Báo Đồng Nai điện tử
En

Địa phương ‘sát sườn’ công bố dịch sởi, Đồng Nai cần làm gì?

Bích Nhàn
07:59, 14/08/2024

Trong 7 tháng đầu năm 2024, Đồng Nai ghi nhận khoảng 20 ca bệnh nhi mắc bệnh sởi tại các địa phương như: thành phố Biên Hòa, các huyện: Nhơn Trạch, Trảng Bom, Tân Phú, Long Thành.

Vài tuần nay, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện do bị sởi. Ảnh: Bích Nhàn
Vài tuần nay, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện do bị sởi. Ảnh: Bích Nhàn

Dù ca mắc chưa quá đông, chưa phải công bố dịch như đề xuất của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh nhưng Sở Y tế Đồng Nai lo ngại bệnh sởi sẽ bùng phát vì virus sởi đã tồn tại trong cộng đồng.

Nhiều trẻ nhập viện chữa sởi

Vài tuần nay, khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân phải nhập viện chữa sởi. Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 8, khoa đã tiếp nhận 7 ca bệnh sởi. Trong đó, nhiều trẻ phải hỗ trợ thở oxy có viêm phổi kèm theo.

Không chỉ ghi nhận ở trẻ nhỏ, đợt này, ngay cả trẻ lớn cũng mắc bệnh và phải nằm viện chữa trị.

Dù đã 14 tuổi, con trai chị Nguyễn Thị Hồng, ngụ xã Phú Lợi, huyện Định Quán vẫn phải nhập viện chữa sởi. Trước đó, con trai chị Hồng đã sốt 3 ngày tại nhà và bắt đầu phát ban đỏ. Khi nhập viện, em đã trong tình trạng sốt cao nhiều ngày liền và đau họng. “Tôi chỉ nghĩ con bị dự ứng mới nổi mẩn đỏ, không nghĩ con lớn vậy mà còn bị bệnh sởi. Nhưng thấy tình trạng con sốt không dứt, tôi mới đưa vào viện cấp cứu và phải nằm viện chữa trị. Cháu chưa từng tiêm vaccine ngừa sởi” – chị Hồng chia sẻ.

Chăm con trong bệnh viện, anh Mai Hoàng Trung, ngụ huyện Tân Phú cho hay, anh khá bất ngờ khi con mắc bệnh sởi. Bởi từ khi sinh ra, anh luôn đưa con đi tiêm ngừa theo lịch của trạm y tế xã. Anh Trung kể: “Khi bế con vào viện, bé sốt cao, mê man và không ăn uống được và phải thở oxy do viêm phổi nữa. Tôi thắc mắc là sao bé đã tiêm vaccine đủ 2 mũi nhưng bé vẫn bị sởi?”.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, theo lý thuyết, khi tiêm mũi thứ nhất vaccine sởi sẽ ngừa được 85% nguy cơ mắc bệnh, tiêm mũi thứ 2 thì hiệu quả ngừa bệnh lên đến 97%. Như vậy, vẫn còn 3% bị bệnh. Thông thường, những trẻ đã tiêm ngừa vaccine sẽ có đề kháng tốt hơn và không bị suy hô hấp hay bệnh quá nặng khi bị sởi.

Từ đầu năm 2024 đến nay, đa phần các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cung ứng đều không đủ so với nhu cầu của tỉnh đã đề xuất.

Trong đó, tỷ lệ nhận được dưới <58,3% so với nhu cầu bao gồm các loại vaccine như: viêm não Nhật Bản (29,5%), DPT – ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván (38,6%), Uốn ván (41,2%).

Các loại vaccine có tỷ lệ nhận được trên 58,3% gồm: Sởi (63,3%), MR – sởi và rubella (73,8%). Riêng vaccine Rota theo Chủ trương của tỉnh triển khai trong năm 2024, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có vaccine để tổ chức cho trẻ uống.

Đồng Nai cần làm gì?

Liên quan đến vấn đề tiêm ngừa vaccine phòng bệnh sởi, các bác sĩ cũng khuyến cáo phụ huynh, khi trẻ đến tuổi cần tiêm phòng đủ liều đúng dịch cho trẻ để hạn chế mắc sởi và diễn tiến nặng do bệnh truyền nhiễm này.

Bác sĩ Quyền nhấn mạnh: “Thực tế đã ghi nhận nhiều trẻ nhập viện dương tính với sởi, đồng nghĩa với virus sởi đã có trong cộng đồng. Do đó, các bậc phụ huynh không nên chủ quan với căn bệnh này”.

Bác sĩ Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế cho hay, dù chưa công bố dịch sởi nhưng Sở Y tế vẫn lo ngại dịch sởi sẽ xảy ra. Nguyên nhân là mật độ dân cư tại Đồng Nai đông, nhiều khu nhà trọ chật hẹp, chưa đảm bảo môi trường sống nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các loại bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, thủy đậu…

“Cùng thời điểm này năm ngoái, tỉnh không ghi nhận ca mắc sởi nhưng năm nay đã xuất hiện những trẻ mắc bệnh và phải nhập viện chữa trị. Trước đây, bệnh sởi hay một số bệnh truyền nhiễm khác đã được kiểm soát tốt bằng tiêm ngừa vaccine nhưng giờ lại “tái xuất” - bác sĩ Trung chia sẻ.

Bác sĩ Quyền khám cho bệnh nhi mắc sởi. Ảnh: Bích Nhàn
Bác sĩ Quyền khám cho bệnh nhi mắc sởi. Ảnh: Bích Nhàn

Do đó, ngành Y tế vẫn phải tăng cường công tác “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, kịp thời xử lý ổ dịch, vệ sinh môi trường nhất là trường học, trường mẫu giáo. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tiêm ngừa vaccine sởi nói riêng và các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nói chung, bảo đảm cho các bé trong độ tuổi tiêm chủng phải được tiêm ngừa đầy đủ nhất.

Tuy nhiên, bác sĩ Trung cho biết thêm, Đồng Nai cũng gặp khó khăn trong việc triển khai Chương trình TCMR do thiếu nhiều loại vaccine suốt nhiều tháng qua. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới được cung ứng khoảng 58% tổng lượng vaccine cần thiết, cá biệt có những loại vaccine như ho gà, bạch hầu, uốn vãn, viêm não Nhật Bản… còn thấp dưới 50%.

Trước tình hình các loại bệnh có nguy cơ bùng phát, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế cần dự phòng thuốc, trang thiết bị để sẵn sàng chữa trị cho bệnh nhân. Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã bố trí 1 khu riêng để cách ly những trẻ nhiễm các bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, thủy đậu… Mục đích là giảm lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng. Ngoài ra, bác sĩ Quyền cũng khuyến cáo, các trẻ chưa chích ngừa sởi mà mắc bệnh vẫn cần được chích ngừa vaccine sau khi khỏi bệnh để phòng ngừa.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều