Trước những diễn biến phức tạp của tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP), thời gian qua, lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo tỉnh đã triệu tập các cuộc họp khẩn để chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm cũng như đề ra giải pháp để ngăn ngừa NĐTP.
Thức ăn đường phố vẫn được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: H.Dung |
Mục tiêu mà Đảng, Nhà nước luôn nhất quán thực hiện là đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, không đánh đổi sức khỏe người dân lấy phát triển kinh tế.
* Gia tăng số người bị NĐTP
Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), tiến sĩ Nguyễn Hùng Long cho biết, 5 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 36 vụ NĐTP với hơn 2,1 ngàn người mắc, giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại tăng hơn 1 ngàn người mắc. Vụ ngộ độc khiến nhiều người mắc nhất xảy ra tại thành phố Long Khánh với 547 người.
Nguyên nhân gây ra các vụ NĐTP liên quan đến vi sinh vật, hóa chất, do độc tố tự nhiên hoặc không xác định được nguyên nhân. Vụ ngộ độc ở thành phố Long Khánh là do vi sinh vật Salmonella có trong thịt heo đã qua chế biến, chả lụa.
Từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra của tỉnh đã kiểm tra hơn 5,6 ngàn cơ sở thực phẩm trong tỉnh. Kết quả, có 439 cơ sở vi phạm; trong đó 134 cơ sở bị xử phạt số tiền 670 triệu đồng. |
Lãnh đạo Cục ATTP cho rằng, NĐTP là sự cố khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan như thời tiết nóng ẩm phù hợp cho vi sinh vật phát triển, nhất là trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật, có cả nguyên nhân chủ quan. Đó là sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các cấp, nhất là tuyến cơ sở chưa tốt. Quy định của pháp luật đã nêu rõ các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải lưu mẫu thực phẩm và kiểm định nhưng nhiều cơ sở không thực hiện. Có quy định phải kiểm soát thực phẩm đầu vào nhưng nhiều cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, không đảm bảo điều kiện ATTP nhưng vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, có những cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP về kinh doanh các sản phẩm nông sản nhưng lại thu gom nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát ATTP. Hoặc có những cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ký hợp đồng giết mổ với lò mổ có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y nhưng thực tế không thực hiện hoặc chỉ thực hiện giết mổ một phần nhỏ trong tổng số lượng cung cấp cho các bếp ăn tập thể.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm, hiện Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông lâm thủy sản không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do không còn được giao chức năng thanh tra chuyên ngành. Việc quản lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố còn hạn chế do một số địa phương thiếu nhân lực. Qua kiểm tra, nhất là tuyến xã, còn có tình trạng nể nang, chủ yếu là nhắc nhở, chưa mạnh dạn xử lý vi phạm hành chính nên không mang tính răn đe.
Người dân mua thịt heo tại một chợ trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Dung |
“Trước đây, chúng ta xem các xe bánh mì là thức ăn đường phố, thuộc quản lý của xã, phường. Tuy nhiên, Tiệm bánh mì Cô Băng (thành phố Long Khánh) đã đưa xe bánh mì về một địa điểm cố định để kinh doanh với quy mô lớn, phải quản lý theo kiểu hộ gia đình. Qua thực tế cho thấy, vẫn còn nhập nhằng trong phân cấp giữa thức ăn đường phố và kinh doanh hộ gia đình ở tiệm bánh mì này. Sau khi xảy ra vụ ngộ độc, chúng tôi đã phân tích rất rõ vấn đề này và đang chấn chỉnh” - bà Võ Thị Ngọc Lắm nói.
* Nhiệm vụ quan trọng
Để đảm bảo công tác ATTP trong thời gian tới, ngành y tế sẽ đẩy mạnh truyền thông đến từng nhóm đối tượng cụ thể gồm: người sản xuất, kinh doanh; người tiêu dùng; chính quyền các cấp, cơ quan quản lý… để các đối tượng biết được trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc đảm bảo ATTP.
Ngành y tế đề nghị các cấp Công đoàn, doanh nghiệp, người lao động thường xuyên tự kiểm tra, giám sát vấn đề ATTP tại các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp. Các bếp ăn tập thể trường học thì huy động sự vào cuộc của phụ huynh tự kiểm tra, giám sát các khâu nhập, chế biến, bảo quản thực phẩm…
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng cho hay, để ngăn ngừa NĐTP, trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân, mỗi gia đình có ý thức sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.
Ngành nông nghiệp đã xây dựng mô hình kết nối, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp từ điểm sản xuất cho các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã triển khai được 50 chuỗi kiểm soát ATTP. Đồng thời, thực hiện ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc với công nghệ Blockchain trong thực hiện Dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Dự kiến trong tháng 6-2024, sẽ có 50 cơ sở triển khai thí điểm.
Đối với những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp quản lý, mạnh dạn xử lý những cơ sở vi phạm. Nếu địa phương không đủ điều kiện xử lý thì báo cấp tỉnh để kịp thời xử lý.
Nhằm đảm bảo ATTP, Sở Công thương đã triển khai cho các địa phương trong tỉnh yêu cầu 100% cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ không thuộc diện phải cấp giấy đủ điều kiện ATTP ký cam kết đảm bảo ATTP.
Sau vụ ngộ độc ở Long Khánh, Sở Công thương đã có 2 văn bản đề nghị các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra các cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Thời gian tới, sở sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng với các mặt hàng mà ngành quản lý là: rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến.
Thông tin từ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), trong 5 tháng đầu năm 2024, lực lượng phòng, chống tội phạm về môi trường phát hiện hơn 3,7 ngàn vụ vi phạm về ATTP, tăng 44% so với 6 tháng cuối năm 2023. Những vi phạm chủ yếu gồm: vi phạm quy định ATTP của cơ sở nhỏ lẻ, đặc biệt là thức ăn đường phố; kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc ở cổng trường học, các khu công nghiệp…
Tại cuộc họp liên quan đến ATTP mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng giao cho Sở Y tế và Văn phòng UBND tỉnh hoàn chỉnh Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về các biện pháp đảm bảo ATTP để ban hành. Trong đó, cần nói rõ sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong nhiệm vụ đảm bảo ATTP. Đề nghị nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ sở, cá nhân, doanh nghiệp trong việc cung cấp, kinh doanh, buôn bán thực phẩm; siết quản lý ở các địa bàn đông khu công nghiệp, trong các trường học, các cơ sở, hàng quán buôn bán bên ngoài cổng trường.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh: “Cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo ATTP cho người chế biến, người sử dụng, bảo quản thực phẩm; tác hại của việc không đảm bảo ATTP; các quy định về quản lý nhà nước như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Qua hướng dẫn để rà soát xem cơ sở nào chưa đủ điều kiện cấp giấy phải công khai để họ biết cần có thêm những điều kiện gì. Tăng cường kiểm tra, xử lý theo phân cấp, phân quyền. Đi kiểm tra phải công khai, minh bạch, xử lý đúng quy định, không cả nể mà bỏ qua vi phạm, cũng không nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các cơ sở”.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin