Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

An Yên
23:00, 08/09/2024

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới đang là một trong những bệnh lý phổ biến hiện nay. Tại Việt Nam, có khoảng 1/4 người trưởng thành mắc bệnh này và đang có xu hướng trẻ hóa, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần so với nam giới.

Một ca phẫu thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
Một ca phẫu thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

Những người tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch. Đặc biệt, những người làm các công việc bắt buộc phải ngồi lâu, đứng lâu mà không vận động, di chuyển, có nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch hơn những người làm các công việc khác.

Dấu hiệu của bệnh ở mức độ nhẹ là người bệnh thấy nặng chân, mỏi chân khi đi lại nhiều, chân phù mềm, nhấn vào chỗ phù thấy lõm mà không đau, đến khi sáng ngủ dậy thì chân không còn phù nữa. Ở mức độ nặng hơn, có những thay đổi về màu sắc da ở vùng cẳng chân, có màu đen hơn, sậm hơn, thậm chí loét da. Nặng nhất là vết loét không lành ở vùng cẳng chân.

TS-BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết khi có các triệu chứng trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa khám, điều trị, không nên tự điều trị tại nhà.

Trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể mang vớ áp lực cao, sử dụng thuốc. Trường hợp bệnh nặng hơn thì cần phẫu thuật. Bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ, gây tê tủy sống cho bệnh nhân, sau đó sử dụng những nguồn năng lượng đặc biệt như laser để luồn vào bên trong hệ thống tĩnh mạch nhằm đốt cháy tĩnh mạch làm tĩnh mạch teo nhỏ lại, không còn hiện tượng ứ máu trong tĩnh mạch.

Phương pháp phẫu thuật này ít xâm lấn, không phức tạp, có thể chữa dứt điểm suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới (là loại suy giãn tĩnh mạch chiếm 90% trong số các loại suy giãn tĩnh mạch).      

An Yên

Tin xem nhiều
biox whey isolate Bệnh viện Emcas tích hợp hệ thống Xquang