Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm lại vị thơm cho tiêu

Đoàn Phú
09:01, 02/08/2024

Vùng đất Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) vốn thích hợp trồng cây tiêu. Cây tiêu sau thời gian bị dịch bệnh, mất giá, hiện được nông dân địa phương phục hồi diện tích.

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ Nguyễn Thành Tân vẫn giữ được 1,2 hécta hồ tiêu của gia đình qua trận dịch diện rộng chết nhanh, chết chậm vào năm 2018. Ảnh: Đ.Phú

Ngoài cải tạo lại diện tích vườn tiêu hiện có, nông dân xã Xuân Thọ còn mạnh dạn tăng thêm diện tích trồng tiêu.

Vực dậy cây tiêu ở xã Xuân Thọ

Nắm bắt thời điểm thời tiết thuận lợi, mưa nắng điều hòa, nông dân Đỗ Văn Cường (ngụ tổ 14, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ) bắt tay vào việc trồng mới lại 5 sào tiêu trên tổng diện tích 1,4 hécta tiêu của gia đình. Sau hơn một tháng trồng, cây tiêu bắt đầu vươn chồi bám vào trụ cây khô và được che mát bởi những tán cây Muồng đen, cây gòn, cây lồng mức…

Vụ tiêu năm 2023, dù vườn tiêu 1,4 hécta của ông Cường chỉ còn lại khoảng 60% số nọc tiêu nhưng ông vẫn thu hoạch được 3,5 tấn. Giá tiêu dao động từ 110-180 ngàn đồng/kg đã tiếp cho ông động lực cần phải nhanh chóng phục hồi diện tích tiêu đã chết, già cỗi, kém năng suất.

Ấp Thọ Lộc (xã Xuân Thọ) có diện tích trồng tiêu nhiều nhất với hơn 100 hécta trong tổng diện tích gần 700 hécta hồ tiêu của xã Xuân Thọ. Cây tiêu một thời giúp cho nông dân địa phương giàu nhanh theo sự vươn mình cùng nông thôn mới. Tuy nhiên, thời điểm năm 2010, cây tiêu ở xã Xuân Thọ và nhiều vùng trồng tiêu lớn khác trong huyện, tỉnh gặp phải dịch bệnh dẫn tới chết dây, giảm năng suất và giá hạt tiêu trên thị trường xuống dưới 50 ngàn đồng/kg làm cho nông dân trồng tiêu thật sự điêu đứng. Vì lẽ đó, trong suốt thời gian dài, các vườn tiêu bị bỏ bê, chăm sóc kém càng thêm xơ xác.

Nông dân trồng tiêu tận dụng cành lá của thân cây làm trụ cho tiêu để làm thức ăn cho dê.
Nông dân trồng tiêu tận dụng cành lá của thân cây làm trụ cho tiêu để làm thức ăn cho dê.

Cây tiêu ở xã Xuân Thọ phần lớn bám thân những cây gòn, cây lồng mức, cây Muồng đen… mà phát triển. Chính vì vậy, ngoài thu nhập từ cây tiêu, nông dân địa phương còn tận dụng lá các cây trồng làm nọc tiêu để chăn nuôi dê, rồi tận dụng nguồn phân dê chăm sóc lại cho vườn tiêu.

Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Thọ Lộc (xã Xuân Thọ) Vương Văn Công bộc bạch, khi hồ tiêu có giá, tổng đàn dê của ấp cũng đạt hàng ngàn con. Mô hình Trồng tiêu kết hợp chăn nuôi dê không cần diện tích đất sản xuất lớn cũng mở ra cơ hội khá, giàu cho nông dân.

“Chỉ cần 2-3 sào đất, nông dân vẫn phát triển được mô hình Trồng tiêu kết hợp với làm chuồng trại chăn nuôi dê. Mô hình này cho nông dân thu nhập trung bình từ 100-150 triệu đồng/sào/năm. Cho nên, dù đất sản xuất ít, nhiều hộ nông dân trong ấp Thọ Lộc vẫn có cuộc sống ổn định, lo cho con ăn học” - ông Vương Văn Công cho biết.

Đầu năm 2024, giá hồ tiêu bắt đầu tăng dần đến mốc gần 200 ngàn đồng/kg, càng tạo động lực cho nông dân xã Xuân Thọ tập trung vốn, kỹ thuật, công sức chăm sóc diện tích vườn tiêu hiện còn gần 700 hécta, trong đó tập trung cải tạo lại một số diện tích tiêu đã già cỗi, kém năng suất và cả trồng mới.

“Nông dân chúng tôi đang nỗ lực lấy lại vị thế cho cây tiêu địa phương và tìm lại vị thơm cay của nó cho cuộc sống của chính mình” - nông dân Huỳnh Tùng (ngụ ấp Thọ Tân, xã Xuân Thọ) bày tỏ.

Kỳ vọng tương lai

Cây tiêu có mặt nơi vùng đất Xuân Thọ khi việc khai hoang phục hóa vùng đất của nhà nông đã thành hình.

Nông dân Trần Tư (quê tỉnh Quảng Nam, ngụ ấp Thọ Hòa, xã Xuân Thọ) kể, năm 1980, khi ông về đây lập nghiệp đã thấy cây tiêu xuất hiện tại nhiều khu rẫy cao của nông dân. Lúc đó, gỗ rừng còn nhiều nên nông dân trồng tiêu bằng nọc chết (tức dùng gỗ rừng làm trụ để cho cây tiêu leo).

“Dù cây tiêu giá trị hơn các cây ngắn ngày, nông dân cũng không dám trồng nhiều vì không đủ sức quay từng thùng nước giếng tưới cho cây tiêu vào mùa nắng. Mãi đến những năm 1990, máy dầu phổ biến và có điện lưới nên việc trồng tiêu mới phát triển mạnh” - ông Tư bày tỏ.

Năm 2010, cây tiêu trở thành cây trồng chính của nông dân xã Xuân Thọ, bên cạnh những cây trồng chính như: lúa, bắp, cà phê, điều, hoa màu. Tuy nhiên, thời điểm này, cây tiêu được đánh giá là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn các cây trồng khác khi một hécta tiêu cho thu nhập từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Cũng ở thời điểm này, vùng đất ấp Thọ Lộc (xã Xuân Thọ) xuất hiện người trồng tiêu giỏi nhất thế giới Trần Hữu Thắng (nông dân gọi là “vua” tiêu). Nông dân Thắng nổi tiếng với kỹ thuật chăm sóc vườn tiêu cho năng suất ổn định từ 8-11 tấn/hécta/vụ, lợi nhuận đạt trên 600 triệu đồng/hécta/năm.

Thời điểm năm 2018-2020, giá hồ tiêu bắt đầu hạ, cùng với dịch bệnh chết nhanh, chết chậm xuất hiện diện rộng khắp các vườn tiêu trong và ngoài xã Xuân Thọ. Điều này càng làm cho người trồng tiêu không chỉ ở xã Xuân Thọ mà khắp nơi thua lỗ nặng, dẫn tới ngưng đầu tư chăm sóc, chuyển sang trồng cây khác.

Nông dân xã Xuân Thọ giờ gặp nhau là bàn về chuyện cải tạo lại vườn tiêu.
Nông dân xã Xuân Thọ giờ gặp nhau là bàn về chuyện cải tạo lại vườn tiêu.

“Thời điểm năm 2019, giá hồ tiêu chỉ còn 40-50 ngàn đồng/kg thì vườn tiêu càng thêm xơ xác vì dịch bệnh trên cây tiêu, lẫn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên khi bàn về sự phục hồi vườn tiêu, người trồng tiêu rất kiệm lời. Nay giá tiêu có thời điểm lên tới gần 200 ngàn đồng/kg nên chỉ cần một người mở lời sẽ có nhiều người tham gia góp ý” - nông dân Phạm Văn Hoành (ngụ ấp Thọ Trung, xã Xuân Thọ) tâm sự.

Theo một số nông dân trồng tiêu ở xã Xuân Thọ, lý do họ phục hồi diện tích vườn tiêu vì cây tiêu đã qua giai đoạn dịch bệnh chết nhanh, chết chậm diện rộng, nguồn tiêu xuất khẩu đang khan hiếm, phần lớn diện tích trồng tiêu cũ đã được nông dân chuyển sang trồng cây dài ngày nên không dễ dàng quay lại với tiêu ngay được. Tuy vậy, hiện người trồng tiêu đang gặp khó khăn về giống khi cải tạo vườn; nhân công trồng, chăm sóc, thu hoạch tiêu khó tìm và giá cao…

Thời tiết tháng 8, mưa nắng điều hòa làm cho các vườn tiêu đang cho thu hoạch của nông dân xã Xuân Thọ thêm xanh, sung sức ra hoa, kết hạt. Riêng các vườn tiêu mới trồng thì nhanh chóng vươn lên những lá non xanh mướt. Thêm một lần nông dân xã Xuân Thọ nỗ lực quay lại với cây tiêu. Hy vọng thời gian tới, cây tiêu sẽ giúp nông dân địa phương làm giàu, cuộc sống ngày càng sung túc.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều