Khi đã 35 tuổi, con trai đầu học trung học cơ sở (THCS), ông Nguyễn Thái Hiệp (sinh năm 1967, ngụ tại xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) mới bắt đầu đi học bổ túc lớp 6. Vừa cùng vợ làm kinh tế gia đình để nuôi 3 con ăn học, vừa dành thời gian đi học, ông Hiệp còn tích cực tham gia công tác khuyến học ở địa phương.
Phó hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Sơn (huyện Tân Phú) Nguyễn Tùy Ý Anh tặng hoa cho ông Nguyễn Thái Hiệp. Ông Hiệp đã truyền cảm hứng để cô Ý Anh theo đuổi việc học sau đại học. Ảnh: NVCC |
Miệt mài như vậy suốt 12 năm, ông Hiệp đã vượt qua bậc THCS, trung học phổ thông rồi tốt nghiệp đại học. Hiện ông Hiệp đang là Phó chủ tịch Hội Khuyến học xã Phú Lâm.
Đi học vì được làm đại diện cha mẹ học sinh
Đối với những người làm công tác khuyến học ở huyện Tân Phú, ông Hiệp thực sự là tấm gương sáng về tinh thần học tập suốt đời. Năm 2001, con trai đầu học lớp 6, ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Tự nhận thấy trình độ, kiến thức bản thân còn thấp (chưa tốt nghiệp THCS), năm 2003, ông Hiệp đã đăng ký đi học bổ túc chương trình THCS và bắt đầu học từ lớp 6.
Năm 2011, ông thi đậu tốt nghiệp trung học phổ thông và tạm ngưng việc học 1 năm, sau đó đi học đại học. Đến năm 2017, ông có trong tay tấm bằng đại học trước sự ngỡ ngàng của rất nhiều người. Không ai nghĩ rằng ông có thể kiên trì theo đuổi việc học được đến như vậy.
Hơn 20 năm làm công tác khuyến học, ông NGUYỄN THÁI HIỆP đã nhận được nhiều phần thưởng. Trong đó, năm 2023, ông được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Ở địa phương, gia đình ông được công nhận là Gia đình học tập tiêu biểu.
Ông Hiệp nhớ lại quãng thời gian đầy khó khăn đó: “Ban ngày bận rộn mưu sinh, làm kinh tế gia đình, lại phải dành thời gian để chăm lo công tác khuyến học ở địa phương, dù vậy, tôi vẫn không sao nhãng việc học. Tôi kiên trì dành thời gian học bài vào mỗi buổi tối. Làm riết rồi thành đam mê. Sự học cũng làm cho con người mình ngày càng ham thích học hỏi hơn”.
Thời gian đi học đại học, mỗi tuần ông có lịch học vào 3 ngày: thứ năm, thứ bảy và chủ nhật. Đó là quãng thời gian đầy khó khăn đối với gia đình ông, vì khi đó con trai đầu của ông cũng đang học đại học, 2 người con thứ đang học phổ thông. Vì chồng đi học, bà Lại Thị Thắm, vợ ông Hiệp, phải gánh vác việc nhà nhiều hơn.
Bà Thắm tâm sự: “Thời điểm chồng đi học, kinh tế gia đình còn khó khăn, lúc đó cũng có khi tôi “cằn nhằn” chồng vì cứ bỏ việc nhà mà đi suốt. Nhưng thấy chồng kiên trì, quyết tâm theo đuổi việc học, tôi cũng mừng. Các con thấy cha như vậy cũng noi theo, không sao nhãng việc học. Tôi quyết tâm có khó khăn đến mấy cũng phải nuôi cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Vì vậy, các con tôi đều học đến đại học”.
Chăm lo công tác khuyến học địa phương
Năm 2002, Hội Khuyến học xã Phú Lâm thành lập, ông Hiệp là một trong những người đầu tiên tham gia công tác hội ở xã, nằm trong ban chấp hành lâm thời. Năm 2006, ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội Khuyến học xã và làm nhiệm vụ này cho đến nay. Đến năm 2017, khi đã có bằng tốt nghiệp đại học, ông Hiệp vừa làm Phó chủ tịch Hội Khuyến học vừa được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã.
Hơn 20 năm làm công tác khuyến học ở cơ sở, ông Hiệp đã góp sức chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của địa phương. Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ông tìm mọi cách giúp đỡ để các em được đến trường, có điều kiện để học tập, khi thì dùng tiền cá nhân, khi thì vận động mạnh thường quân.
Bà LẠI THỊ THẮM rất tự hào về quá trình học tập của chồng. Mỗi khi địa phương có kê khai về trình độ học vấn của các thành viên trong hộ gia đình, bà luôn nói về chồng: “Anh ấy tốt nghiệp đại học” rồi đem tấm bằng đại học của chồng ra khoe. Đây chính là điều làm ông Hiệp cảm thấy vinh dự nhất.
Khi đi vận động mạnh thường quân, ông Hiệp có cuốn sổ riêng đóng dấu của UBND xã, có công văn đồng ý của xã cho đi vận động và luôn đi một nhóm để công khai, minh bạch về các khoản đóng góp.
Xã Phú Lâm có khoảng 95% người dân theo đạo Công giáo, bản thân ông Hiệp cũng là người Công giáo. Vì vậy, ông Hiệp thường xuyên gặp các linh mục để được sự phối hợp trong công tác khuyến học. Nhờ đó, công tác khuyến học ở địa phương có nhiều thuận lợi hơn.
Về làm kinh tế gia đình, ông Hiệp được xếp vào diện nông dân sản xuất giỏi. Thời điểm gia đình khó khăn nhất, ông Hiệp từng phải đi bán cà-rem dạo, bán cà phê. Dần dần, gia đình ông mở được nhà hàng, gia đình có của ăn của để, có điều kiện lo cho các con ăn học.
Cô Nguyễn Tùy Ý Anh, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Sơn (huyện Tân Phú) chia sẻ: “Ông Hiệp là cán bộ gương mẫu, nói đi đôi với làm, đặc biệt trong tinh thần tự học và học tập suốt đời. Tinh thần học tập này đã lan tỏa, có sức ảnh hưởng đến những người xung quanh. Với riêng bản thân tôi, năm 2017, ông Hiệp tốt nghiệp đại học đã làm tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi không nghĩ rằng ông có thể duy trì được việc học và hoàn thành nó trong thời gian dài như vậy. Tôi cũng từng đặt mục tiêu học sau đại học để phục vụ cho công việc của mình nhưng bị gián đoạn, chính tấm gương của ông làm tôi quyết tâm chinh phục mục tiêu này”.
Về phần mình, ông Hiệp khiêm tốn cho hay, ông không nghĩ rằng việc học hay kể cả việc làm công tác khuyến học của mình là sự thành công mà chỉ mong muốn được đóng góp chung cho công tác xã hội. Phần thưởng đối với ông chính là sự thừa nhận, động viên của bà con lối xóm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin