Vụ ngộ độc thực phẩm tại thành phố Long Khánh đến thời điểm này đã ghi nhận 545 trường hợp bị ngộ độc. Trong đó, nhiều ca phải nhập viện điều trị, một số ca bệnh nặng đã được chuyển lên tuyến trên. Đây là vụ ngộ độc thực phẩm khá nghiêm trọng với số người mắc lớn, xảy ra ngay trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024.
Theo thông tin từ Sở Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm, làm trên 560 người mắc tại thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh. Số người bị ngộ độc thực phẩm cao hơn rất nhiều so với những năm trước đã phần nào cho thấy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang ở mức báo động, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết thất thường, nắng nóng như hiện nay.
Riêng vụ ngộ độc thực phẩm ở thành phố Long Khánh vẫn đang được điều tra làm rõ, nhưng những kết quả xét nghiệm ban đầu ở các bệnh nhân nặng sau khi ăn bánh mì thịt cho thấy bệnh nhân đã nhiễm khuẩn E.Coli.
Tại cuộc họp giao ban kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2024 mới đây, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã yêu cầu ngành y tế tăng cường trách nhiệm trong kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là thức ăn đường phố, bởi đây là mầm mống dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, mà vụ ngộ độc ở một tiệm bánh mì không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm ở thành phố Long Khánh là một ví dụ.
Kiểm tra thực tế của các ngành chức năng sau khi vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Long Khánh cho thấy, một tiệm bán bánh mì nhỏ lẻ nhưng hàng ngày bán ra khoảng 1 ngàn ổ bánh mì từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau, một số nguyên liệu không có nhãn mác. Đối tượng khách hàng đa dạng, trong đó có khá nhiều học sinh mua ăn trước khi đến trường. Hiện vẫn còn 2 trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước tính chất phức tạp của các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên cả nước gần đây, nhất là từ vụ ngộ độc ở thành phố Long Khánh, trong Công điện số 44/CĐ-TTg ban hành ngày 3-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố. Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin