Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất người mắc bệnh hiểm nghèo được hưởng 100% bảo hiểm y tế

Hạnh Dung
07:10, 29/08/2024

Bộ Y tế vừa có báo cáo đánh giá tác động của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) lần 2.

Bác sĩ động viên bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đồng Nai - 2. Ảnh: H.Dung
Bác sĩ động viên bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đồng Nai - 2. Ảnh: H.Dung

Ở phần nội dung điều chỉnh phạm vi quyền lợi hưởng BHYT phù hợp với mức đóng BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn, Bộ Y tế đề xuất những người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo như: ung thư, đột quỵ, bại liệt được hưởng BHYT 100% trong phạm vi được hưởng.

Người dân đồng tình cao

Chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật BHYT hiện hành theo tỷ lệ thanh toán lần lượt là 80%, 95% và 100% đối với từng trường hợp cụ thể.

Theo đề xuất của Bộ Y tế, những bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kỹ thuật cao không cần phải thực hiện trình tự, thủ tục khám, chữa bệnh BHYT như thông thường, không cần phải xin giấy chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên như trước đây. Họ được đến thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao hơn, bệnh viện tuyến cuối để khám, chữa bệnh ngay và được hưởng BHYT 100% trong phạm vi hưởng và mức hưởng.

42 bệnh được xếp vào danh mục bệnh hiểm nghèo như: ung thư, nhồi máu cơ tim, phẫu thuật động mạch vành, phẫu thuật thay van tim, đột quỵ, hôn mê, mù 2 mắt, mất 2 chi, mất thính lực, bệnh parkinson, bại liệt, bệnh lupus ban đỏ, bỏng nặng, bệnh cơ tim, suy thận, viêm màng não do vi khuẩn, suy gan, ghép tủy, bệnh HIV do nghề nghiệp, chấn thương sọ não nặng, bệnh xơ cứng rải rác, teo cơ tiến triển...

Quy định trên nếu được chấp thuận sẽ giúp tiết kiệm chi cho Quỹ BHYT do người bệnh không phải khám nhiều lần ở tuyến dưới và khám lại ở cấp trên. Từ đó, góp phần giảm số lượt khám bệnh và tăng tính hiệu quả của mỗi đợt điều trị. Ngoài ra, người dân sẽ tiết kiệm được chi phí đi lại và chi phí đồng chi trả trong trường hợp phải tự đi khám, chữa bệnh vượt cấp.

Đề xuất này của Bộ Y tế nhận được sự đồng tình cao của người dân. Ông Nguyễn Văn Diện (ngụ xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) cho biết, cha ông năm nay hơn 90 tuổi, bị mất thính lực, suy gan. Ông cụ mua thẻ BHYT ở trạm y tế xã. Mỗi lần muốn lên bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện tuyến trên ở Thành phố Hồ Chí Minh để khám, chữa bệnh, gia đình ông tốn khá nhiều thời gian, công sức để đi xin giấy chuyển viện từ tuyến xã (hạng 4) lên cơ sở y tế hạng 3 (trung tâm y tế/phòng khám tư nhân), sau đó mới có thể chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh. Rồi từ đây lại tiếp tục xin giấy chuyển tuyến lên tuyến cuối ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin vui của nhiều người bệnh

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh phát hiện hơn 2,8 ngàn bệnh nhân ung thư mới. Qua đó nâng tổng số bệnh nhân ung thư đang được quản lý trong toàn tỉnh lên hơn 15,6 ngàn người, Trong số này, có 545 ca đã tử vong, hơn 15 ngàn trường hợp còn sống.

Dựa trên số liệu ghi nhận của các bệnh viện, bệnh ung thư phân bổ đa dạng và tập trung vào nhóm ung thư đường tiêu hóa, ung thư phụ khoa. Bệnh ung thư vú chiếm tỷ lệ cao nhất là 15,6%, tiếp đến là ung thư đại trực tràng 14%.

Điều dưỡng trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark Vũ Xuân Quý cho biết, khoa đang điều trị cho 40 bệnh nhân ung thư, trong đó có 23 ca điều trị nội trú, 17 ca xạ trị. Bệnh nhân mắc ung thư rất đa dạng như: ung thư vú, ung thư gan, ung thư đại tràng, cổ tử cung, tuyến tiền liệt, lưỡi, vòm họng, phổi… Hầu hết bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh gia đình khó khăn và đang được hưởng BHYT tỷ lệ 80%.

“Một bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị sẽ thực hiện xạ 25 tia, giá xạ mỗi tia là 2 triệu đồng. Nếu bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ phải chi trả 50 triệu đồng cho 25 lần xạ trị, chưa tính nằm viện sẽ phát sinh thêm chi phí. Nếu bệnh nhân có BHYT hưởng 100% thì chỉ đóng thêm 400 ngàn đồng/đợt xạ trị, tương đương 10 triệu đồng, giảm được 40 triệu đồng” - điều dưỡng Vũ Xuân Quý nói.

ThS-BS Đoàn Thị Hòa, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đồng Nai - 2, cho biết bệnh nhân chạy thận tại bệnh viện phần lớn có thẻ BHYT 100%. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp thẻ BHYT hưởng 80%, 95% hoặc chưa kịp mua thẻ BHYT. Mỗi bệnh nhân phải chạy thận 3 lần/tuần, mỗi lần từ 3-4 tiếng. Dù đã được BHYT chi trả 100% mức hưởng nhưng hàng tháng, mỗi bệnh nhân cũng phải chi trả từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng tùy vào nhu cầu mua thêm quả lọc hay sử dụng các dịch vụ khác ngoài BHYT.

Ông P.T.Q. (41 tuổi, ngụ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) cho hay, ông chạy thận đã 13 năm nên thấu hiểu sự vất vả của những bệnh nhân chạy thận, cũng như bệnh nhân mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo.

“Nếu không có Quỹ BHYT chi trả suốt 13 năm qua, gia đình tôi thực sự không biết phải xoay xở thế nào. Chúng tôi mong muốn Quỹ BHYT sẽ tiếp tục chi trả thêm nhiều loại thuốc mới, vật tư y tế chất lượng cao, kỹ thuật mới, hiện đại để bệnh nhân nghèo đỡ khổ” - ông Q. nói.

Ngoài đề xuất nói trên, Bộ Y tế đã đề xuất quy định người mắc các bệnh mạn tính khi chuyển về cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu quản lý sẽ được cấp phát thuốc chuyên khoa, thuốc sử dụng ở cấp chuyên môn cao hơn. Đồng thời, được Quỹ BHYT thanh toán theo tỷ lệ 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều