Thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) và các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng, thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp (DN) chậm đóng, trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, vấn đề nợ BHXH vẫn diễn ra phổ biến và càng ngày càng tăng, gây thiệt thòi, khó khăn cho người lao động.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm, trốn BHXH. Bên cạnh nguyên nhân ý thức chấp hành pháp luật của các DN còn hạn chế thì việc khó triển khai các chế tài xử lý hình sự các DN chậm, trốn đóng BHXH cũng là vấn đề đặt ra.
Điều 216, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định tội trốn đóng BHXH nhưng trên thực tế, theo các cơ quan chức năng, không truy tố được người sử dụng lao động do các DN chỉ nợ BHXH, không trốn đóng BHXH. Trong khi các biện pháp xử lý DN nợ BHXH như xử phạt hành chính thì mức xử phạt thấp, không đủ sức răn đe…
Để ngăn ngừa tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, ngày 29-6-2024, Quốc hội thông qua Luật BHXH sửa đổi năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025) bổ sung nhiều biện pháp chế tài xử lý tình trạng này. Theo đó, Luật BHXH sửa đổi năm 2024 quy định, sau thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất mà không đóng thì người sử dụng lao động ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng. Do đó, DN nợ BHXH càng nhiều, số tiền xử phạt càng cao. Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên…
Bên cạnh đó, Luật BHXH sửa đổi năm 2024 quy định rõ, cụ thể 2 hành vi: chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH để làm căn cứ áp dụng biện pháp chế tài phù hợp. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. Từ đó nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc triển khai, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, xử lý nghiêm các DN chậm đóng và trốn đóng BHXH.
Trong khi chờ Luật BHXH sửa đổi năm 2024 có hiệu lực, cơ quan BHXH và các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền các quy định mới nói trên đến DN, người lao động để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật lao động, BHXH của chủ DN, cũng như cập nhật kiến thức pháp luật cho người lao động biết để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình, góp phần giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH trong thời gian tới.
Thư Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin