Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngại kết hôn sớm, “lười” sinh nhiều con

Hạnh Dung
07:15, 09/09/2024

Khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có Đồng Nai, đang là nơi có mức sinh thấp so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Ngày càng có nhiều người trẻ ngại kết hôn hoặc kết hôn muộn, không muốn sinh nhiều con.

Một cặp vợ chồng trẻ nghe bác sĩ Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tư vấn về đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
Một cặp vợ chồng trẻ nghe bác sĩ Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tư vấn về đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh. Ảnh: H.DUNG

Mức sinh thấp khiến Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới; kéo theo đó là nhiều hệ lụy về thiếu lực lượng lao động, áp lực chăm sóc người già và nhiều vấn đề xã hội khác.

Muốn phát triển sự nghiệp, kinh tế vững chắc

Năm nay đã gần 60 tuổi nhưng vợ chồng bà Bùi Hoàng Kim Thanh (ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) chưa có con dâu, con rể.

Bà Thanh cho biết, con trai bà năm nay đã 35 tuổi, còn con gái cũng đã 32 nhưng chưa chịu kết hôn. Cả 2 con của bà Thanh đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi lần được cha mẹ nhắc đến chuyện kết hôn, các con của bà đều thoái thác và nói chưa đến lúc lập gia đình. Bởi lẽ, họ muốn phát triển sự nghiệp và muốn có kinh tế bền vững trước khi kết hôn.

Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG cho hay, Sở Y tế đang tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết hỗ trợ các cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác dân số vào cuối năm nay.

“Các con cho biết cuộc sống hiện đại có rất nhiều áp lực. Nếu lấy vợ, lấy chồng mà chưa có nhà riêng để ở, kinh tế chưa ổn định thì cuộc sống gia đình sẽ rất vất vả. Việc chăm sóc, nuôi dạy một đứa trẻ từ khi mang thai đến khi đi học, trưởng thành không phải đơn giản. Do vậy, dù vợ chồng tôi hối thúc rất nhiều nhưng đến giờ vẫn chưa có dâu rể, chứ chưa nói đến có cháu để ẵm bồng, vui vầy tuổi già” - bà Thanh tâm sự.

Trong khi đó, vợ chồng anh Lê Minh Trung (ngụ phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa) quyết định chỉ sinh 1 con trai và không có ý định sinh thêm con.

Anh Trung tâm sự, vợ chồng anh từ miền Bắc, miền Trung vào Đồng Nai lập nghiệp, cha mẹ 2 bên đều ở quê, lại không có bà con thân thích nên khi sinh con không biết cậy nhờ ai. Anh Trung là kỹ sư xây dựng thường xuyên vắng nhà, còn vợ là viên chức nhà nước, mặc dù thu nhập khá nhưng vợ chồng anh cho rằng như vậy là chưa đảm bảo để nuôi thêm 1 con.

Tại Hội thảo quốc tế Tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp do Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó cục trưởng Cục Dân số, cho biết năm 2022, mức sinh thay thế ở Việt Nam là 2,01 con/mẹ, nhưng đến năm 2023 giảm xuống còn 1,96 con/mẹ. Trong khi mức sinh thay thế được xem là bền vững ở mức 2,1 con/mẹ.

Cùng với xu hướng của thế giới, mức sinh thấp đang là xu hướng ở Việt Nam. Dự báo trong thời gian tới, mức sinh thay thế sẽ còn thấp hơn nữa, tập trung ở khu vực đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển.

Không những “lười” sinh nhiều con, tình trạng người trẻ kết hôn muộn cũng đang rất đáng lo ngại. Theo thống kê của Bộ Y tế, tuổi kết hôn lần đầu tại Việt Nam liên tục tăng trong các năm qua. Năm 1999, tuổi trung bình kết hôn lần đầu là 24,1 tuổi, sau đó tăng lên 25,2 tuổi vào năm 2019. Đến năm 2023, tuổi trung bình kết hôn lần đầu của người Việt là 27,2 tuổi (trong đó, nam giới là 29,3 tuổi và nữ giới là 25,1 tuổi).

Cần có giải pháp khuyến khích sinh đủ 2 con

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, trước đây, khi mức sinh cao, nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con, không sinh con thứ 3. Tuy nhiên, những năm gần đây, chính sách về dân số đã có sự thay đổi. Đó là khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi.

Các chuyên gia cho rằng, có 4 nhóm nguyên nhân tác động đến mức sinh thấp, kết hôn muộn, gồm: trình độ học vấn; điều kiện sống được cải thiện, tâm lý thích hưởng thụ cuộc sống; áp lực kinh tế, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con; tình trạng nạo phá thai và tỷ lệ vô sinh có xu hướng tăng.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), ngày càng có nhiều người trẻ ưu tiên sự nghiệp, hưởng thụ cuộc sống hơn là lập gia đình và sinh con. Mong muốn này hoàn toàn chính đáng song có thể gây ra nhiều hệ lụy cho tương lai khi ít người trẻ phải gánh vác, chăm sóc cho nhiều người già. Ở nhiều quốc gia, do thiếu hụt lao động nên phải dựa vào lực lượng lao động nhập cư. Các vấn đề về an sinh xã hội sẽ có những phức tạp cần giải quyết.

Để tăng mức sinh, Phó cục trưởng Cục Dân số Phạm Vũ Hoàng cho hay, giải pháp quan trọng nhất mà các địa phương có mức sinh thấp cần thực hiện là phải tăng cường truyền thông vận động để người dân hiểu được lợi ích của sinh đủ 2 con, những bất lợi và hệ quả của việc sinh con muộn, sinh ít con. Đối tượng tuyên truyền là trẻ vị thành niên, thanh niên, những cặp vợ chồng chưa sinh đủ 2 con.

Bên cạnh đó, từ Trung ương đến địa phương cần rà soát, bãi bỏ những chính sách khuyến khích sinh ít con, không sinh con thứ 3, từng bước ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, đảm bảo các điều kiện về sinh sống, nuôi dạy các con như: được mua nhà ở xã hội, được miễn giảm học phí, chăm sóc y tế tốt hơn nữa.

“Ngành y tế tiếp tục mở rộng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống vô sinh ở tuổi vị thành niên tại cộng đồng. Khi các chính sách có tác động đến từng cá thể trong xã hội, các thành viên trong gia đình, hy vọng mức sinh sẽ được nâng cao, đảm bảo chất lượng và quy mô dân số trong tương lai” - ông Hoàng nói.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều