Ước tính, Việt Nam có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn và 50% trong số đó là dưới 30 tuổi.
Một em bé được sinh ra bằng phương pháp IVF tại Bệnh viện Âu Cơ. Ảnh: Bích Nhàn |
Tình trạng này gia tăng ở cả nam lẫn nữ với nhiều nguyên nhân khác nhau: mắc các bệnh lý về sinh sản hoặc do lối sống và có những trường hợp không rõ nguyên nhân. Vô sinh, hiếm muộn đang là nỗi lo của nhiều gia đình Việt.
Ly hôn vì khó có con
Sau 5 năm kết hôn lần đầu, chị N.T.V. (hiện 38 tuổi, ngụ tại phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa) không có con. Lần đầu tiên chị V. mang thai sau khi kết hôn không lâu nhưng khi thai 16 tuần thì bị thai lưu không rõ nguyên nhân. Suốt thời gian dài, 2 vợ chồng trông đợi rồi chạy chữa vẫn không có con.
“Có lần 2 vợ chồng quyết định làm IUI (bơm tinh trùng vào buồng trứng) và may mắn là tôi có thai. Nhưng chỉ vài tuần sau khi nhận tin mang thai thì tôi lại nhận tin thai ngoài tử cung. Tôi thất vọng cùng cực vì 2 vợ chồng đã kết hôn được 5 năm rồi. Chồng tôi khi ấy cũng không chấp nhận kết quả này. Và chúng tôi… ly hôn” - chị V. kể lại.
Vài năm sau, chị V. kết hôn với người chồng thứ 2 và con đường tìm con vẫn gian nan. Nhưng lần này, chị chọn làm IVF (thụ tinh ống nghiệm) và mang thai.
“Tôi đã khóc vì niềm hạnh phúc được làm mẹ. Dù vậy, khi mang thai ở tuần thứ 30, bé bị thiếu nước ối. Cứ 3 ngày tôi phải đi khám và theo dõi thai 1 lần. Đến khoảng 35 tuần, bác siêu âm tại Bệnh viện Âu Cơ thấy không còn nước ối thì quyết định mổ đưa con ra ngay trong đêm” - chị V. chia sẻ.
Nghe tiếng bé khóc vang phòng sinh, cả người mẹ lẫn ê-kíp y bác sĩ đều rất vui.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Chuyên khoa Hiếm muộn - phụ sản, Bệnh viện Âu Cơ (người trực tiếp thăm khám thai và mổ sinh cho chị V.) cho biết thêm, chỉ vài phút sau sinh, em bé lại thở không tốt.
Các bác sĩ khoa nhi của bệnh viện đã lập tức đưa em bé lên phòng hồi sức nhi để gắn máy trợ thở, tiếp tục hành trình gần 10 ngày trong hồi sức. Lúc này, bé bị ói dịch nâu, không bú được và bị nhiễm trùng. Nhưng bé đã dần khỏe lại, xuất viện. Giờ bé đã được vài tháng tuổi, khỏe mạnh.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2023, cứ 6 người trưởng thành có 1 người vô sinh ở một thời điểm nào đó trong đời.
Kết hôn và sinh con là mong muốn của hầu hết các cặp vợ chồng nhưng với nhiều gia đình, hành trình có con khá gian nan. Để hạn chế tình trạng vô sinh, hiếm muộn, các bác sĩ khuyến cáo, mỗi người nên có lối sống lành mạnh, khám tiền hôn nhân để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sinh sản.
Một ca hiếm muộn khá đặc biệt khác mà bác sĩ Thu Hà không thể quên bệnh nhân của mình từ những ngày đầu tiên về làm việc tại Bệnh viện Âu Cơ. Đó là trường hợp chị H.B.N. (ngụ tại thành phố Biên Hòa).
Ngay lần đầu tiên gặp bệnh nhân đến khám hiếm muộn tại Bệnh viện Âu Cơ, tệp hồ sơ khám hiếm muộn của chị N. đã dày gấp 10 lần người khác. Có lẽ vì vậy, mặt chị N. lúc nào cũng buồn. Sau nhiều lần IUI thất bại, chị N. quyết định làm IVF.
Sau nhiều năm liền chữa trị hiếm muộn, nhiều gia đình đã nhận tin vui làm cha, làm mẹ. Ảnh: BVCC |
“Đây là ca IVF tốn chi phí thấp nhất với liều thuốc chỉ bằng 1/2 so với bình thường. Nhưng may mắn là ngay lần làm IVF đầu tiên, chị N. đã có thai. Nhưng phải đến khi có thai 10 tuần và phát triển ổn định, tôi mới thấy nụ cười của chị N.” - bác sĩ Thu Hà kể.
Nỗi lo của nhiều gia đình Việt
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Trong đó, tại Việt Nam, ước tính, có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh và 50% trong số đó là dưới 30 tuổi. Vô sinh, hiếm muộn đang là nỗi lo của nhiều gia đình Việt.
Bác sĩ Thu Hà cho hay, có nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng này gia tăng ở cả nam lẫn nữ đều mắc các bệnh lý về sinh sản hay lối sống như: viêm tắc vòi trứng, lạc nội mạc tử cung, rối loạn chuyển hóa, hút thuốc, sử dụng chất kích thích…
Ngoài ra, độ tuổi kết hôn ngày càng cao hay tỷ lệ nạo phá thai tăng cũng là những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ hiếm muộn tăng cao.
Một em bé mới chào đời tại Bệnh viện Âu Cơ. Ảnh: BVCC |
Dù vậy, quan điểm của nhiều người luôn cho rằng, hiếm muộn phần lớn là do phụ nữ.
“Tôi cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp cả 2 vợ chồng đi chữa hiếm muộn suốt nhiều năm nhưng người chồng không chịu khám và luôn cho rằng do vợ “có vấn đề”. Nhưng sau khi được bác sĩ tư vấn, người chồng đã chịu khám và làm cận lâm sàng. Kết quả là người chồng không có tinh trùng trong tinh dịch và là nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh” - bác sĩ Thu Hà chia sẻ.
Thực tế, cả nam lẫn nữ đều có tỷ lệ bị hiếm muộn như nhau, nam và nữ là 40%, 20% còn lại là chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể. Do đó, các cặp vợ chồng không sử dụng biện pháp tránh thai nào và quan hệ tình dục thường xuyên mà trên 1 năm với phụ nữ dưới 35 tuổi, dưới 6 tháng với phụ nữ trên 35 tuổi vẫn chưa có con thì cần phải đi khám hiếm muộn.
Bích Nhàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin