Đồng Nai đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển đột phá khi hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, đặc biệt với siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Lãnh đạo Công ty TNHH SMC Việt Nam đến bàn giao thiết bị đào tạo ngành tự động hóa cho Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: C.NGHĨA |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chia sẻ: “Cơ hội mới mở ra trước mắt rất lớn nên tỉnh đang nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực trình độ cao, kỹ năng tốt để có thể tận dụng được cơ hội phát triển mới này”.
Tiềm năng cho lao động chất lượng cao
Đồng Nai đã biết tận dụng thời cơ và có những bước phát triển mạnh mẽ khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng trong nhiều năm qua. Minh chứng rõ nhất là tỉnh đã “đi tắt đón đầu” thành lập các khu công nghiệp tập trung, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đến đầu tư. Từ đó đã tạo ra hàng trăm ngàn việc làm, cải thiện đời sống người dân, đồng thời còn đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách quốc gia hàng năm.
Thực hiện những nhiệm vụ đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Đồng Nai tiếp tục có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực hạ tầng với hàng loạt công trình trọng điểm cấp quốc gia về giao thông đang ở giai đoạn nước rút. Sự phát triển ngày càng đồng bộ đang mở ra những cơ hội lớn cho Đồng Nai tiếp tục thu hút các dòng vốn đầu tư công nghệ cao đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, dù cả thế giới vừa trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế.
Nếu như cả năm 2023, Đồng Nai thu hút được 1,2 tỷ USD (tăng trên 11% so với năm 2022) thì chỉ trong 7 tháng của năm 2024, tỉnh đã thu hút hơn 1 tỷ USD (tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2023). Như vậy, chỉ mất 7 tháng, Đồng Nai đã vượt chỉ tiêu về thu hút vốn đầu tư năm 2024 (kế hoạch xác định thu hút vốn đầu tư nước ngoài là 700 triệu USD, vốn trong nước 2.000 tỷ đồng).
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, dòng vốn mới vào Đồng Nai theo đúng định hướng chọn lọc của tỉnh, trong đó có ngành sản xuất bán dẫn, cơ khí chế tạo, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, linh kiện điện tử… là những ngành ít thâm dụng lao động nhưng lại tạo ra giá trị gia tăng lớn. Đặc biệt, có 3 dự án lĩnh vực bán dẫn của Hoa Kỳ đầu tư vào Đồng Nai có số vốn lên tới 127 triệu USD. Tuy nhiên, đây là những dự án công nghệ mới với Đồng Nai nên việc đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn là điều rất quan trọng. Đây chính là cơ hội lớn, cũng là thách thức với chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Không chỉ nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn, mà nhân lực ngành hàng không và logistics cũng đang là những ngành đòi hỏi cao cả chất lượng và số lượng, nhất là khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng biển Phước An đi vào hoạt động. Điều đáng trăn trở là đào tạo nhân lực các ngành: bán dẫn, chíp, hàng không, logistics đều là những ngành còn rất mới mẻ đối với các cơ sở đào tạo nhân lực tại Đồng Nai. Do đó, muốn tận dụng được thời cơ, tỉnh phải thúc đẩy các trường đi tắt đón đầu, đẩy nhanh hình thành các ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực nói trên.
Bắt tay với doanh nghiệp, tăng tốc đào tạo
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở những lĩnh vực mới đã được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025).
Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 thực hành trên máy CNC tự động của Đức. |
Thời gian qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã có một số buổi làm việc tập trung với các trường đại học, cao đẳng của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy còn trực tiếp đến thăm và làm việc với các cơ sở đào tạo để tìm hiểu thực tế về công tác đào tạo nhân lực.
Không dừng lại đó, lãnh đạo tỉnh còn xúc tiến hợp tác giữa các cơ sở đào tạo của tỉnh với các DN, qua đó đẩy nhanh hơn các bản ký kết hợp tác đào tạo nhân lực trọng yếu mà tỉnh cần cho quá trình chuyển đổi mô hình thu hút đầu tư và tăng trưởng. Một số trường đại học, cao đẳng của tỉnh đã chủ động nâng cấp và làm mới mình thông qua hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ trong nước và hướng đến kiểm định khu vực Đông Nam Á và Hoa Kỳ.
Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (đóng tại huyện Long Thành) Nguyễn Khánh Cường cho biết, trường đã có những bước đi sớm đào tạo nhân lực chất lượng cao. Điều này được thể hiện qua một loạt ngành cơ khí chế tạo, điện tử, điện lạnh đạt trình độ quốc tế tương đương với các nước: Mỹ, Anh, Đức. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng để trường vươn sang đào tạo ngành kỹ thuật hàng không, mới nhất là nhận chuyển giao từ Tổ chức BTEC Pearson (Anh) chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn và tín chỉ carbon. Đặc biệt, nhà trường chính là cơ sở đào tạo đầu tiên của cả nước đào tạo nhân lực về lĩnh vực tín chỉ carbon.
Không dừng lại quá lâu sau những bản ký kết trên giấy, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đang nhanh chóng hình thành nên một tổ hợp đào tạo ngành hàng không lớn, không chỉ phục vụ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mà còn cho ngành hàng không Việt Nam. Ngoài hợp tác đào tạo với Hãng hàng không Vietjet Air từ năm 2023, tháng 5 vừa qua, với sự hỗ trợ của tỉnh, nhà trường đã hợp tác với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS).
GS-TS NGUYỄN MINH HÀ, Hiệu trưởng Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh:
Hạ tầng đồng bộ, nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt cho Đồng Nai phát triển
Quy hoạch và hạ tầng của tỉnh đang ngày một hoàn thiện là yếu tố rất quan trọng để tỉnh có thêm nhiều động lực phát triển. Bên cạnh đó, phải đặc biệt chú trọng đến số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là ở những ngành mới như: nhân lực hàng không, vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin, logistics… Trong quá trình đào tạo phải chú ý đến đào tạo kỹ năng, nhất là kỹ năng ngoại ngữ cho người lao động.
Trường đại học Lạc Hồng đang mở các ngành đào tạo mới bám sát nhu cầu sử dụng nhân lực mới của tỉnh. Năm 2022, trường chính thức mở ngành đào tạo logistics. Năm 2023, trường mở ngành trí tuệ nhân tạo (AI). Còn đầu năm 2024, trường hợp tác với Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu về xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn và đã chính thức mở ngành đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn từ mùa tuyển sinh đại học năm 2024 này.
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, cho biết trường đã chuẩn bị mở ngành thiết kế vi mạch bán dẫn từ 3 năm trước thông qua sự hợp tác bồi dưỡng giảng viên với Đại học Arizona của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng thúc đẩy nhà trường hợp tác với một số DN sản xuất bán dẫn tại Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh để bồi dưỡng giảng viên, hỗ trợ sinh viên đến tham quan, trải nghiệm.
Thời gian qua, một số DN của Nhật Bản đã hỗ trợ Trường đại học Lạc Hồng thiết bị, chương trình đào tạo ngành tự động hóa, một phần liên quan đến công nghệ sản xuất vi mạch bán dẫn. Nhà trường chủ động hợp tác với một số trường đại học tại Đài Loan (Trung Quốc) đưa giảng viên, sinh viên sang học tập về ngành sản xuất vi mạch bán dẫn và chíp.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin