Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung đang được Bộ Y tế tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhằm hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp tới có nhiều điểm mới làm tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trong đó, việc bệnh nhân khi mắc một số bệnh phải lên tuyến trên điều trị sẽ không cần giấy chuyển tuyến.
Theo quy định hiện nay, để hưởng BHYT khi chuyển tuyến, người bệnh phải hội đủ những điều kiện, thủ tục cần thiết. Trong đó, quy định tại Điều 4 Thông tư số 14/2014/TT-BYT và Thông tư 43/2013/TT-BYT, chuyển tuyến chỉ được thực hiện trong một số trường hợp như chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự: tuyến xã lên tuyến huyện, tuyến huyện lên tuyến tỉnh, tuyến tỉnh lên tuyến trung ương hoặc nếu cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì được chuyển lên tuyến cao hơn; chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới; chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cùng tuyến.
Mỗi trường hợp được chuyển tuyến có quy định cụ thể; trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến… Việc thanh toán BHYT đối với bệnh nhân chuyển tuyến cũng còn những bất cập, gây phiền hà cho bệnh nhân, nhất là với những bệnh nhân mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo. Chính vì vậy, theo Bộ Y tế - đơn vị xây dựng dự thảo luật, những điểm mới về chuyển tuyến sẽ giúp bệnh nhân không phải mất thời gian, công sức tiến hành các thủ tục, đồng thời chi phí chi trả cũng được mở rộng có lợi cho bệnh nhân hơn trước.
Một trong những điểm mới là dự thảo đã bổ sung quy định với trường hợp người bệnh được xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao sẽ được đến trực tiếp cơ sở y tế tuyến trên mà không cần theo trình tự khám, chữa bệnh BHYT, nhưng vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT. Nghĩa là bệnh nhân không phải lấy giấy chuyển tuyến (giấy này có giá trị trong một năm) mà có thể lên thẳng tuyến trên và được hưởng BHYT ở mức cao nhất.
Dự thảo Luật BHYT lần này cho phép chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT nếu vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật, hoặc cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn chuyển người bệnh đã được điều trị ổn định về cấp chuyên môn kỹ thuật thấp hơn, hoặc ngang cấp hoặc trường hợp cần điều trị dài ngày, chuyển người bệnh về cơ sở khám, chữa bệnh BHYT ban đầu quản lý, theo dõi.
Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh đã được chẩn đoán xác định một số bệnh mạn tính, kê đơn ở tuyến trên thì có thể về tuyến dưới điều trị và hưởng thuốc, vật tư y tế như ở tuyến trên, để người dân điều trị ở đâu cũng được hưởng thuốc tốt nhất…
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin