Một trong những mong mỏi lớn nhất của người dân Đồng Nai trên lĩnh vực y tế là tỉnh sẽ có đội ngũ bác sĩ giỏi để chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Từ đó, giúp người dân không phải di chuyển xa đến các bệnh viện tuyến trên hoặc ra nước ngoài chữa bệnh.
Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tận tình chăm sóc trẻ sơ sinh cực non. Ảnh: H.Dung |
Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm nhiều bệnh viện chuyên khoa sâu, nhiều cơ sở y tế mới.
Sẽ có bệnh viện tuyến trung ương tại Đồng Nai
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, theo Phương án phát triển hạ tầng y tế tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ có một cơ sở y tế tuyến trung ương được xây mới tại Đồng Nai. Đó là Phân hiệu Trường đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh kèm bệnh viện chất lượng cao, đóng tại xã Tân Hiệp (huyện Long Thành), quy mô 20 hécta.
Đối với dự án này, lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần họp với lãnh đạo Trường đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cùng các sở, ngành, địa phương liên quan để thống nhất chủ trương thực hiện. Chủ trương này hoàn toàn khả thi vì phù hợp với nhu cầu phát triển của trường, địa phương, người dân. Các điều kiện như: giao thông, quy hoạch phát triển vùng, quy mô dân số… đều thuận lợi.
Dự án trên khi đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích cho địa phương. Trường đại học sẽ tạo điều kiện giúp nhân viên y tế tỉnh nhà có cơ hội tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Vấn đề tuyển sinh sẽ thực hiện theo quy định, song ngành Y tế sẽ đề nghị UBND tỉnh đề nghị nhà trường có những chính sách đặc thù, ưu tiên đào tạo nhân lực cho tỉnh. Vì hiện nay, Đồng Nai đang thiếu nhân lực y tế cả về trình độ cơ bản lẫn chuyên sâu.
Theo Quy hoạch tỉnh, trên địa bàn thành phố Biên Hòa sẽ có thêm một số cơ sở y tế mới, chuyên sâu như: trung tâm hiếm muộn, trung tâm dinh dưỡng, trung tâm xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, viện dưỡng lão và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bệnh viện đa khoa quốc tế. |
Còn bệnh viện của nhà trường sẽ vừa là nơi thực hành cho các sinh viên, nhân viên y tế, vừa là nơi điều trị cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đối với hệ thống cơ sở y tế công lập, theo quy hoạch, sẽ có 30 cơ sở. Trong đó, ngoài Sở Y tế, các bệnh viện đa khoa hạng 1 tuyến tỉnh, các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện, 170 trạm y tế, các Trung tâm: Pháp y, Kiểm nghiệm, Giám định y khoa, Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và Chi cục Dân số tỉnh, còn có các cơ sở được thành lập mới. Đó là Trung tâm Cấp cứu 115, Trụ sở Kiểm dịch sân bay quốc tế Long Thành.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trần Minh Hòa cho hay, đơn vị đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục vụ khi trụ sở Kiểm dịch Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động.
Đối với Trung tâm Cấp cứu 115, nhiều lãnh đạo bệnh viện cho rằng, cần sớm triển khai, bởi theo thống kê, hiện hầu hết người dân cần cấp cứu di chuyển đến bệnh viện bằng phương tiện cá nhân hoặc thuê bên ngoài, tỷ lệ người bệnh đến cấp cứu tại bệnh viện bằng xe cứu thương của các đơn vị rất thấp. Do vậy, khi Trung tâm Cấp cứu 115 được thành lập, sẽ có sự điều phối, hoạt động hiệu quả hơn, giúp nhiều người dân cần cấp cứu được tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh hơn.
Kêu gọi đầu tư xã hội hóa nhiều bệnh viện
Đối với hệ thống y tế ngoài công lập, theo quy hoạch sẽ xây mới thêm nhiều bệnh viện chuyên khoa. Bao gồm: 1 bệnh viện phụ sản đặt tại thành phố Biên Hòa với quy mô từ 100-500 giường bệnh; 2 bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng đặt tại thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu với diện tích từ 1-2 hécta bệnh viện; 1 bệnh viện tai - mũi - họng đặt tại thành phố Biên Hòa có diện tích từ 0,5-1 hécta; 3 bệnh viện mắt đặt tại thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh, huyện Long Thành, quy mô 20-100 giường/bệnh viện; 1 bệnh viện ung bướu đặt tại thành phố Biên Hòa, quy mô 100-300 giường bệnh.
Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 có quy mô dân số từ 4-4,2 triệu dân; đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 97%; tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%. |
Ngoài ra, tỉnh sẽ xây thêm 2 bệnh viện đa khoa cấp vùng (huyện Long Thành và Nhơn Trạch, quy mô 500 giường/bệnh viện); 1 trung tâm y tế chất lượng cao (huyện Thống Nhất); 1 bệnh viện đa khoa (thành phố Long Khánh), 2 bệnh viện đa khoa quốc tế (Long Thành và Nhơn Trạch); Bệnh viện Đa khoa Trảng Bom (huyện Trảng Bom); trung tâm y tế (huyện Nhơn Trạch).
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung chia sẻ, việc quy hoạch các cơ sở y tế ngoài công lập nói trên nhằm tạo tiền đề để thu hút các nhà đầu tư. Qua thực tế, có rất nhiều nhà đầu tư đang có mong muốn đầu tư trên lĩnh vực y tế tại Đồng Nai; trong đó có 3 bệnh viện mắt đang đăng ký thành lập bệnh viện mắt tại Đồng Nai. Đối chiếu với tình hình hiện nay trên toàn tỉnh mới chỉ có hơn 30 bác sĩ chuyên khoa mắt đăng ký hành nghề phục vụ cho hơn 3,2 triệu dân thì việc thu hút đầu tư thành lập mới bệnh viện chuyên khoa mắt là phù hợp.
Lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh, đội ngũ nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn thiếu rất nhiều. So với các chỉ tiêu Chính phủ đề ra thì tỷ lệ giường bệnh, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân, tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân của Đồng Nai mới đạt mức trung bình. Nếu không có quy hoạch các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập thì rất khó để đạt được các chỉ tiêu này.
Nỗ lực thực hiện
Có thể nhận thấy, định hướng phát triển trên lĩnh vực y tế là sẽ khuyến khích thu hút nguồn vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế để đầu tư phát triển hệ thống y tế và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng hiện đại, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, chất lượng. Đồng thời, phát triển hài hòa giữa công tác khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và y tế dự phòng, đảm bảo mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và mở rộng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng cao; nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần và tuổi thọ của nhân dân trong tỉnh.
Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có năng lực chuyên môn, đảm bảo y đức, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tăng cường nâng cao năng lực và đảm bảo hiệu quả hoạt động bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện trung ương trên địa bàn tỉnh. Quan tâm đầu tư và tăng cường năng lực y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, y tế cơ sở, y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao, chủ động ứng phó hiệu quả các loại dịch bệnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, chuyển đổi số y tế, xây dựng y tế thông minh để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành y tế.
Để có thể thực hiện được các mục tiêu trên cần có nỗ lực rất lớn vì trên thực tế hiện nay, nguồn lực để xây mới, sửa chữa, thành lập mới các cơ sở y tế chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, khó khăn về quỹ đất sạch đang là rào cản đối với các nhà đầu tư khi đầu tư tại Đồng Nai.
Một lãnh đạo tỉnh cho biết, trên thực tế, nơi nào đông dân, hạ tầng phát triển, kinh tế phát triển thì nơi đó thu hút được nhà đầu tư. Bởi lẽ, nhà đầu tư khi đầu tư phải tính đến vấn đề lợi nhuận. Tại Đồng Nai, những địa bàn như thành phố Biên Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng lại khó khăn về nguồn đất sạch. Ngược lại, những địa phương khác có sẵn quỹ đất sạch nhưng nhà đầu tư lại không mặn mà.
Do vậy, bên cạnh việc tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, cần phải có giải pháp để có thêm nhiều quỹ đất sạch nhằm phát triển các cơ sở y tế.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin