(ĐN) – Từ nay, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân khi mất giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, bằng lái xe, thẻ khám bệnh, thẻ bảo hiểm y tế… khi đến thăm, khám tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đều có thể tìm lại.
Ông Lộc vui mừng khi nhận lại được CCCD tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trước khi lên máy bay. Ảnh: BVCC |
Mới đây, bệnh viện này đã đặt thùng nhận giấy tờ thất lạc ngay tại quầy đăng ký khám chữa bệnh (tầng G) của bệnh viện.
Tìm được căn cước công dân trước giờ lên máy bay
Theo đó, tất cả những loại giấy tờ tùy thân mà bệnh nhân hay thân nhân bệnh nhân làm rơi tại bệnh viện sẽ được đưa vào chiếc thùng nhận giấy tờ thất lạc. Và những ai bị mất, chỉ cần liên hệ với Phòng Công tác xã hội của bệnh viện để nhận lại.
Dù mới được đặt vào ngày 29-7 nhưng khá nhiều loại giấy tờ như thẻ xe, thẻ BHYT, căn cước công dân… được những người nhặt được cho vào trong chiếc thùng này. Và có nhiều bệnh nhân may mắn nhận lại được giấy tờ khi đang cần gấp.
Điển hình như trường hợp của ông Vũ Đình Lộc, 68 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa. Vài ngày trước, ông Lộc đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã làm mất căn cước công dân (CCCD). Do chưa cần dùng đến nên ông Lộc không hề hay biết mình đã làm mất giấy tờ quan trọng này.
Chỉ khi gia đình có công việc, cần CCCD làm thủ tục lên máy bay, ông Lộc mới xem lại và phát hiện CCCD không còn trong ví như mọi khi.
“Lúc đó, tôi thực sự lo lắng vì chỉ cách giờ lên máy bay hơn 1 ngày thôi. Nếu làm lại thẻ CCCD cũng không thể kịp trong tình huống này, như vậy, tôi có thể phải hủy chuyến bay và về quê bằng xe khách. Trong khi sức khỏe không tốt lắm lại lớn tuổi mà đi xe đường dài suốt vài ngày liền, tôi sợ mình không chịu nổi” – ông Lộc chia sẻ.
Bình tâm lại, ông Lộc nhớ ra, ông đã từng đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám bệnh vài ngày trước. Do đó, ngay sáng hôm sau (ngày 29-7), ông đến bệnh viện sớm để hỏi với hi vọng tìm lại giấy tờ đã mất khá mong manh.
Ông Lộc chia sẻ: “Bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở đây khá đông. Tôi không có nhiều niềm tin sẽ tìm lại được CCCD nhưng vẫn nuôi hi vọng. Nhưng thật bất ngờ và may mắn, tôi đã thấy cái thùng chứa những giấy tờ thất lạc và tìm lại được CCCD của mình”.
Đủ loại giấy tờ tùy thân được đựng trong thùng nhận giấy tờ thất lạc tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Bích Nhàn |
Bà Đinh Thị Mười, ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa thỉnh thoảng vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai kiểm tra sức khỏe. Đây là lần thứ 2 bà Mười bị mất thẻ khám bệnh (one card) - vừa đăng ký khám bệnh vừa để thanh toán viện phí. Nhưng khác với lần trước, bà Mười đã tìm lại được “của đánh rơi” trong chiếc thùng “nhận giấy tờ thất lạc” ngay tại BVĐK Đồng Nai.
“Nhiều người bị mất CCCD nhưng không biết chỗ để lấy, phải đi làm lại rất mất công, mất thời gian. Tôi thấy thùng này có ý nghĩa và rất cần thiết với những người bị mất giấy tờ. Bởi khi cùng nhân viên của bệnh viện tìm thẻ của mình, tôi vô tình thấy nhiều CCCD hay thẻ BHYT của nhiều người trong này” – bà Mười cho hay.
Khi phát hiện mất giấy tờ tùy thân tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân liên hệ Phòng Công tác xã hội tại phòng 329, lầu 3 để kiểm tra và nhận lại (nếu có).
Sẽ gửi “tận tay” người mất giấy tờ
Trung bình với mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có khoảng 4 ngàn bệnh nhân khám ngoại trú và hơn 1 ngàn bệnh nhân điều trị nội trú. Thực tế, bệnh viện đã nhận nhiều giấy tờ bị thất lạc của bệnh nhân hay thân nhân bệnh nhân khi đến bệnh viện thăm, khám. Mỗi khi nhận giấy tờ của người bị đánh rơi, bệnh viện cũng thông báo lên hệ thống loa, thế nhưng thông tin nhiều khi không thể “đến tai” chính chủ 100%, do đó, nhiều loại giấy tờ vẫn ở lại bệnh viện suốt nhiều tháng liền.
Nhân viên phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai kiểm tra giấy tờ thất lạc của bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân. Ảnh: Bích Nhàn |
Ông Lê Đình Hạnh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, mỗi ngày, phòng công tác xã hội nhận được khoảng chục loại giấy tờ khác nhau như: giấy phép lái xe, CCCD, thẻ bảo hiểm y tế… Đây là những loại giấy tờ tùy thân quan trọng với mỗi người vì khi mất đi làm lại rất mất thời gian. “Dù chỉ mới đặt thùng nhận giấy tờ thất lạc nhưng chúng tôi đã giúp nhiều người tìm lại được của đã mất. Nhiều bệnh nhân tâm sự rằng, tiền mất đôi khi không tiếc mà những thứ giấy tờ ấy lại trở thành vô giá với nhiều khổ chủ khi bị mất” – ông Hạnh nói.
Như vậy, từ nay trở đi, tất cả giấy tờ của bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân rơi ở bất kỳ khoa phòng nào đều sẽ được đưa vào thùng "tập kết" này. Và người mất chỉ cần liên hệ Phòng công tác xã hội (phòng 329, lầu 3) để nhận lại. Ông Hạnh cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ dán danh sách tên những người bị mất và loại giấy tờ bị mất để bệnh nhân có thể dễ thấy, dễ liên hệ và lấy lại. Còn những giấy tờ bị chủ nhân “bỏ quên” nhiều tuần liền, chúng tôi sẽ tìm thông tin như số điện thoại, địa chỉ… để gửi lại”.
Bích Nhàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin