Năm học mới đến cũng là thời điểm phụ huynh phải đối mặt với những nỗi lo cũ lặp lại, đó là các khoản đóng góp đầu năm học.
Học sinh lớp 1 của Trường tiểu học Nguyễn Du (phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa) những ngày đầu đến lớp. Ảnh minh họa: C.NGHĨA |
Ngoài những khoản thu bắt buộc, phụ huynh còn phải quan tâm đến những khoản thu có tính chất “tự nguyện”, thường chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số tiền đóng góp của cả năm học.
Bớt rườm rà, thêm tiết kiệm
Những năm học trước, Trường trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) có quy định, học sinh đến trường phải mặc đồng phục riêng do một đơn vị cung cấp theo đặt hàng của Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất với nhà trường. Tuy nhiên, bộ đồng phục này bị nhiều phụ huynh đánh giá không đẹp và giá cả chưa thật hợp lý. Vì thế, năm học mới này, nhà trường không đứng ra đặt hàng cung cấp đồng phục cho học sinh mà chỉ đưa ra tiêu chí áo sơ mi trắng ngắn tay và quần tây tối màu để phụ huynh có thể tự mua cho con.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:
Tăng cường kiểm tra, đảm bảo các khoản thu đúng quy định
Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tỉnh đã phải giữ nguyên mức thu học phí để chia sẻ với phụ huynh. Vì vậy, các trường phải công khai minh bạch, chỉ được thu những khoản trong quy định cho phép, không được tự ý đặt ra các khoản thu, hoặc danh nghĩa là tự nguyện nhưng sau đó là ép buộc phụ huynh đóng góp. Sở Giáo dục và đào tạo phải tăng cường kiểm tra, đảm bảo các khoản thu đúng quy định.
Anh Nguyễn Quốc Phong, phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho rằng việc nhà trường tiếp thu ý kiến của phụ huynh, thay đổi đồng phục đến trường hàng ngày của học sinh là rất hợp lý. Chỉ với yêu cầu đơn giản là áo sơ mi trắng ngắn tay và quần tây tối màu thì phụ huynh nào cũng có thể tự mua sắm cho con mình được.
Còn ở Trường THCS Trảng Dài (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa), ngôi trường có đông học sinh nhất thành phố Biên Hòa, năm học mới này nhà trường vẫn duy trì mẫu đồng phục cũ do phụ huynh tự mua sắm, đó là áo trắng ngắn tay và quần tây tối màu cho cả học sinh nam và nữ. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Hải Anh chia sẻ: “Áp đặt quy định học sinh phải mang đồng phục theo thiết kế riêng của nhà trường là không thực sự cần thiết. Hơn nữa, khi phụ huynh phải đóng tiền mua đồng phục do nhà trường đặt may sẽ không tránh khỏi lời ra tiếng vào, băn khoăn về giá cả của mỗi bộ đồng phục từ phụ huynh”.
Chị Đỗ Thị Kim Lan, phụ huynh có con học tại Trường THCS Trảng Dài, cho biết việc nhà trường không có quy định một cách cứng nhắc về đồng phục, giúp phụ huynh dễ dàng mua sắm bên ngoài theo khả năng của mình. Thậm chí, nếu đồng phục của năm học cũ mà còn sạch đẹp thì vẫn có thể dùng lại cho năm học mới, chỉ cần tháo phù hiệu cũ và đính phù hiệu mới là dùng được.
Công khai để tránh bức xúc
Trong khi nhiều trường đang nỗ lực cắt giảm chi phí cho phụ huynh học sinh thì cũng bắt đầu xuất hiện những câu chuyện bức xúc về những khoản đóng góp và mua sắm từ nhà trường. Đơn cử như một trường tiểu học công lập tại phường An Bình (thành phố Biên Hòa), dù mới vào đầu năm học nhưng đã có đơn thư gửi về Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố phản ánh về quy định đồng phục học sinh, một số khoản trên danh nghĩa là mạnh thường quân tài trợ nhưng ban giám hiệu lại “áp” xuống yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải thu của phụ huynh.
Bên cạnh đó, phụ huynh phản ánh chuyện nhà trường yêu cầu phải đóng tiền sơn sửa lại trường lớp, trong khi phụ huynh không được hỏi ý kiến là có đồng thuận hay không? Phụ huynh phản ánh về những “nhập nhằng” của ban giám hiệu về xử lý tài sản là ti vi, máy lạnh do những tài sản này là do phụ huynh năm học trước đóng góp mua sắm, năm học này các em đã tách lớp, hoặc đã chuyển lên cấp học khác. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc học sinh nếu vẫn còn học ở trường nhưng bị tách lớp thì sẽ thêm lần nữa phải đóng tiền mua ti vi, máy lạnh.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết, năm học 2024-2025, mức học phí các trường công lập vẫn được giữ như các năm trước, riêng học sinh tiểu học được miễn. Mức thu học phí của từng cấp học, từng khu vực thành thị, nông thôn, khu vực miền núi sẽ khác nhau. Ngoài thu học phí, các trường công lập được phép thu những khoản khác như: bảo hiểm y tế (thu theo quy định của bảo hiểm xã hội), dịch vụ học tập nhưng phải thu đúng theo quy định của Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 30-7-2021 của HĐND tỉnh về về quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Với các trường ngoài công lập, các khoản thu và mức thu sẽ là sự thỏa thuận với phụ huynh.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo khuyến cáo ban giám hiệu các trường phải rất thận trọng đối với các khoản thu như: bảo hiểm tai nạn, quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, đồng phục, ghế ngồi, giấy thi, tiền học ngoại ngữ tăng cường, bữa ăn bán trú, xe đưa rước học sinh. Cần hết sức tránh những khoản đóng góp mua sắm lớn như: ti vi, máy lạnh, máy tính trang bị cho giáo viên được huy động tiền đóng góp của phụ huynh trên danh nghĩa là tự nguyện nhưng thực chất là bắt buộc.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin