tỉnh triển khai được nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu cho thấy sự phát triển vượt bậc của ngành y tế Đồng Nai. Như vậy, từ nay người dân Đồng Nai sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương, đỡ chi phí, thời gian, công sức, tiền bạc so với việc phải di chuyển đến các bệnh viện tuyến trên.

Sẵn sàng triển khai kỹ thuật ghép tạng

Giám đốc BVĐK Đồng Nai Ngô Đức Tuấn chia sẻ, tháng 4-2018, BVĐK Đồng Nai là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca phẫu thuật lấy tạng của người chết não (gồm 1 quả tim, 2 quả thận, 2 giác mạc) để ghép cho 5 bệnh nhân có nhu cầu. Bệnh viện Chợ Rẫy sau đó đề xuất sẽ triển khai ở Đồng Nai một đơn vị quản lý người chết não trực thuộc Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy.

BVĐK Đồng Nai sau đó đã cử ê-kíp gồm 6 BS và 8 điều dưỡng đi học về ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nay, các BS, điều dưỡng đã hoàn thành khóa học. Với hệ thống máy móc đầy đủ, hiện đại sẵn có, dự kiến năm 2025, bệnh viện sẽ triển khai ghép thận.

Ghép thận trong 1-2 năm nữa cũng là hướng đi của BVĐK Thống Nhất. BS chuyên khoa II Nguyễn Tường Quang, Phó giám đốc bệnh viện, cho hay: “Bệnh viện có 104 máy chạy thận, là đơn vị có số lượng máy chạy thận thuộc hàng lớn nhất cả nước. Mặc dù vậy, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân. Vì thế, chúng tôi đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, trang thiết bị máy móc, cơ sở vật chất để triển khai ghép thận trong thời gian tới”.

Giám đốc BVĐK Đồng Nai Ngô Đức Tuấn chia sẻ, đến nay, bệnh viện đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao như mổ tim nội soi. Đây là kỹ thuật cực khó đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề chuyên môn cao, cả ê kíp phối hợp nhịp nhàng, tập trung cao độ, hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, tiên tiến. Ngoài ra, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim để điều trị bệnh rối loạn nhịp tim, được chuyển giao từ các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Năm 2024 cũng đánh dấu những bước tiến vượt bậc trong khám chữa bệnh của BVĐK Thống Nhất. Bệnh viện đã phối hợp với các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Nhân dân 115 thực hiện thành công ca phẫu thuật điều trị bệnh phù bạch mạch đầu tiên tại Đồng Nai, đồng thời là đơn vị thứ 3 của cả nước thực hiện được kỹ thuật này.

BS chuyên khoa I Nguyễn Quốc Lữ, Phó trưởng khoa, phụ trách Khoa Ngoại, chấn thương chỉnh hình - bỏng, BVĐK Thống Nhất, cho biết đây là ca mổ khó vì là kỹ thuật vi phẫu, ê-kíp phải vừa nối động mạch, vừa nối tĩnh mạch trong khi kích thước mạch bạch huyết chỉ 0,1mm. Để thực hiện được kỹ thuật này đòi hỏi BS phẫu thuật vi phẫu phải có tay nghề cao, kinh nghiệm nhiều, phải có sự tập trung cao độ và trang thiết bị hiện đại.

Đặc biệt, BVĐK Thống Nhất là đơn vị y tế công lập đầu tiên trong tỉnh đạt được Chứng chỉ công nhận hệ thống quản lý ISO 15189 phiên bản 2022. Đây là bộ tiêu chuẩn quốc tế phiên bản mới nhất được dùng làm công cụ để đánh giá năng lực và chất lượng của các phòng xét nghiệm y tế. Bệnh viện đã đưa vào hoạt động phòng khám ký sinh trùng - côn trùng, là phòng khám đầu tiên và duy nhất tại Đồng Nai đến thời điểm này được triển khai theo mô hình của Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn, Bình Định.

Hạnh Dung

>>> Bài 2: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh

Tin xem nhiều
Công ty Sức Khoẻ Việt Đơn vị Kiểm định y tế toàn quốc